BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ môi trường 

Cập nhật ngày: 03/11/2019 - 23:41

BTN - Hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp trong tỉnh ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo kết quả của thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường, vẫn còn doanh nghiệp vi phạm hoặc chưa chú trọng đến công tác này.

Nhiều doanh nghiệp xả thải ra môi trường, bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt. (Ảnh minh hoạ)

Tại Công ty TNHH BIMICO (số 2, đường Trần Văn Trà, ấp Kinh Tế, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh), qua kiểm tra cho thấy, nước thải sinh hoạt tại công ty có khối lượng 19 m3/ngày, nước thải sản xuất 8m3/ngày. Công ty có tách riêng biệt hệ thống thu gom nước thải và nước mưa. Tuy nhiên, dù có hệ thống thu gom nước thải tại khâu chao hạt điều, công ty xả ra mương thoát nước mưa mà chưa thu gom để xử lý triệt để. 

Doanh nghiệp cũng không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng theo Đề án Bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, cụ thể là: nước thải từ hệ thống sản xuất thu gom về bể chứa được xây dựng bằng xi măng, cuối bể xi măng có đường ống nhựa PC, đường kính 100cm, xả thải ra ao không chống thấm, diện tích ao khoảng 300m2.

Đoàn kiểm tra lấy 1 mẫu nước thải tại ao không chống thấm này, nước trong ao có màu đen, cỏ trong ao có dấu hiệu chết, lưu lượng 8m3/ngày. Kết quả đo đạc và phân tích 1 mẫu nước thải tại ao không chống thấm, lưu lượng xả thải tại thời điểm lấy mẫu là 8m3/ngày đêm, so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT cột A (kq=0,6; kf= 1,2), cho thấy: 4/6 thông số vượt quy chuẩn cho phép gồm BOD5 vượt 19,49 lần, COD vượt 11,79 lần, chất rắn lơ lửng vượt 4,03 lần, tổng Nitơ vượt 0,77 lần, tổng phenol vượt 6,67 lần.  

Đối với chất thải nguy hại, công ty ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2018, công ty có chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty chưa chuyển giao mà không có văn bản báo cáo về Sở TN&MT về việc lưu giữ khi chưa chuyển giao cho đơn vị có chức năng; không bố trí kho lưu giữ, không phân loại, dán nhãn chất thải nguy hại.

Về tài nguyên nước, Công ty được Sở TN&MT cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất số 4025/GP-STNMT ngày 22.9.2015, với 2 giếng khoan, tổng lưu lượng khai thác 36m3/ngày đêm, thời hạn 5 năm. Mặc dù công ty có báo cáo kết quả khai thác nước dưới đất về Sở vào ngày 16.4.2019, có lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng, đóng thuế tài nguyên đến tháng 6.2019, nhưng chưa thực hiện thủ tục kê khai tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất; chưa lập nhật ký theo dõi tình hình khai thác theo quy định.

Theo Sở TN&MT, việc công ty xả nước thải lưu lượng 8m3/ngày đêm, 5/6 thông số chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường vi phạm điểm b, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 9, Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt 330 triệu đồng; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chi trả kinh phí phân tích mẫu môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, việc công ty nâng công suất từ 2.500 tấn/năm lên 3.000 tấn/năm và xây dựng kho chứa nguyên liệu (gần văn phòng công ty) có diện tích 3.600m2 và thay đổi công năng sử dụng làm lò sấy, công đoạn bắn màu, phân cỡ, thuộc trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường nhưng chưa lập hồ sơ là có hành vi vi phạm quy định tại điểm d Khoản 2, điểm b Khoản 6, Khoản 7 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

 Công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng theo đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, cụ thể: thu gom nước thải về bể chứa được xây dựng bằng xi măng, cuối bể xi măng có đường ống nhựa PC, đường kính 100cm, xả thải ra ao không chống thấm, diện tích ao khoảng 300 m2 là vi phạm hành vi không xây lắp công trình…

Cũng trong đợt thanh tra, Sở TN&MT yêu cầu Công ty TNHH MTV Tiến Dương Tây Ninh nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nội dung và quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý triệt để nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải, xử lý khí thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và xây dựng quan trắc nước thải tự động, liên tục (bao gồm thiết bị quan trắc tự động, liên tục và thiết bị lấy mẫu tự động), có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT trước ngày 31.12.2020.

Song song đó, Công ty Tiến Dương phải thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ và kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định và vận hành đúng quy trình các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Công ty BIMICO.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, Thanh tra Sở TN&MT còn thanh tra 3 doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh bột khoai mì và hạt điều. Tại Công ty TNHH Tân Hoà, Thanh tra Sở đã chỉ ra những tồn tại như chưa có báo cáo kết quả khai thác nước dưới đất, chưa có sổ theo dõi nhật ký khai thác. Công ty xây dựng công đoạn hấp hạt điều chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, là chưa bảo đảm theo quy định.

Sở TNMT yêu cầu công ty tuyệt đối không được vận hành khâu sản xuất hấp hạt điều khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Sau khi được phê duyệt, công ty phải báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện về Thanh tra Sở để theo dõi giám sát…

Đối với Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi - Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Tân Châu, dù đơn vị xây dựng hệ thống lò đốt củi tại vị trí lò sấy bã mì nhưng chưa vận hành hoạt động, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, là chưa bảo đảm theo quy định. Sở TN&MT yêu cầu công ty nghiêm túc khắc phục những sai sót trong quá trình hoạt động sản xuất. Đối với hệ thống lò sấy bằng nguyên liệu đốt bằng củi của nhà máy, Công ty phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan thẩm định, phê duyệt đề án chi tiết để xem xét và có ý kiến chấp thuận.

THẾ NHÂN