Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học sinh “làm ngơ” với Văn, Sử, Địa không hẳn vì không thích

Cập nhật ngày: 17/08/2011 - 10:57

Trong đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha tuyển không đủ chỉ tiêu vào lớp chuyên Ngữ văn. Chỉ tiêu là 35 học sinh, nhưng trường chỉ tuyển được… 6 em. Vì tuyển không đủ chỉ tiêu, nhà trường phải thành lập lớp ghép Anh văn- Ngữ văn. Cùng với hai lớp chuyên Sử, Địa đã phải ngừng tuyển sinh, đến nay tới lớp chuyên Ngữ văn cũng không tuyển sinh được, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha coi như không còn các lớp chuyên về các môn khoa học xã hội (KHXH) nữa. Đây cũng là tình trạng chung mà nhiều trường THPT chuyên trên cả nước đang đối mặt.

Vừa qua, nhà trường đã tạo điều kiện cho phóng viên được gặp gỡ và phỏng vấn một số giáo viên của trường xung quanh hiện tượng nói trên. Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều ý kiến “mổ xẻ” vấn đề từ chính những người trực tiếp giảng dạy và quản lý trong nhà trường, xin lược ghi lại để mọi người cùng tham khảo.

Học sinh khối lớp 10 Trường THPT chuyên HLK năm học 2010-2011

Tại cuộc làm việc, thầy giáo Bùi Trọng Thế, giáo viên dạy Toán bày tỏ ý kiến: cấu trúc chương trình học phổ thông ở nước ta hiện nay quá nặng. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT lại bỏ quy chế tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia vào thẳng đại học, bỏ chế độ cộng điểm thưởng cho học sinh tốt nghiệp loại giỏi. Do đó học sinh có tâm lý lựa chọn đầu tư một số môn học để sau này đi thi đại học được thuận lợi. Học sinh học khá đều các môn sẽ không có lợi thế so với những học sinh học vượt trội và chuyên sâu vào một số môn khi thi vào đại học. Với sự lựa chọn này, hầu hết các em học sinh đều chọn đầu tư các môn khoa học tự nhiên (KHTN) như Toán, Lý, Hoá, Sinh… vì khối thi đại học A, B (gồm các môn học này) rất đa dạng ngành học, ra trường cũng dễ kiếm việc làm. Sự lựa chọn này cũng thể hiện học sinh và phụ huynh đã định hướng khối thi, ngành thi vào đại học từ khá sớm. Xu hướng lựa chọn này là tất yếu, đáp ứng quy luật cung cầu của nguồn nhân lực. Cũng theo thầy Thế, không nên so sánh với xu hướng ở các nước phát triển rồi lo lắng. Vì ở các nước phát triển, nhu cầu về KHTN và KHXH đã cân bằng, bên cạnh đó, người học có điều kiện theo đuổi ngành học mình thích để làm phong phú cho cuộc sống tinh thần của mình, không nhất thiết phải gắn với việc làm. Còn nước ta là nước đang phát triển, học sinh học ra là để có nghề có nghiệp, trong khi đó ngành nghề khối KHTN đang cần nhân lực lớn. Khi nào nước ta phát triển cân bằng, lúc đó nguồn nhân lực sẽ đáp ứng yêu cầu thôi, không nên quá băn khoăn.

Đại diện khối KHXH, cô Nguyễn Thị Búp, giáo viên dạy môn Địa lý cho biết: Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha không tuyển sinh được các lớp chuyên KHXH, không có nghĩa là chất lượng dạy và học của trường đang đi xuống. Để thi vào trường chuyên, học lực của học sinh phải học từ khá trở lên, không được yếu Văn hay yếu Toán. Quy định tuyển sinh vào trường chuyên hiện nay khá khắt khe: môn chuyên phải từ 6 điểm trở lên, môn không chuyên không có môn nào dưới 4 điểm. Điểm chuẩn đầu vào lớp chuyên Ngữ văn của trường năm nay không hề thấp: 32 điểm (trong đó môn Văn đã được nhân đôi). Thái độ học tập các môn KHXH của học sinh vẫn rất tốt. Có một số học trò của cô Búp tuy học lớp chuyên khối KHTN, nhưng rất say mê các môn Sử, Địa. Có em còn đi thi học sinh giỏi Sử, Địa vòng tỉnh, vòng quốc gia và đã đạt giải cao. Những em học sinh này tâm tư với cô Búp: tuy yêu thích và có học giỏi các môn KHXH, nhưng em vẫn lựa chọn thi vào lớp chuyên KHTN để có điều kiện đầu tư cho khối thi đại học sau này. Vì học và thi khối C (các môn KHXH), em có quá ít lựa chọn, chỉ có một vài ngành như giáo viên, luật, báo chí, văn thư, công tác xã hội… Trong khi đó, cơ hội tìm được việc làm đã khó khăn, mà thu nhập lại quá “bèo” so với các ngành KHTN. Vì thế, xu hướng lựa chọn của các em học sinh giỏi vào khối KHTN như hiện nay là tất yếu.

Thầy Nguyễn Tấn Tài, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng: việc nhà trường không tuyển được các lớp khối KHXH là rất đáng tiếc. Bộ môn KHXH không thể thiếu được trong nhà trường phổ thông nhưng có một thực tế là chương trình học các môn này còn khô khan, nặng tính hàn lâm, thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được số đông học sinh. Theo thầy Nguyễn Thành Bửu, Hiệu trưởng nhà trường thì các môn thuộc KHTN hay KHXH đều quan trọng ngang nhau. Nhưng hiện nay, các khối thi đại học quy định môn thi chưa hợp lý. Ví dụ khối C chỉ toàn các môn học ghi nhớ. Khối A môn nào cũng liên quan đến tính toán. Trong khi, nhiều ngành học đòi hỏi con người vừa phải có tư duy logic, giỏi tính toán vừa phải có kiến thức nền xã hội, có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt. Các khối thi đại học còn cứng nhắc như vậy nên việc học sinh nghiêng hẳn qua các môn KHTN và “làm ngơ” với các môn KHXH là dễ hiểu. Và chúng ta phải chấp nhận thực tế là ở nước ta thi cái gì, học sinh sẽ học cái đó. 

Đồng quan điểm với thầy Bửu, thầy Phạm Văn Mai- giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng: nếu tuyển sinh ở bậc học đại học được điều chỉnh, không thiên lệch hẳn về KHTN hay KHXH như hiện nay, thì các em học sinh mới không còn tư tưởng học lệch nữa. 

Minh Ngô