BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng đất đầu tiên đi vào sản xuất, cung ứng nguyên liệu cho Tanifood 

Cập nhật ngày: 08/05/2017 - 15:36

BTNO - Hưởng ứng chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh, hiện nay, ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng đã có một nông dân đầu tư trồng khóm (thơm, dứa) theo quy trình công nghệ cao và chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau, củ, quả công suất lớn Tanifood vừa mới khởi công xây dựng.

Thời cơ đã đến.

Ðó là ông Nguyễn Văn Sáu, 49 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà, xã Bình Thạnh. Ðã hơn 10 giờ, nắng hè chang chang, ông Sáu vẫn đội nắng đi thăm những luống khóm. Thỉnh thoảng, ông ngồi xổm, cúi người quan sát kỹ từng bụi khóm. Ông muốn tận mắt mình xem sản phẩm đầu tay của mình trên đường làm nông nghiệp theo hướng mới như thế nào. Dưới bàn tay chăm sóc của ông, những cây khóm bắt đầu ra vài lá non.

Chỉ tay về phía cánh đồng khóm đang tăng trưởng, ông Sáu kể, trước đây, toàn bộ vùng đất này bị nhiễm phèn rất nặng, hầu hết diện tích đất đai ở đây bỏ hoang cho đưng, lác, cỏ dại mọc quanh năm. Gia đình ông mở đại lý bán bia, nước ngọt tại nhà. Cứ hễ dành dụm được bao nhiêu tiền là ông ra cánh đồng này sang nhượng lại đất bỏ hoang của người dân. Sau đó, ai có nhu cầu trồng lúa, ông đều cho mượn không tính tiền trong thời gian 5 năm. “Trong quá trình canh tác, bà con nông dân sẽ cải tạo và tháo chua, rửa phèn cho đất của mình”, ông chia sẻ. Sau thời gian cho mượn 5 năm, ông cho thuê đất với giá 10 triệu đồng/ha/năm. Phần đất nào không ai thuê, tự ông canh tác lúa. Cứ với cách làm như thế, từ vài ha đất ban đầu, đến nay, người nông dân này đã “tậu” cho mình được 150 ha đất nông nghiệp.

Là người có tầm nhìn xa trông rộng và có đầu óc kinh doanh nhạy bén, biết sắp tới tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, và Công ty Lavifood sẽ xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả ở huyện Gò Dầu, ông liền nghĩ tới việc khai thác vùng đất nhiễm phèn trồng lúa kém hiệu quả của mình. “Hàng chục năm qua, nghề trồng lúa luôn bấp bênh. Khi trúng mùa, bán lúa không được giá. Khi lúa có giá lại thất mùa”, ông nói. Từ đó, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu xem đất phèn phù hợp với loại cây trồng nào. Trong những lần UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn đi tham quan mô hình trồng khóm trên đất phèn ở Tiền Giang, Hậu Giang, Long An v.v… ông đều không bỏ lỡ. Qua những chuyến tham quan thực tế, thấy các tỉnh khác trồng khóm trên những cánh đồng mẫu lớn, tuy đất nhiễm phèn nhưng có năng suất cao, có nhà máy thu mua, ông quyết định đầu tư trồng khóm trên vùng đất của mình.

Ðầu tiên, ông Sáu đầu tư 100 triệu đồng thuê xe móc đất đắp đê bao tiểu vùng, đào mương thoát nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động và mua khóm giống về trồng thí nghiệm trước 3 ha. Ðến nay, khóm của ông đã trồng được khoảng một tháng và đang lên xanh tốt. Nói về việc chăm sóc ruộng khóm, ông Sáu chia sẻ: “Cây khóm nhẹ công chăm sóc. Trong mùa nắng mà cả tuần mới phải tưới một lần”. Sau đợt trồng thí nghiệm này, ông dự kiến sẽ nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn để triển khai trồng 200 ha khóm trên phần đất vừa thu hoạch lúa xong. “Trong đó, có 150 ha đất của tôi, số còn lại của một số bà con nông dân khác. Chúng tôi đã liên kết với nhau trồng khóm bán cho nhà máy Tanifood theo nội dung đã ký kết giao ước”.

Là người đã từng trồng lúa, cũng như cho người khác thuê trồng lúa trên đất phèn, ông Sáu có cơ sở để so sánh tính hiệu quả kinh tế giữa trồng lúa với trồng khóm: “Cho thuê mỗi năm chỉ kiếm 10 triệu đồng/ha. Trồng lúa, vụ nào lời cao lắm là 15 triệu đồng/ha, mỗi năm làm hai vụ, tính ra chỉ lời 30 triệu đồng. Trồng khóm, năm đầu tiên thu hoạch một đợt, với giá thu mua theo khung giá của nhà máy đã ký giao ước, sẽ có lời từ 80- 100 triệu đồng. Năm thứ hai thu hoạch 2 đợt, ít nhất cũng kiếm được 150 triệu đồng. Khóm ăn được 4 năm liền mới phá bỏ trồng lại cây mới. Tính ra trồng khóm có lời gấp 3, 4 lần so với trồng lúa”. Chưa kể, từ ruộng khóm có sẵn sẽ sản sinh ra nhiều cây khóm con để trồng cho vụ khóm sau, không phải tốn tiền mua cây giống.

