BAOTAYNINH.VN trên Google News

QUÂN NHÂN MẤT TIN, MẤT TÍCH TRONG CHIẾN TRANH:

Thêm một trường hợp cần làm rõ thân phận 

Cập nhật ngày: 26/07/2019 - 14:32

BTN - Trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ đất nước, nhiều quân nhân rơi vào trường hợp mất tin, mất tích. Mới đây, lại xuất hiện thêm một trường hợp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ được xác định là mất tích nhưng chưa được công nhận liệt sĩ vì còn phải xác minh quốc tịch.

Ông Lê Minh Hoàng đã dành rất nhiều thời gian để làm hồ sơ, chính sách đến cha mình.

LẶN LỘI TÌM NHÂN CHỨNG 

“Ông già tôi tên là Lê Văn Chum, sinh ra ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Ông nội tôi kể, những năm 1950, đời sống khó khăn, cả gia đình qua Campuchia tìm kế sinh nhai. Ở bên đó, ba tôi đem lòng yêu thương một phụ nữ người Việt Nam, người đó chính là mẹ tôi. Tôi cũng sinh ra ở Campuchia”- ông Lê Minh Hoàng, ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Tân Châu mở đầu câu chuyện về người cha của mình.

Ông Hoàng kể tiếp, năm 1966, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và Nhà nước, cũng như nhiều người Việt Nam ở Campuhia lúc bấy giờ, để lại người vợ trẻ và ba đứa con còn nhỏ, ông Lê Văn Chum tham gia cách mạng. Kể từ lúc ra đi cho đến khi được xác định mất tích (năm 1970), ông Chum có về thăm nhà được một lần.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cả nhà ông Hoàng về sinh sống tại huyện Tân Châu. Lúc này gia đình vẫn giữ lại được một số giấy tờ tuỳ thân, giấy khen của ông Chum. Năm 1978, quân Khmer đỏ tràn sang biên giới nước ta. “Cả nhà chỉ lo chạy thoát thân, chúng đốt sạch, không còn giữ được bất kỳ giấy tờ gì”- ông Hoàng nói.

Ðầu những năm 80 của thế kỷ XX, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông Hoàng lại đang trong quân đội, tham gia chiến đấu ở Campuchia nên chưa tính đến chuyện làm hồ sơ cho cha mình. Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 290 quy định chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Ðảng và Nhà nước, ông Hoàng nhờ cán bộ xã hướng dẫn làm hồ sơ về người cha của mình.

Hồ sơ được nộp về huyện Tân Châu, đợi chờ khoảng 4 năm, vẫn không thấy hồi âm. Trong một lần tiếp xúc cử tri, ông Hoàng nêu câu chuyện của mình. Ông về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Tân Châu tìm lại bộ hồ sơ nhưng đã bị mối ăn. Ông Hoàng về nhà tham khảo một số ý kiến, có người “tham mưu” rằng nên thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về người cha của mình xem có ai biết tung tích không.

Sau đó, ông Hoàng lập bộ hồ sơ khác nộp cho Tỉnh đội Tây Ninh (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ông Hoàng không nhớ mình nộp hồ sơ năm nào. Chỉ biết rằng, một thời gian sau khi nộp, ông được cơ quan chức năng thông báo, gia đình cần tìm cho được ít nhất hai nhân chứng để chứng minh rằng ông Lê Văn Chum có tham gia cách mạng và điều quan trọng là, phải chứng minh ông Chum là người Việt Nam.

Với những thông tin ít ỏi, ông Hoàng lặn lội khắp nơi tìm chân chứng để xác nhận cha mình quê ở huyện Trảng Bàng và có tham gia kháng chiến. Ông đã đến các tỉnh Bình Ðịnh, Khánh Hoà nhưng những người được coi là nhân chứng đều đã qua đời. Sau cùng, ông Hoàng tìm được một nhân chứng ở tỉnh Ðồng Nai, nhưng khi đến nơi thì ông này cũng vừa qua đời. Thật may mắn, người con của nhân chứng cho ông Hoàng biết rằng, anh có biết một người đi kháng chiến với cha mình.

