BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vấn nạn trộm cắp lâm sản ở rừng cấm Bưng Bàng

Cập nhật ngày: 23/12/2014 - 08:16

Một cây dầu đã bị triệt hạ.

Rừng cấm Bưng Bàng là cái tên mà nhiều người dân quen gọi để chỉ gần 1.200 ha rừng phòng hộ của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Chỉ riêng tên gọi rừng cấm cũng đủ thấy rõ tính chất, tầm quan trọng của cánh rừng phòng hộ này. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, rừng cấm Bưng Bàng không còn là rừng cấm đúng nghĩa như tên gọi của nó.

Phá rừng không thương tiếc

Vừa qua, chúng tôi vào bờ hồ Dầu Tiếng, thuê một chiếc vỏ lãi đi thâm nhập thực tế ở khu vực rừng cấm Bưng Bàng. Từ bờ hồ Dầu Tiếng (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu), chiếc vỏ lãi rẽ sóng hơn 30 phút là đến địa phận của rừng cấm Bưng Bàng thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Nhìn từ xa, rừng cấm Bưng Bàng như một tấm thảm xanh thẫm, bao bọc khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng.

Nhưng khi chiếc vỏ lãi đến gần bìa rừng, chúng tôi nhìn thấy xen kẽ trong cánh rừng này là những vườn cao su, rẫy mì. Có nơi cao su đã thu hoạch mủ, có nơi cây mới trồng khoảng hai năm tuổi. Cũng có nơi là một khoảnh đất trống rộng chừng 2 ha vừa được xuống giống cây mì. Thấp thoáng trong rừng cấm là hàng chục mái nhà của dân cư ngụ. Có nhà cất theo kiểu tạm bợ nhưng cũng có nhà xây tường hẳn hoi.

Ông Lê Quốc Toản, 50 tuổi, hiện là tổ trưởng tổ 1, ấp Đồng Kèn 1 cho biết: gia đình ông làm ăn sinh sống ở đây từ khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng vừa tích nước đưa vào hoạt động. Vì vậy, ông biết rất rõ về khu rừng này. Trong rừng cấm đa số là rừng tự nhiên, cây cối dày đặc, một phần còn lại rừng khoanh nuôi và rừng trồng.

Nhiều năm nay, tại khu vực rừng cấm đã diễn ra tình trạng phá rừng. “Chẳng những cây rừng bị phá mà cây le cũng bị chặt”- ông Toản nói. Để chứng minh cho lời của mình, ông Toản chỉ cho chúng tôi xem những bó cây le do “lâm tặc” bỏ dưới mé nước, chờ xuồng ghe đến chở đi.

Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi đi dọc theo bìa rừng và phát hiện cạnh mé nước có một đường mòn nhỏ dẫn sâu vào rừng. Chúng tôi nhìn thấy có một lóng cây rừng dài khoảng 3 mét, đường kính khoảng 0,2 mét ai đó bỏ nằm lăn lóc. Quan sát bìa rừng, còn thấy có cả sạp để chén đũa làm bằng những lóng cây nhỏ.

Cạnh đó, có một khung gỗ cũng bằng cây rừng, cao khoảng 3 mét, ngang khoảng 3 mét, có thể là nơi dựng lều bạt của “lâm tặc”. Nghi ngờ nơi đây là “đại bản doanh” của bọn phá rừng, chúng tôi thử tìm xung quanh gốc cây, trong bụi rậm. Kết quả là phát hiện ra một bao ni lông (loại bao diêm) đựng hàng chục cuộn dây thừng, mỗi cuộn dài hàng chục mét. Tìm thêm một lúc, còn thấy một cái giỏ nhựa màu xanh, giấu trong bụi rậm.

Trong giỏ có một bình nhớt loại 4 thì còn mới toanh, một bọc ni lông đựng vít, ống tuýp dùng để mở bu-gi, có cả dầu gội đầu và đặc biệt là có hai cái cạm, loại dùng để bẫy những thú rừng nhỏ, như gà rừng, chồn, sóc... Men theo con đường mòn, chúng tôi tiến vào sâu trong rừng. Con đường mòn rộng khoảng 2 mét, nhiều chỗ còn in rõ dấu vết bánh xe cù (một loại xe thô sơ dùng để chở gỗ). Đi được khoảng 20 mét, chúng tôi thấy một gốc cây trường và một gốc cây cám, đường kính khoảng 0,25 mét nằm chơ vơ ven đường.

