Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gương sáng trong nhà

Cập nhật ngày: 23/01/2012 - 10:25

Vợ chồng thầy Mai Văn Sít (thứ 2, 3 bên phải)

Trong buổi lễ tuyên dương gia đình hiếu học tiêu biểu lần thứ II của Hội Khuyến học Tây Ninh, khi chia sẻ kinh nghiệm của mình, thầy giáo Mai Văn Sít- nay đã ở tuổi 76, hiện cư ngụ tại khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh (Thị xã) đã nói: “Chỉ có con đường học vấn giúp mình đạt ý nguyện và tôi cũng giáo dục con tôi theo con đường vượt khó để thành công. Nhờ đó các con tôi đều có trình độ học vấn, có cuộc sống ổn định. Đại gia đình của tôi đã tìm được mùa xuân hạnh phúc từ sự vượt khó học tập”.

Thầy giáo Mai Văn Sít quê ở Củ Chi (TP.HCM). Thầy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và đã mồ côi cha từ khi mới được một ngày tuổi. Người mẹ trẻ của thầy khi ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, dốc sức làm thuê nuôi con ăn học. Thời niên thiếu của cậu bé Sít mồ côi cha là cả chuỗi ngày nhọc nhằn, gian khó. Kỳ nghỉ hè nào cậu cũng tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền lo chi phí cho năm học sau để mẹ đỡ phần vất vả. Khó khăn là thế nhưng cậu học trò lớp 5 trường làng khi được các cô chú động viên đã đồng ý nhận dạy 2 lớp bình dân học vụ cho thiếu niên và cả người lớn từ giữa năm 1946 đến cuối năm 1947 tại ấp Gót Chàng, làng An Nhơn Tây, quận Hóc Môn. Đầu năm 1948, do cuộc mưu sinh quá khó khăn, mấy mẹ con tìm lên Tây Ninh kiếm sống. Với tấm lòng hướng về cách mạng, ngoài công việc lao động hằng ngày, gia đình cậu bé Mai Văn Sít còn âm thầm nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng trong nhà (chính tại nơi ở hiện nay) trong đó có ông Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Me, nguyên là Uỷ viên tuyên truyền Ban Cao Đài vận Toà thánh Tây Ninh. Nơi đây cũng chính là cơ sở in ấn tài liệu mật của chính quyền cách mạng.

Sớm được giác ngộ cách mạng, cậu bé Sít vừa đi học cấp hai vừa làm công tác tuyên truyền cách mạng trong học sinh và làm liên lạc giữa bộ phận Cao Đài vận với một số cơ sở. Nghèo khổ, vất vả nhưng mẹ cậu rất thương yêu con và luôn nghiêm khắc giáo dục, dạy con phải có ý chí vượt khó học tập vươn lên. Hiểu được nỗi lòng và ước vọng của mẹ, cậu bé Sít luôn phấn đấu học giỏi và đã thi đỗ vào Trường Pétrus Ký- một ngôi trường danh giá ở Sài Gòn thời đó (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Đây là ngôi trường chủ yếu dành cho con em nhà giàu, học giỏi. Nơi vùng quê nghèo tỉnh lẻ, việc có một học sinh đậu vào trường này cũng là điều khá hiếm hoi. Sau 3 năm học miệt mài, cậu bé Sít ngày nào đã không phụ lòng mẹ và thầy cô với tấm bằng tú tài giành được. Bước qua cổng trường phổ thông, cậu tú Mai Văn Sít đi dạy hợp đồng kiếm sống và nuôi người mẹ nay sức khoẻ đã không còn được như xưa do bao vất vả, cực nhọc chất chồng từ thời son trẻ. Điều đáng khâm phục là trong hoàn cảnh khó khăn người thầy giáo trẻ ấy vẫn phấn đấu học tập và hoàn thành chương trình đại học, sau đó thầy được phân công về giảng dạy môn Vật lý tại Trường trung học công lập Tây Ninh. Hai vợ chồng đều là giáo viên, đồng lương tạm đủ gói ghém trong gia đình. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù vẫn còn rất yêu nghề nhưng đời sống quá khó khăn, thầy Sít âm thầm rời bục giảng đi làm công nhân lò đường để kiếm thu nhập nuôi con còn nhỏ dại. Đông con, nên cuộc sống gia đình cũng khá chật vật. Vợ chồng thầy luôn động viên nhau vượt qua con đường chông gai phía trước, cố tìm mọi cách lo cho các con ăn học tử tế. Có thời gian thầy Sít đã phải lập ra điểm bán vé số trước cổng nhà, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau bán trong giờ rảnh rỗi để có thêm thu nhập.

Đại gia đình thầy Mai Văn Sít (thầy Sít ngồi giữa hàng đầu)

Năm tháng qua đi, khi các bậc cha mẹ tóc đã điểm sương, các con lần lượt vào đại học. Điều hạnh phúc nhất đối với vợ chồng thầy Mai Văn Sít là thấy các con đều chăm học, ngoan ngoãn và biết san sẻ mọi vui buồn, âu lo với cha mẹ. Noi tấm gương hiếu học của cha mẹ, được sự chăm lo, giáo dục chu đáo của gia đình, 6 người con của thầy Sít đều trở thành học sinh giỏi suốt 12 năm phổ thông. Tốt nghiệp đại học xong, người thành bác sĩ, người thành kỹ sư… coi như không phụ lòng cha mẹ- những tấm gương sáng ngay chính trong gia đình.

Bây giờ tuổi đã vào hàng xưa nay hiếm, thầy Sít vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương. Thầy tâm sự: “Cuộc đời tôi lúc nào cũng cố gắng vượt khó học tập để vươn lên, dành những gì tốt đẹp nhất mà mình có được để chăm lo cho con cái học hành. Đến thế hệ cháu nội, cháu ngoại của tôi, đời sống kinh tế gia đình không còn khó khăn nữa, các con tôi cũng biết quan tâm việc giáo dục trong gia đình nên các cháu đều ngoan, học giỏi. Bây giờ cuộc sống của tôi luôn là mùa xuân ấm áp với con cháu quây quần hạnh phúc”.

Thời gian qua, thầy Sít thường tham gia tổ chức hội đoàn ở địa phương và rất quan tâm việc vận động các em, các cháu học sinh bỏ học trở lại trường. Nếu gặp trường hợp nào quá khó khăn, thầy lại vận động quyên góp, có khi tự bỏ tiền túi của mình ra để giúp đỡ.

Với tấm lòng của người từng làm nghề dạy dỗ, thầy giáo Mai Văn Sít luôn mong muốn mình có sức khoẻ để tiếp tục góp sức cho sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà.

THU PHƯỢNG - HỮU THIỆN