BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thề Rừng Rong:

Ngày ấy, bây giờ... 

Cập nhật ngày: 26/02/2018 - 06:12

BTN - “Chết tự do hơn sống nô lệ” là một trong năm lời thề được 27 thanh niên cách mạng tự thảo ra và tổ chức cắt máu ăn thề với nhau tại khu rừng Rong. Hiện nay, chỉ còn 3 chiến sĩ Rừng Rong năm xưa còn sống, nhưng tinh thần yêu nước của các bậc lão thành cách mạng này vẫn hừng hực như 72 năm về trước.

Ông Tô Văn Ri (bên trái) và ông Lâm Quang Vinh (bên phải)- hai cán bộ lão thành cách mạng là chiến sĩ Rừng Rong năm xưa tham quan Khu di tích lịch sử Rừng Rong.

SON SẮT MỘT LỜI THỀ

Hai chiến sĩ Rừng Rong năm xưa, nay đều đã quá tuổi 90, mà chúng tôi được gặp là ông Tô Văn Ri và ông Lâm Quang Vinh. Trong không khí vui mừng của buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 72 năm Hội thề Rừng Rong (tổ chức ngày 22.2.2018, tại Khu di tích lịch sử Rừng Rong, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng), hai cán bộ lão thành cách mạng này bồi hồi nhớ lại sự kiện đặc biệt của 72 năm trước.

Ông Tô Văn Ri là một trong những người đầu tiên tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Trảng Bàng, và góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử của dân tộc. Nhưng, chính quyền cách mạng thành lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp tái chiếm miền Nam.

Cuối năm 1945, khi Pháp dùng nhiều xe quân sự, xe thiết giáp tiến quân từ Sài Gòn lên Tây Ninh, ông cùng nhiều thanh niên yêu nước khác lập phòng tuyến ở Suối Sâu (trên quốc lộ 22 thuộc ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng ngày nay) để chặn đánh địch, nhưng vì quân địch quá mạnh, phòng tuyến Suối Sâu bị tan rã, các chiến sĩ cách mạng rút lui vào nhà dân hoặc vào rừng để tổ chức lại lực lượng.

Chỉ tay về khu rừng lõm trước mặt, ông kể, thời điểm năm 1945, nơi đây là một cánh rừng có diện tích khoảng một chục mẫu (hecta). Trong rừng, có cây cổ thụ cao to, gốc lớn đến nỗi nhiều vòng tay người ôm không giáp. Xung quanh cây cổ thụ có nhiều cây nhỏ mọc dày, làm cánh rừng âm u, rậm rạp.

“Để có chỗ hội họp, bàn mưu tính kế đánh đuổi thực dân Pháp, những người tham gia cách mạng dùng dao rong (chặt bỏ) nhánh cây rừng cho trống trải bớt. Từ đó, mỗi lần hẹn gặp, chúng tôi thường bí mật nói nhỏ với nhau gặp ở chỗ rừng rong. Cứ như thế, dần dần nơi đây trở thành địa danh Rừng Rong từ lúc nào không hay”.

Hỏi về sự kiện cắt máu ăn thề, vị cán bộ lão thành cách mạng Tô Văn Ri nói tiếp, sau khi tái chiếm Tây Ninh, thực dân Pháp gầy dựng lại bộ máy tay sai và tăng cường đàn áp dân lành. Trước tình hình đó, anh em chiến sĩ cách mạng sôi sục căm thù, nên quyết tâm đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm.

Sau một thời gian bàn bạc, chuẩn bị, ngày 1.2.1946 (ngày 30 tháng Chạp năm Ất Dậu), trước sự chứng kiến của đông đảo bà con nhân dân An Tịnh, chúng tôi tập trung tại rừng Rong, tuyên bố thành lập Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng và tổ chức Hội thề với lời tuyên thệ: “Ra đi kháng chiến đến ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, 27 chiến sĩ cách mạng trang nghiêm đọc lời thề: “-1: Độc lập hay là chết! Xin thề! -2: Chết tự do hơn sống nô lệ! Xin thề!: -3: Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu! Xin thề! -4: Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu! Xin thề! -5: Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử! Xin thề!”.

Tiếp lời ông Tô Văn Ri, ông Lâm Quang Vinh cho hay, ngay sau khi tuyên thệ, có 8 anh em, gồm Trần Bá Dên, Trần Bá Liêm, Trần Bá Diệp, Trương Tùng Quân, Trần Thị Đẹp, Tô Văn Ri, Trần Thị Đường, Hồ Văn Sanh ở lại Căn cứ Rừng Rong hoạt động bán công khai để xây dựng cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng và làm công tác binh vận.

19 anh em khác, xung phong gia nhập vào Đại đội 3, Chi đội 12 (thuộc Khu bộ 7, nay là Quân khu 7) để tham gia chiến đấu trên địa bàn miền Đông Nam bộ. “Những cuộc chiến lúc đó diễn ra hết sức cam go, khốc liệt. Ngay trong trận chiến đấu đầu tiên ở địa điểm Cây Sồi (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), đã có 5-6 anh từng tham dự Hội thề Rừng Rong hy sinh. Có một số anh em đã ngã xuống, đồng đội chôn cất vội vàng, sau nhiều năm cảnh vật thay đổi, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt”- ông Vinh nghẹn ngào nói.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Trạo là một trong những trường hợp đến nay chưa quy tập được hài cốt. Tại buổi họp mặt truyền thống 72 năm Hội thề Rừng Rong, chúng tôi được tiếp xúc với bà Nguyễn Thanh Tuyền- bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh)- là cháu của ông Nguyễn Văn Trạo.

