BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Lập lờ” đào ao nuôi cá, khai thác đất dôi dư ? 

Cập nhật ngày: 20/05/2019 - 06:10

BTN - Trước thực trạng nhiều ao nuôi trồng thuỷ sản không nuôi cá hoặc nuôi cá không đúng mục đích, dư luận đặt câu hỏi, những chủ dự án trên có bị xử lý không? Có buộc chủ dự án khắc phục lại hiện trạng ban đầu để phục hồi đất canh tác đối với các ao bỏ hoang hay không?

Một dự án nuôi trồng thuỷ sản đang triển khai thực hiện tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã xem xét cho người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thuỷ sản. Thế nhưng, có không ít dự án đào ao nhưng chỉ nuôi cá được một thời gian ngắn. Sau đó, với lý do không đạt hiệu quả nên bỏ ao trống, còn lượng đất dôi dư trong quá trình đào ao được chủ dự án đưa đi tiêu thụ. Điều này khiến luận nghi ngờ: Có hay không việc các chủ dự án lợi dụng việc đào ao nuôi trồng thuỷ sản để… khai thác khoáng sản?

GẦN KÊNH CŨNG BỎ

Tìm hiểu thực tế tại một vài dự án nuôi trồng thuỷ sản trong khoảng thời gian từ năm 2015 trở về trước trên địa bàn một số huyện, có ao bỏ không, có ao nuôi cá nhưng chuyển mục đích sang câu cá giải trí; có ao không nuôi cá do mực nước thấp và đang chờ chuyển nhượng cho người khác để nuôi gia cầm. Không ít dự án với mục đích ban đầu là để nuôi cá sặc rằn thâm canh nhưng chỉ nuôi cá tạp, đến nay cũng phải tạm ngưng vì không có lợi nhuận.

Tại dự án nuôi trồng thuỷ sản của bà N.T.H ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, dù rất thuận lợi về nguồn nước do nằm gần kề kênh tiêu Bến Đình nhưng ao vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, rác nổi lềnh bềnh. Đáng lo là, diện tích ao khá lớn- hơn 6.000m2 lại rào chắn quá sơ sài, xung quanh chỉ có vài sợi kẽm gai, rào cho có lệ; phần bờ ao nằm sát đường kênh, hằng ngày có nhiều người qua lại. Theo một người dân địa phương, cách đây vài năm đã có một thiếu niên chết đuối do vào ao tắm.

Một cái ao khác của bà T.L.M.H, nằm trên địa bàn ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên có diện tích 1.100m2, rào chắn cẩn thận, có cất nhà cho người ở để canh giữ ao nhưng hiện không nuôi cá, dù nằm kề kênh thuỷ lợi. Theo người dân khu vực này, dự án được lập với mục đích nuôi cá rô phi. Khi đào ao, chủ ao cũng có thả cá để cho người dân… đến câu giải trí.

Ở địa bàn nông thôn, kinh doanh dịch vụ câu cá giải trí ế ẩm, nên người chủ đã ngưng cho câu giải trí, không nuôi cá nữa. Sau đó, cái ao này được cho là đã sang nhượng cho một người ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi đến, vẫn còn nhiều cái chòi nằm cặp bờ ao phục vụ cho khách đến câu trước đây, có một tấm bảng treo tại một góc ao ghi giá dịch vụ câu cá.

Ngoài ra, có không ít ao, chủ nuôi cá không đúng theo đăng ký như: đăng ký nuôi cá thác lác cườm nhưng lại nuôi cá hỗn hợp. Có dự án nuôi trồng thuỷ sản với diện khá lớn, hơn 50.000m2 nhưng hiện nay lại chuyển sang câu cá giải trí.

Trước thực trạng nhiều ao nuôi trồng thuỷ sản không nuôi cá hoặc nuôi cá không đúng mục đích, dư luận đặt câu hỏi, những chủ dự án trên có bị xử lý không? Có buộc chủ dự án khắc phục lại hiện trạng ban đầu để phục hồi đất canh tác đối với các ao bỏ hoang hay không? Bởi lẽ, các dự án này không thực hiện đã gây lãng phí nguồn tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp.

QUY ĐỊNH RẤT CHẶT CHẼ, NHƯNG…

Được biết, đối với trường hợp người dân, tổ chức xin chuyển mục đích sử dụng sang đào ao nuôi trồng thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn khá chặt chẽ tại Công văn số 1265/SNN-CCTS ngày 4.8.2009.

Theo đó, các trường hợp xin chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, khu vực đất chuyển đổi phải là đất nghèo dinh dưỡng, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Các dự án được cơ quan có chuyên môn thẩm định và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều kiện để xây dựng ao phải bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật như diện tích ao tối đa 1 ha/ao, độ sâu đào ao tối đa 2,5m.

Bên cạnh đó, phương pháp nuôi không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, có đánh giá tác động của Sở Tài nguyên và Môi trường. Ao nuôi phải có nguồn cấp và thoát nước chủ động, thuận tiện, nước cấp cho ao không bị ô nhiễm. Khi đào ao nuôi cá, phần đất dôi dư có thể được tận thu để san lấp và phải có sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Đối với việc tận dụng đất dôi dư từ dự án nuôi trồng thuỷ sản, ngày 22.2.2018, Sở TN&MT đã ban hành Công văn 1021/STNMT-PQLTN về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục tận thu từ dự án nuôi trồng thuỷ sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gửi UBND các huyện, thành phố.

Theo Sở TN&MT, đối với dự án không tận dụng đất dôi dư, UBND các huyện, thành phố phê duyệt dự án nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện, thành phố đối với mục đích sử dụng đất là nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản đào ao và khối lượng đất dôi dư từ dự án dùng để san gạt, đắp mặt bằng trong diện tích dự án không vận chuyển khối lượng đất dôi dư ra ngoài; phải thực hiện đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật theo đúng nội dung dự án nuôi trồng thuỷ sản được phê duyệt.

Dự án nuôi trồng thuỷ sản tại ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên sau một thời gian cho câu cá giải trí đến nay không còn nuôi cá.

Như vậy, có thể thấy các ngành chức năng đã quy định khá chặt chẽ, thế nhưng trong thực tế,  đã có trường hợp, sau khi được cho tận dụng đất dôi dư trong quá trình thực hiện dự án, đã vi phạm về độ sâu cho phép nhưng chính quyền địa phương cấp xã không biết, đến khi báo chí lên tiếng, ngành chức năng vào cuộc mới phát hiện.

Vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư cố tình đào ao sâu hơn mức cho phép với mục đích khai thác khoáng sản trái phép. Bởi lẽ khi cơ quan chức năng cho phép, đã tính toán đầy đủ khối lượng đất dôi dư được tận dụng với thiết kế về độ sâu theo quy định. Do đó, phần khối lượng đất dôi dư từ vi phạm độ sâu của dự án có thể được xem là khai thác khoáng sản không phép và cần phải được xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã nơi có các dự án nuôi trồng thuỷ sản cần phải tăng cường công tác giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, kịp thời báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Đồng thời, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ dự án sau khi đào ao không nuôi trồng thuỷ sản, nhằm hạn chế tối đa việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương để khai thác khoáng sản.

THẾ NHÂN