BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mạo hiểm qua đò

Cập nhật ngày: 29/09/2014 - 06:16

Nước chảy khá mạnh, chị Ngọc cố gắng đưa con đò qua sông.

Trung tuần tháng chín, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đến rạch An Hoà (ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng) thì các trường cũng vào giờ tan học buổi sáng. Bên bờ phải rạch (tính từ hạ lưu) có một số giáo viên và khoảng 30 em học sinh nam, nữ của hai trường tiểu học Vàm Trảng và trung học cơ sở An Thới đang đứng chờ đò từ bên kia sang rước. Chị Trần Khánh Ngọc, 32 tuổi, người dân địa phương làm nghề đưa đò tại đây vội vã mở dây, đưa đò sang ngay. Chiếc đò gỗ của chị đã cũ kỹ, chiều ngang 4,6 mét, dài 4,8 mét, không có lan can, rào chắn. Trên đò cũng chẳng có dụng cụ cứu sinh nào cả. Đò không gắn động cơ, chị Ngọc ngồi trước mũi, dùng cây dầm để bơi đi. Bản thân chị Ngọc cũng chẳng mặc áo phao, chẳng có dụng cụ cứu sinh nào để tự bảo hộ mình.

Con rạch An Hoà rộng khoảng 50 mét, lòng rạch sâu khoảng 10 mét, nước chảy xiết và thường xuyên có nhiều tàu bè lớn qua lại, gây ra những luồng sóng mạnh. Mùa này nước từ thượng nguồn đổ về con rạch cuồn cuộn.

Thế mà bất chấp nguy hiểm, các thầy cô và học sinh cùng nhau đẩy xe xuống đò, coi như phó mặc tính mạng, tài sản của mình cho người điều khiển con đò.

Chị Ngọc cho biết: “Tôi làm nghề đưa đò đã được hai năm. Những năm trước cha của tôi làm công việc này nhưng hiện nay ông đã già yếu không còn làm nổi nên tôi phải kế nghiệp”.

Chúng tôi hỏi chị có biết bơi không và vì sao không mặc áo phao, không trang bị dụng cụ cứu sinh trên đò? Người chủ đò né tránh câu trả lời bằng cách im lặng.

Cùng lúc đó, ông Nguyễn Văn Châm- một chủ đò khác cũng đang điều khiển đò chở khách là những người dân địa phương từ bờ trái sang bờ phải rạch. Chiếc đò của ông cũng không khác gì đò của chị Ngọc- nhỏ bé, thô sơ. Ông Châm- năm nay đã 63 tuổi cầm cây dầm, nặng nhọc chèo chống con đò. Đưa khách sang bờ bên kia rồi, ông lại chở theo mấy em học sinh trở về bờ bên này. Ông Châm kể, ông làm nghề lái đò ở đây lâu lắm rồi, cụ thể bao nhiêu năm thì ông không nhớ nổi, chỉ biết từ lâu rồi bà con địa phương đã lấy tên ông đặt tên cho bến đò, gọi là bến đò Ba Châm.

Ông Ba Châm- người chèo đò tuổi 63.

Do bến đò không có giấy phép hoạt động, những chiếc đò cũng không đáp ứng điều kiện lưu hành, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã lập biên bản đình chỉ hoạt động cả hai chiếc đò trên. Ông Châm chấp nhận ký vào biên bản nhưng ông cho biết, nếu ông và chị Ngọc không đưa đò nữa thì các em học sinh không thể tới trường, trừ khi cha mẹ các em tự đưa con em đi- cũng chỉ bằng xuồng ghe thô sơ mà thôi, không có cách nào khác.

Trong lúc đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc với ông Châm và chị Ngọc thì một phụ nữ trạc 60 tuổi bơi chiếc đò gỗ thô sơ sang bên kia rạch chở một tốp học sinh về. Bà chủ đò sức yếu, tay chân chậm chạp, một em học sinh đi đò phải ra tay- cầm dầm bơi phụ.

Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận trên những chiếc đò đưa rước khách kể trên, mặc dù tất cả các em học sinh có mặt trên đò đều có mặc áo phao (do nhà trường trang bị sẵn cho các em) nhưng nhìn các em nhỏ lênh đênh giữa dòng nước chảy xiết, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ tới điều bất trắc có thể xảy ra.

Lỡ như giông gió nổi lên, lỡ như gặp lúc ghe tàu công suất lớn đi qua thì những chiếc đò mong manh, èo uột như chiếc lá giữa dòng kia liệu có giữ được thăng bằng? Và nếu như chẳng may xảy ra sự cố thì không biết các chủ đò- toàn những người tuổi tác đã cao và phụ nữ làm sao xoay xở, chống chọi nổi? Họ chưa chắc đã tự cứu mình được nói chi là cứu người khác.

