BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mua sắm vật tư y tế đang trong tình trạng “đóng băng” 

Cập nhật ngày: 22/08/2022 - 08:49

BTNO - Sáng 21.8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong chủ trì hội nghị.

Sau khi điểm qua những thành tựu, kết quả đạt được, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề cập nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do NSNN bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp). Mức lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đề nghị tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, “mua thuốc tốt chứ không mua thuốc rẻ”. Đại diện TP. Cần Thơ nêu, đội ngũ nhân viên y tế đang có dấu hiệu lo sợ, hoang mang, đặc biệt liên quan việc mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, từ đầu năm đến nay, 111 nhân viên y tế của địa phương này xin nghỉ việc, trong đó có 47 bác sĩ.

Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu vật tư y tế, “kéo dài tình trạng như hiện nay khiến người bệnh thiệt thòi, cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn”. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết, việc tuyển dụng nhân viên y tế ở địa phương này rất khó khăn, vừa qua, tỉnh thông báo tuyển hơn 100 nhân viên y tế nhưng chỉ nhận được 47 hồ sơ. Lai Châu kiến nghị rà soát lại toàn bộ chính sách đối với nhân viên y tế, “giáo viên có phụ cấp thâm niên nghề nhưng y tế không có chế độ này”.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nêu thực trạng, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc lập dự toán mua sắm. Nhiều loại thuốc cần cho phẫu thuật tim mạch nhưng hiện tại khó mua, đề nghị lập trung tâm mua sắm tập trung. “Việc mua sắm nên chọn giá hợp lý thấp nhất chứ không phải chọn giá rẻ nhất, vì giá rẻ không thể có sản phẩm tốt, có những cái dao mổ giá rẻ rạch ba lần da mới đứt”- lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng chuyện xảy ra tại đơn vị này. “Luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng như thế nào là cấp bách thì không rõ, đề nghị làm rõ nội hàm “thế nào là cấp bách”- đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị.

Ông Lê Quang Cường- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa nêu, để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, cần nhiều bộ, ngành phối hợp như Tài chính, Đầu tư, chỉ Bộ Y tế không thể giải quyết được. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu hai nút thắt hiện nay cần được giải quyết, trong đó có việc nhân viên y tế bỏ việc, cần tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu, việc thực hiện tự chủ có ảnh hưởng đến thu nhập không, đã tính đúng tính đủ chưa, nếu chưa, phải tính đoán đơn giá trong khám, chữa bệnh.

Nút thắt thứ hai, muốn khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, phải sửa hàng loạt quy định hiện nay, trong đó có Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế. “Nhân viên y tế bỏ việc không đồng nghĩa với việc bỏ nghề, họ chỉ chuyển từ công sang tư. Nếu nói thu nhập thấp, tình hình này không phải xảy ra gần đây, vậy nguyên nhân do đâu?”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt vấn đề.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Y tế đang đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. “Không thể có chất lượng khám, chữa bệnh cao như các nước tiên tiến nếu như vẫn giữ định mức chi phí khám, chữa bệnh như hiện nay, vì chưa thực hiện đúng tinh thần tính đúng tính đủ”. Phó Thủ tướng cho rằng, không nhất thiết xã, phường nào cũng phải bố trí bác sĩ tại trạm y tế xã, ví dụ khu vực đô thị đã có các trung tâm y tế. Theo Phó Thủ tướng, không cải thiện được tiền lương, việc thu hút nhân lực ngành Y tế “chỉ là hô hào”. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không quên nhắc lại những gian lao, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ cả trong chiến tranh và thời bình. Vượt qua nhiều khó khăn, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao, có thành tựu mang tầm quốc tế. Ba năm qua, đội ngũ nhân viên y tế lại đối diện với cuộc chiến không tiếng súng: chống dịch Covid- 19, trận đại dịch chưa từng có tiền lệ. “Đảng, Nhà nước, Nhân dân không bao giờ quên những hy sinh, vất vả của đội ngũ nhân viên Y tế trong trận đại dịch, đóng góp này được cả xã hội trân trọng. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vĩ mô đã hồi phục” - Thủ tướng nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 10.000 nhân viên y tế bỏ việc trên tổng số hơn 500.000 nhân viên trong cả nước, tương đương khoảng 2%, “cần bình tĩnh nhận diện để điều chỉnh chính sách”- Thủ tướng lưu ý, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế hiện nay của ngành, cả về chính sách pháp luật lẫn trong thực tế.

Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa chủ động được, phần lớn phụ thuộc nước ngoài; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài; giải ngân đầu tư công cả trung hạn và dài hạn trong lĩnh vực y tế còn chậm. Thủ tướng cảnh báo đã có hiện tượng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, chống dịch Covid– 19 nói riêng. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương đẩy mạnh việc tiếp tục tiêm vaccine để phòng, chống dịch bệnh Covid– 19.

Việt Đông