Lần theo địa chỉ người ở Ðồng Nai cho, ông Hoàng đến tỉnh An Giang và tìm đúng nhà nhân chứng. Nhưng con gái của ông này lại cho biết, cha mình đang sống với một người chị ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trở về Tây Ninh, ông Hoàng tìm đến nơi ở của nhân chứng thì được cô con gái cho biết, cha mình sống ở trong rẫy cách nhà gần chục cây số. Tìm đến nơi, ông Hoàng trình bày với nhân chứng về thân phận người cha của mình.

Sau khi nghe trình bày, nhân chứng này (tên là Nguyễn Bá Năng, trong chiến tranh là đại đội trưởng, cấp trên trực tiếp của ông Chum)  xác nhận có biết về ông Lê Văn Chum. Nhân chứng này cho biết, năm 1970, cùng với 5 người khác, ông Chum được cử về đồng bằng sông Cửu Long để nhận thêm quân nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch vào năm 1972. Khi cả đoàn công tác từ Tây Ninh về đến Long An thì bị địch phục kích bắn chết cả 6 người.

Trong buổi gặp hôm đó, nhân chứng này phô tô toàn bộ hồ sơ cá nhân để bảo đảm rằng, mình chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xác nhận về ông Lê Văn Chum. Không chỉ vậy, nhân chứng còn hướng dẫn ông Hoàng đi tìm thủ trưởng cũ của cha mình tên là Tư Thanh- tại thời điểm chiến tranh giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 180. Hoà bình lập lại, ông Tư Thanh đã lên đến cấp tướng và chuyển về TP. Hồ Chí Minh sinh sống.

Ông Hoàng lại tìm đến nhà, được ông Tư Thanh xác nhận, về lập lại bộ hồ sơ mới và nộp theo hướng dẫn rồi chờ đợi. Khoảng 3 năm sau, ông Hoàng lại được trả lời rằng, hồ sơ của ông Chum còn thiếu một chi tiết quan trọng, đó là làm thế nào để chứng minh được Lê Văn Chum là người Trảng Bàng. Cầm hồ sơ tìm về quê cha đất tổ, tại đây, ông Hoàng được một người cao tuổi xác nhận cha mình là người Trảng Bàng, chính quyền địa phương sau đó chứng nhận điều này. Sau khi bổ sung hồ sơ xong, ông Hoàng nộp về cơ quan chức năng và chờ đợi thêm khoảng 2 năm nữa.

Ðến khi ông nhận được thông báo, hồ sơ vẫn chưa đáp ứng được và yêu cầu làm lại. Lại tiếp tục làm và nộp nhưng vẫn không thấy hồi âm. Tháng 12.2018, trong lần tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 HÐND tỉnh (tháng 12.2018), ông Hoàng phản ánh. Sau đó, ông được thông báo rằng, hồ sơ đã “tương đối đầy đủ nhưng còn phải có sự xác nhận của cơ quan an ninh Quân khu 7”.  Ông Hoàng hỏi, người dân như ông có thể đến gặp lãnh đạo của Phòng Bảo vệ an ninh - Cục chính trị Quân khu 7 hay không thì được trả lời là không, chỉ có người của quân đội mới vào được. Lại tiếp tục chờ.

PHẢI XÁC MINH QUỐC TỊCH

Sau nhiều năm chờ đợi, tại kỳ họp thứ 12 HÐND tỉnh vừa qua, các cơ quan liên quan thông tin, trả lời cử tri về trường hợp quân nhân Lê Văn Chum:

Năm 2015, Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của Ban CHQS huyện Tân Châu đối với trường hợp ông Lê Văn Chum. Hồ sơ thể hiện, ông Lê Văn Chum sinh năm 1932, quê quán xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nơi cư trú: xã Lăng Cờ Bơ, huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia.  Nhập ngũ năm 1966, đơn vị d2-ATK thuộc Ðoàn 180, bảo vệ Trung ương Cục miền Nam, mất tích năm 1970.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban Chính sách - Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh tiến hành các trình tự, thủ tục để lập hồ sơ và công văn đề nghị công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Lê Văn Chum theo quy định trong Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Sau đó, hồ sơ của ông Chum được gửi yề Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 để thẩm định, xem xét giải quyết.