Ông Nguyễn Văn Tiếng, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trảng Bàng cùng đi trong đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, tình trạng đưa đò tự phát, không bến bãi như thế diễn ra đã nhiều năm nay nhưng địa phương chưa có cách nào giải quyết được. Hiện tại, bên kia bờ rạch An Hoà, các trường tiểu học Vàm Trảng, THCS An Thới vẫn đang hoạt động. Ngoài ra, còn có khoảng 30 hộ dân đang làm ăn sinh sống bên ấy.

Hầu hết những hộ dân ấy đều đã nhận tiền đền bù giải toả của Khu công nghiệp Bourbon An Hoà cũ (nay thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công), nhưng họ chưa di dời đến nơi khác. Phía bờ rạch bên này thì không có trường học nào gần với nơi cư ngụ của các em học sinh. Nếu đi học ở các trường tại khu trung tâm xã, các em phải đi xa hàng chục cây số trên đường bờ đê, đường giao thông nông thôn hiện còn rất xấu, khó đi lại.

Để hạn chế nguy hiểm cho các em học sinh khi qua lại sông rạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trảng Bàng đã cấp cho mỗi em một chiếc áo phao. Chính quyền địa phương cũng cấp áo phao cho những người đưa đò nhưng trên thực tế, chỉ có học sinh mặc áo phao đầy đủ, còn người đưa đò ít khi chịu mặc, vô tư vi phạm quy định về giao thông đường thuỷ.

Biết vậy nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đành chịu, vì nếu cấm các chủ đò hành nghề thì các thầy cô giáo, học sinh cùng những người dân quanh đó biết phải đi lại bằng phương tiện gì?

Lênh đênh giữa dòng.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Tiếng cho biết, sắp tới sẽ tiến hành rà soát lại những chiếc thuyền- phương tiện chuyên dùng phòng chống lụt bão mà những năm trước Ban Phòng chống lụt bão của tỉnh đã cấp cho các xã.

Nếu chúng còn sử dụng được thì tạm thời điều đến thay thế cho những chiếc đò thô sơ đang qua lại con rạch hằng ngày. “Còn nếu phương án này không thực hiện được, chúng tôi sẽ đề nghị các chủ đò phải cải tạo lại phương tiện đưa rước khách bằng cách đóng thêm lan can, dùng động cơ cho đò và mỗi lần qua lại chỉ được chở một số lượng người có giới hạn”- ông Tiếng nói.

Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, những phương án của ông Tiếng đưa ra là chưa thuyết phục. Vì nếu điều phương tiện chuyên dùng trong công tác phòng chống lụt bão đi làm cái việc đưa rước khách (thay thế cho những chiếc đò thô sơ) tức là đã sử dụng sai mục đích phương tiện Nhà nước trang bị.

Lỡ như có lụt bão xảy ra thì làm sao trở tay cho kịp? Việc cải tạo lại những chiếc đò xem ra cũng khó thuyết phục các chủ đò, bởi họ đều là những người dân nghèo, đưa đò với giá rất rẻ (chỉ 1.000 đồng/lượt đối với người và xe đạp, 2.000 đồng/lượt đối với người và xe gắn máy), thu nhập không bao nhiêu. Quan trọng hơn nữa là trong thời gian ngắn sắp tới, khi Khu công nghiệp Thành Thành Công hoạt động hết công suất, có thể hai ngôi trường và toàn bộ khu dân cư bên trái bờ rạch An Hoà sẽ phải di dời. Vì những lý do đó các chủ đò khó mà chấp nhận việc bỏ ra số tiền cả chục triệu đồng để cải tạo, nâng cấp đò.

 Vấn đề đặt ra, để bảo đảm an toàn cho các em học sinh, huyện Trảng Bàng sẽ phải đầu tư xây dựng thêm trường học ven sông (như ở các xã Phước Lưu, Phước Chỉ đã làm) và di dời toàn bộ dân cư hiện còn đang cư ngụ bên trái bờ rạch An Hoà sang bờ phải, bởi sớm muộn gì cũng phải giao trả mặt bằng cho Khu công nghiệp Thành Thành Công. Trong thời gian chờ thực hiện phương án này, các ngành chức năng của tỉnh có thể tạm thời điều động một chiếc phà ở các bến phà hiện nay như Bến Đình, Lộc Giang, Lái Mai về tăng cường cho bến đò Ba Châm.

Nếu như phà hoạt động thu không đủ chi, thì chính quyền địa phương cần có phương án hỗ trợ kinh phí hoạt động. Có như vậy mới hy vọng khắc phục được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ và bảo vệ an toàn tính mạng cho những người thường xuyên qua lại trên rạch An Hoà.

Đại Dương - Thái Hoà