Cạnh đó, hai tàn cây ngã rạp trên mặt đất, lá đã khô héo. Tiếp tục đi thêm vài chục mét nữa, lại thấy một cây dầu, đường kính gốc hơn 0,2 mét đã bị cưa lấy mất phần thân, chỉ bỏ lại phần gốc và ngọn. Rẽ vào một nhánh của con đường mòn mới biết- thì ra phía sâu bên trong rừng cũng có nhiều cây bị đốn hạ. Đi bộ khoảng 500 mét, chúng tôi ghi nhận được có ít nhất 22 cây rừng bị “lâm tặc” cưa đi, đó là các loại cây dầu, vên vên, cám, tràm bông vàng, xoài mút…

Chưa kể để vận chuyển được những lóng gỗ to ấy ra khỏi rừng, bọn lâm tặc còn chặt bỏ hàng loạt cây rừng nhỏ để mở lối đi. Trong số những cây rừng bị triệt hạ, chúng tôi thấy một vài cây chỉ bị cưa lấy một đoạn thân ngắn khoảng vài ba mét, còn gốc và tàn cây đều bỏ lại, cũng có một số cây đã bị cưa ngã xuống nhưng lại bị bỏ mặc cho mục ruỗng giữa rừng.

Bên cạnh những  gốc cây sắp mục là những gốc mà dấu cưa còn mới, nhựa ứa ra chưa kịp khô ráo. Có thể suy ra việc trộm cắp lâm sản ở đây không phải mới diễn ra trong một thời gian ngắn. Có một điều đáng chú ý khác là hầu hết cây rừng bị mất cắp ở khu vực này đều có đường kính khoảng 0,2 - 0,4 mét.

Còn những cây thuộc dạng cổ thụ, thân to thì vẫn còn nguyên vẹn. Theo nhận định của người dẫn đường thì: “Bọn lâm tặc hạ cây rừng bằng cưa tay và vận chuyển cây ra khỏi rừng bằng xe cù nên chúng chỉ nhắm đến những cây có kích cỡ trung bình, còn những cây lớn, bọn chúng bỏ lại vì không làm nổi”.

 Không thể yên tâm

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình mất cắp lâm sản ở rừng cấm Bưng Bàng, ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết: “Rừng cấm Bưng Bàng có diện tích 1.179 ha, thuộc tiểu khu 62, ấp Đồng Kèn 1, xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

Địa hình rừng trải dài và phức tạp. Phía bên trong giáp với đất liền, phía bên ngoài giáp với sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Mùa lòng hồ tích nước nhiều, nước dâng cao lên sát mé rừng tạo điều kiện thuận lợi cho bọn lâm tặc vào rừng trộm cắp cây. Bọn chúng chủ yếu là dân của tỉnh khác đến, rất khó bắt được. Trước tình hình trộm cắp cây rừng như thế, sắp tới chúng tôi sẽ cho đội bảo vệ rừng tăng cường tuần tra”.

Ông Sơn cho biết thêm, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng diện tích 22.388 ha, trải dài từ xã Tân Hoà đến xã Suối Dây (đều thuộc huyện Tân Châu). Trong khi đó, chỉ có 60 nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tính riêng trong năm 2014, nhân viên bảo vệ rừng đã phát hiện 124 vụ vi phạm như khai thác cây rừng (17 vụ), lấn chiếm đất rừng khoanh nuôi tái sinh (18 vụ), trồng cây sai mục đích trên đất lâm nghiệp (6 vụ), cất nhà, chòi trái phép trên đất lâm nghiệp (3 vụ) và nhiều trường hợp cày phá rừng trồng, băm gốc, rong nhánh cây rừng, gây cháy rừng trồng vv…vv…

Rừng cấm Bưng Bàng nói riêng, rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng nói chung là một trong những lá phổi xanh của Tây Ninh. Ngoài việc cân bằng khí hậu, rừng phòng hộ Dầu Tiếng còn có tác dụng giữ nước, chống bồi đắp công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Tình trạng phá rừng diễn ra vô tội vạ mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn như hiện nay quả thật khiến người ta lo ngại.

Đại Dương - Khắc Luân