Nhưng do chưa đủ các chứng cứ pháp lý, chưa đủ cơ sở để giải quyết, năm 2016, Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 đã gửi trả lại hồ sơ cho Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đề nghị các cấp điều tra xác minh, bổ sung những căn cứ pháp lý để làm cơ sở đề nghị giải quyết chế độ theo đúng quy định. Các nội dung được yêu cầu làm rõ, bao gồm quê quán, nơi cư trú trước khi nhập ngũ, lý do đề nghị công nhận liệt sĩ.  

Một trong những nội dung quan trọng là, theo hồ sơ,  ông Lê Văn Chum nhập ngũ ở Campuchia, do vậy phải xác minh làm rõ ông Lê Văn Chum là công dân có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch Campuchia. Nếu là quốc tịch Campuchia thì không thực hiện theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Năm 2017, Ban Chỉ đạo 24 của tỉnh Tây Ninh tiếp xúc cử tri tại huyện Tân Châu, có lãnh đạo huyện và cán bộ phụ trách công tác chính sách xã Tân Hà tham dự. Ban Chỉ đạo 24 của tỉnh trả lời ý kiến cử tri về nội dung đề nghị công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Lê Văn Chum và sau đó hồ sơ đã gửi trả lại cho địa phương.

Ðể làm rõ thông tin liên quan đến trường hợp của ông Lê Văn Chum, tháng 1.2018, Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh làm công văn gửi Bộ Tham mưu Quân khu 7 xác minh cung cấp thông tin liệt sĩ đối với ông Lê Vãn Chum. Kết quả, Bộ Tham mưu Quân khu 7 trả lời là, không có cơ sở để cung cấp thông tin liên quan đến trường hợp hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích của ông Lê Văn Chum.

Hiện nay,  Bộ CHQS tỉnh tiếp tục làm công văn gửi Cục Quân lực - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xác minh, cung cấp thông tin liên quan đến trường hợp hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích của ông Lê Văn Chum để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định và gửi về Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 thẩm định. Khi có kết quả, sẽ thông báo để ông Lê Minh Hoàng được biết.

CHỈ CÒN MỘT NHÂN CHỨNG ÐANG SỐNG

Ðến thời điểm này, chỉ còn duy nhất một nhân chứng, chính là ông Tư Thanh (đã nêu phần trên). Ông Tư Thanh tên thật là Trương Văn Thanh. Trong giấy xác nhận cho ông Lê Văn Chum, Thiếu tướng Trương Văn Thanh viết, nguyên văn: “Thường trực Ban liên lạc truyền thống Ðoàn 180 an ninh vũ trang (đơn vị trực tiếp bảo vệ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ chống Mỹ) có ý kiến về việc xác nhận đồng chí Lê Văn Chum như sau.

Ðồng chí Lê Văn Chum sinh năm 1932, nhập ngũ năm 1966, công tác đơn vị Tiểu đoàn 2 AKT, sau đổi thành đơn vị có tên Ðoàn 180 an ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam (nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam) quê, nơi sinh quán và trú quán là đúng. Mùa khô năm 1970, đồng chí Lê Văn Chum được phân công cùng một số đồng chí đi về miền Tây nhận quân bổ sung cho đơn vị thì bị địch phục kích tại tỉnh Long An, mất tích.

Theo lời kể một số đồng chí còn sống và lời xác nhận của đồng chí Nguyễn Bá Năng, nguyên là bác sĩ phục vụ Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 2 ATK là đúng sự việc xảy ra. Chúng tôi được biết nhiều năm qua lãnh đạo địa phương đã quan tâm xem xét trường hợp đồng chí Lê Văn Chum nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp sở tại xem xét giải quyết cho đồng chí Lê Văn Chum được công nhận liệt sĩ, đúng với chủ trương của Ðảng - Nhà nước ta”. (TP Hồ Chí Minh, ngày 30.5.2015, thay mặt Thường trực Ban liên lạc, Thiếu tướng Trương Văn Thanh).

Chiều 23.7, với mục đích xác thực một lần nữa về lá đơn xác nhận, chúng tôi gọi điện đến Thiếu tướng Trương Văn Thanh, dù tuổi đã cao nhưng trí nhớ còn khá tốt, ông Thanh khẳng định, năm 2015, chính ông xác nhận cho ông Chum, đồng thời nói rõ thêm: “Ông chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trong giấy xác nhận”.

VIỆT ÐÔNG