Bà Tuyền tâm sự, khi tuyên thệ ở Hội thề Rừng Rong, chú Trạo mới 18 tuổi, vẫn còn độc thân. Sau đó, chú tham gia chiến đấu và đã hy sinh trên chiến trường ở huyện Củ Chi. Hàng chục năm qua, người thân đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm hài cốt của chú để đem về mai táng và thờ cúng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.

Cựu chiến sĩ Rừng Rong năm xưa- ông Tô Văn Ri chia sẻ: “Tôi không biết năm sau sức khoẻ ra sao, nhưng mong rằng những năm tới, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và Đảng uỷ xã tiếp tục quan tâm đến khu di tích này, để con cháu tiếp tục noi theo với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do, thà chết chứ không làm nô lệ”.

“Kể cả có lần tôi đã nhờ đến nhà ngoại cảm nổi tiếng để tìm kiếm hài cốt của chú, nhưng đến giờ vẫn vô vọng”. Dù rất bận công việc chuyên môn ở bệnh viện, nhưng hầu hết các buổi họp mặt truyền thống Hội thề Rừng Rong hằng năm, bà Tuyền đều dành thời gian đến để thăm hỏi những đồng đội của người chú và cập nhật thông tin, mong có ngày tìm được hài cốt ông Nguyễn Văn Trạo.     

NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975, những thanh niên cách mạng dự Hội thề Rừng Rong chỉ còn 7 chiến sĩ trở về, 20 chiến sĩ khác đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong những năm qua, đã có thêm 4 vị cán bộ lão thành nữa, trong đó có Trung tướng - Tiến sĩ Nguyễn Thới Bưng, vì tuổi cao, sức yếu nối tiếp nhau về cõi vĩnh hằng.

Đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 3 chiến sĩ Rừng Rong năm xưa là ông Tô Văn Ri, ông Lâm Quang Vinh và bà Trần Thị Đường (theo lời ông Trần Văn Tuấn, 54 tuổi- con trai của bà Đường- nhiều năm qua, bà Đường vẫn sinh sống ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, nhưng năm nay, do tuổi cao sức yếu nên nữ cán bộ lão thành cách mạng này không thể về dự họp mặt truyền thống kỷ niệm 72 năm Hội thề Rừng Rong).

Dẫu biết rằng mất mát, hy sinh là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh, nhưng Hội thề Rừng Rong vẫn là một sự kiện lịch sử có tác động lớn đến ý thức cách mạng của nhiều thế hệ  sau. Kế tục sự nghiệp vẻ vang của thanh niên cách mạng Rừng Rong, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, Tiểu đoàn 14 được thành lập tại Bời Lời và trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh Tây Ninh.

Đầu năm 1965, những thế hệ nối tiếp thế hệ chiến sĩ Rừng Rong đã đào Địa đạo An Thới để bám trụ, chiến đấu và trở thành cánh cửa thép bảo vệ căn cứ địa “Tam giác sắt” Bời Lời. Hội thề của thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại rừng Rong trở thành biểu tượng của ý chí cách mạng, của khát vọng độc lập tự do.

Tại buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 72 năm Hội thề Rừng Rong, ông Trương Nhật Quang- Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng khẳng định: “72 năm trôi qua, lịch sử đã sang trang, nhưng khí phách hào hùng của Hội thề Rừng Rong năm xưa vẫn sống mãi trong trái tim, ký ức của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân huyện nhà.

Chúng ta vinh dự, tự hào bởi những người con Tây Ninh nói chung, quê hương Trảng Bàng nói riêng đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường, của quê hương Trảng Bàng 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng”.

Ông Tô Văn Ri, ông Lâm Quang Vinh (thứ hai và thứ ba bên trái) chụp ảnh lưu niệm với thân nhân của những đồng đội cũ.

Đại diện thế hệ trẻ, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bàng Đoàn Hoài Linh cũng bày tỏ: “Chúng cháu là lớp thanh niên sinh sau, không trải qua chiến tranh gian khổ, hy sinh và rất oanh liệt của dân tộc mình. Nhưng qua các trang sử, các bài viết, các hoạt động giáo dục truyền thống, chúng cháu luôn ghi nhớ, tôn trọng và tự hào về truyền thống cách mạng của những người con ưu tú của Trảng Bàng.

Hội thề Rừng Rong là lời hiệu triệu thôi thúc bao lớp thanh niên Trảng Bàng lên đường tòng quân giết giặc. Chúng cháu luôn tưởng nhớ những tấm gương của các cô, các chú và hàng ngàn thanh niên đã ngã xuống, góp phần to lớn làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của Trảng Bàng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Trảng Bàng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong tập hợp, dẫn dắt thanh niên của huyện nhà trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng cháu xin hứa sẽ không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh cách mạng, ý chí, quyết tâm vươn lên, dám nghĩ, dám làm để xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của thế hệ ông cha đi trước”.

Để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng, những năm qua, Tây Ninh đã xây dựng khu rừng lõm sát nách đô thị Trảng Bàng thành Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong, với diện tích 15.000m2. Trong đó, danh tính 27 thanh niên cách mạng tham gia Hội thề Rừng Rong năm xưa được khắc vào bia đá ghi công.

Trong khu di tích còn có các công trình khác như sân lễ, tượng đài, nhà bia tưởng niệm… Cuối năm 2001, khu di tích lịch sử cách mạng này được Bộ Văn hoá, Thể thao (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho bao thế hệ trẻ về nguồn, họp mặt truyền thống.

Đại Dương