Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lãng phí trong xây dựng trường

Cập nhật ngày: 06/05/2015 - 04:21

 

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành hiện đang có hai đơn vị sử dụng.

Vừa qua báo Tây Ninh có đăng bài “Trường chuẩn quốc gia - những vấn đề cần xem lại”. Trong số những vấn đề cần xem lại, lãng phí là điều đáng quan tâm nhất.

Trong danh sách những trường mà Hội đồng giám định thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh khảo sát, không có Trường THCS Võ Văn Kiệt (TP. Tây Ninh). Năm học 2014 - 2015, trường này có 17 lớp trong khi tổng số phòng là 43.

Riêng về phòng học hiện đang thừa ít nhất là 5 phòng. Trường có một khối nhà gồm hai phòng học được thiết kế rất rộng và dài phục vụ các tiết học thí nghiệm hai môn Hoá học và Sinh học.

Hai phòng dành cho thí nghiệm ấy được ngăn ra làm 2: phòng thí nghiệm và  phòng chuẩn bị thí nghiệm. Trên thực tế, các tiết học thí nghiệm trong trường phổ thông chỉ là loại thí nghiệm giản đơn, có những thí nghiệm có thể làm ngay tại lớp.

Ngoài Trường THCS Võ Văn Kiệt, một số trường học khác trên địa bàn TP. Tây Ninh cũng đang có dấu hiệu của sự lãng phí như Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở ấp Giồng Cà, Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình ở ấp Bình Trung, xã Bình Minh. Nét chung của hai trường tiểu học này là quy mô trường lớp lớn trong khi số học sinh thì ít và hầu như không tăng, thậm chí còn giảm.

Trong một cuộc họp về xây dựng nông thôn mới do UBND tỉnh tổ chức cách nay đã khá lâu, lãnh đạo UBND TP. Tây Ninh có nhắc đến những bất cập trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Vị này cho biết, từ khi thành lập đến nay, chưa năm học nào ấp Giồng Cà có quá 150 học sinh nhưng theo quy định thì vẫn phải xây trường chuẩn quốc gia.

Hơn một năm trước, báo Tây Ninh cũng đã có bài viết về Trường THPT Tân Đông (huyện Tân Châu), ngôi trường mà thời điểm đó, chỉ tính riêng số phòng học đã thừa đến 13 phòng. Căn cứ vào chính sách dân số và mật độ dân số, có thể nói học sinh các trường phổ thông nói chung không có cơ hội gia tăng mà còn giảm, thậm chí giảm mạnh.

Những năm học gần đây, hầu như năm học nào số học sinh của Tây Ninh cũng giảm, nhất là ở bậc tiểu học. Lý do: số con trong mỗi gia đình đang ngày một ít đi. Học sinh tiểu học giảm thì học sinh các bậc học khác cũng giảm theo.

Ngoài hệ thống trường chuẩn quốc gia, thực tế cũng cho thấy việc xây dựng các trung tâm giáo dục thường xuyên một cách “hoành tráng” là một chủ trương không phù hợp. Theo kế hoạch ban đầu của các bộ, ngành ở Trung ương, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ thực hiện các chức năng dạy bổ túc văn hoá, hướng nghiệp và dạy nghề.

Vì thế, các trung tâm giáo dục thường xuyên được xây dựng để trở thành trung tâm hướng nghiệp tổng hợp. Trong 3 chức năng được đề ra như nói trên, chỉ có một chức năng được thực hiện là dạy bổ túc văn hoá. Hai chức năng còn lại (hướng nghiệp và dạy nghề) thì chỉ làm cầm chừng, thậm chí không hoạt động.

Lý do rất đơn giản: nhu cầu học nghề và hướng nghiệp không cao, nếu có nhu cầu thì người học cũng tìm nơi khác- không phải là trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ở Tây Ninh hiện có một số trung tâm giáo dục thường xuyên như Bến Cầu, Trảng Bàng và đặc biệt là Châu Thành được xây dựng với quy mô lớn hơn nhiều so với công suất sử dụng. Riêng ở Châu Thành, để không lãng phí cơ sở vật chất, Trường THPT Châu Thành đã được chuyển về Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Không chỉ trường phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên mà ngay cả một số trường trung cấp, trường nghề ở Tây Ninh cũng đang có dấu hiệu lãng phí vì không sử dụng hết công suất. Ví dụ Trường trung cấp Nghề Nam Tây Ninh thường xuyên tuyển không đủ chỉ tiêu.

Với xu thế học sinh sau khi học hết phổ thông chỉ muốn vào cao đẳng, đại học hoặc vào làm trong các xí nghiệp thì việc xây trường lớp cần được tính toán lại. Xây trường đạt chuẩn quốc gia, xây trung tâm giáo dục thường xuyên luôn cần khoản ngân sách rất lớn.

Không có cách lý giải nào đủ sức thuyết phục khi tiến hành xây một ngôi trường trị giá hàng chục tỷ đồng chỉ để dạy cho vài trăm hoặc ít hơn chừng đó học sinh. Đầu tư không đúng trọng điểm, thực hiện quy mô lớn quá mức cần thiết chính là lãng phí trong đầu tư công.

VIỆT ĐÔNG

 


 
Liên kết hữu ích