Ðể thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, ông Sáu đã bỏ tiền túi, đầu tư 500 triệu đồng làm một con đường đất đỏ nối từ đường nhựa vào ruộng khóm. Giữa vùng đất canh tác ở đây có dòng kênh Biên Giới. 200 ha đất chuẩn bị trồng khóm toạ lạc ở phía bên kia bờ kênh. “Tôi đang xin chính quyền địa phương đầu tư kinh phí xây dựng chiếc cầu bê tông lớn để vận chuyển phân bón vào đồng ruộng và vận chuyển khóm đi bán cho nhà máy”, ông nói. Thời gian tới, ông Sáu còn nhiều việc phải làm, như đắp đê bao tiểu vùng để chống ngập cho 200 ha khóm, làm đường giao thông nội bộ, lắp đặt hệ thống ống thoát nước, cất thêm nhiều lán trại cho công nhân nghỉ ngơi, cất nhà kho chứa phân tro v.v... Người nông dân này chia sẻ: “Làm cái này nói chung phải có “gan” mới được. Hồi đó, tôi mua cánh đồng bỏ hoang này ai cũng nói tôi liều lĩnh, mua đất bưng phèn này làm ăn gì được! Nếu tôi không “gan” thì đâu mua được số đất này”.

Lễ động thổ khởi công nhà máy Tanifood. Ảnh: Ðại Dương

Ðón đầu công nghệ, phù hợp với quy hoạch

Trao đổi với chúng tôi về việc canh tác khóm ở ba xã cánh Tây của huyện, ông Hồ Văn Khang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng cho biết, thời gian vừa qua, Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong huyện triển khai rộng rãi đến bà con nông dân, khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tăng nhu nhập trên một đơn vị diện tích. Riêng ba xã cánh Tây của huyện, hầu hết đất bị nhiễm phèn, trồng lúa hiệu quả kinh tế kém, nên theo quy hoạch đất nông nghiệp ở ba xã này từ năm 2016-2025 đã được lãnh đạo huyện thông qua, dự kiến sẽ chuyển đổi 500 ha đất trồng lúa sang trồng khóm. Thực hiện chủ trương của huyện, thời gian qua, Hội Nông dân tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, bà con nông dân đều đồng tình ủng hộ và bắt tay vào thực hiện, như trường hợp ông Nguyễn Văn Sáu cùng nhiều nông dân khác ở Bình Thạnh chuẩn bị trồng khóm với diện tích lớn.

Còn nhớ tại buổi lễ động thổ Nhà máy Tanifood ở huyện Gò Dầu sáng ngày 2.5.2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Tiềm năng của Tây Ninh rất lớn, có diện tích đất nông nghiệp hơn 400.000 ha. Ðất Tây Ninh bằng phẳng, tầng đất dày. Tiềm năng về nguồn nước cũng rất tốt, có nguồn nước ngầm mạnh, có lượng mưa rất lớn, có hai con sông lớn và hồ Dầu Tiếng cung cấp nguồn nước dồi dào, có con người khao khát làm giàu, có đường biên giới dài 240km- một nguồn cung cấp nguyên liệu khổng lồ và sau này có thể là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn là Tây Ninh hội tụ được các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp.

Bộ trưởng chỉ ra, trước mắt, nông nghiệp Tây Ninh chỉ nên chọn trồng một số cây chủ lực như cây dứa (khóm, thơm), xoài. Nhiệm vụ hiện nay của Tây Ninh là rà soát quy hoạch lại vùng nguyên liệu xem nên trồng cây gì cho phù hợp. Trước khi rà soát, đề nghị Tây Ninh tổ chức cho bà con nông dân cùng với doanh nghiệp ra tỉnh Ninh Bình tham quan, học hỏi mô hình trồng dứa. Ở đó, sẽ thấy cả một vùng rộng lớn trồng dứa dọc hai bên lộ. “Chúng ta đã làm nên kỳ tích trong nông nghiệp hơn 30 năm qua. Bây giờ, quyết tâm cùng chính quyền, cùng doanh nghiệp biến từ no đủ lên giàu có, xứng đáng tiềm năng, xứng đáng truyền thống anh hùng của quê hương Tây Ninh. Bộ Nông nghiệp xin cùng sát cánh với lãnh đạo Tây Ninh, với bà con và doanh nghiệp để từng bước thực hiện tích cực nhất chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đưa nông nghiệp nước ta hội nhập với kinh tế thế giới”.

Ðại Dương