BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Cẩm Giang: Bạo lực gia đình ngày càng giảm

Cập nhật ngày: 18/04/2011 - 08:03

Hầu hết các gia đình xảy ra BLGĐ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đa số nạn nhân đều là phụ nữ. Những người làm công tác can thiệp chịu khó tiếp cận đối tượng để tìm hiểu nguyên nhân, cùng chia sẻ, động viên cũng như tuyên truyền về các luật liên quan đến gia đình cho các đối tượng. Gia đình nào quá khó khăn, dẫn đến BLGĐ thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra BLGĐ sẽ được quan tâm, hỗ trợ về kinh tế từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia để cải thiện kinh tế. Khi kinh tế ổn định các gia đình cũng chấm dứt hoặc giảm bớt tình trạng “khua sống, động chén”.

Từ tháng 4.2006, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Đây là mô hình điểm của huyện về triển khai đề án “Phát triển gia đình bền vững” của Vụ Gia đình thuộc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Cho đến nay, mô hình phòng chống BLGĐ xã Cẩm Giang vẫn được duy trì với 5 câu lạc bộ “Phát triển gia đình bền vững”. Nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ hướng sự chú trọng vào công tác tuyên truyền giúp người dân tiếp cận gần hơn với những chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó nhấn mạnh tuyên truyền về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới…

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc can thiệp trực tiếp nhằm giảm tình trạng BLGĐ trên địa bàn xã cũng được coi trọng. Việc can thiệp chủ yếu bằng cách tiếp cận, khuyên giải trực tiếp các đối tượng cũng như tích cực hỗ trợ các mặt đời sống, đặc biệt là hỗ trợ về kinh tế giúp các gia đình có điều kiện sống ổn định, các gia đình xảy ra bạo lực có động lực vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc. Một đội xung kích gồm 9 thành viên được thành lập, chuyên can thiệp khi có BLGĐ xảy ra. Thành viên đội này được tập hợp từ các ban, ngành, đoàn thể địa phương như Phụ nữ, Công an, Y tế… Đội do một vị Phó chủ tịch UBND xã phụ trách. Nhờ vậy mà tình trạng BLGĐ ở xã được kéo giảm đáng kể. Năm 2008 có 18 trường hợp BLGĐ, năm 2010 chỉ còn 6 trường hợp.

Cán bộ phụ trách mô hình (bên trái) thường xuyên tiếp xúc các gia đình để ngăn chặn BLGĐ.

Hầu hết các gia đình xảy ra BLGĐ đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đa số nạn nhân đều là phụ nữ. Những người làm công tác can thiệp chịu khó tiếp cận đối tượng để tìm hiểu nguyên nhân, cùng chia sẻ, động viên cũng như tuyên truyền về các luật liên quan đến gia đình cho các đối tượng. Gia đình nào quá khó khăn, dẫn đến BLGĐ thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra BLGĐ sẽ được quan tâm, hỗ trợ về kinh tế từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia để cải thiện kinh tế. Khi kinh tế ổn định các gia đình cũng chấm dứt hoặc giảm bớt tình trạng “khua sống, động chén”.

Theo chân một cán bộ văn hoá xã, chúng tôi đến thăm vài gia đình trước đây từng làm đau đầu không ít người chỉ vì những mâu thuẫn giữa vợ chồng họ. Bây giờ, gia đình này đã tìm thấy được sự êm ấm. Chị Ngô Thị Bích Hạnh, 35 tuổi, ngụ ấp Cẩm Bình cười thật tươi cho biết: giờ có giận nhau mấy đi nữa, vợ chồng chị cũng đã biết tự kiềm chế, nhiều năm nay hai người đã không còn cải nhau ì xèo thường xuyên như trước nữa, gia đình chị nay đầm ấm, hạnh phúc hơn nhiều. Trước đây, do không có đất ở, vợ chồng chị phải ở nhờ trong lò gạch, kinh tế rất khó khăn do làm không đủ sống. Anh Trần Đình Đại, chồng chị thường xuyên rượu chè, khiến vợ chồng hay cãi vã, thậm chí đánh nhau làm mất trật tự xóm làng. Sau khi được can thiệp, động viên, tuyên truyền, anh chị đã dần hiểu ra và sống hoà thuận hơn. Vợ chồng bảo nhau lo làm ăn, đã tích góp được tiền mua đất. Năm 2007, vợ chồng chị Hạnh đã được tặng một căn nhà tình thương từ nguồn quỹ của đề án “Phát triển gia đình bền vững”. Chị Hạnh bày tỏ: “Nói thiệt, trước đó tôi không nghĩ rằng mình sẽ có được một căn nhà. Bây giờ, dù hoàn cảnh chưa khá giả gì nhưng gia đình tôi cũng đủ sống, nhất là không còn lo lắng về nhà cửa như trước đây”. Điều đó như một sự khích lệ cho những cố gắng thay đổi bản thân của đôi vợ chồng nghèo. 

Đến thăm căn nhà khang trang của vợ chồng anh Lê Văn Nhân và chị Huỳnh Thị Kim Thoa tại ấp Cẩm Long mới càng thấy sự đổi khác trong cuộc sống của họ. Bà Lê Thị Tài, mẹ anh Nhân phấn khởi khoe: “Được chính quyền quan tâm trợ giúp, cất được căn nhà, tôi thiệt là mừng. Giờ thì vợ chồng con tôi đã yên vui hơn trước dù cuộc sống vẫn còn khá vất vả.” Bà cười nói thêm: “Trước chúng cãi nhau mười phần giờ đã giảm được tám chín phần”. Căn nhà của vợ chồng anh Nhân hiện giờ khác một trời một vực so với căn nhà xiêu vẹo không biết đổ sập bất cứ lúc nào trước kia. Cũng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hai đứa con lại bị tật nguyền nên trước kia vợ chồng anh Nhân cứ hay lục đục với nhau, gây phiền hà cho bà con lối xóm. Có lúc chị Thoa bỏ đi vì buồn chán. Nhưng sau khi được các anh chị trong đội xung kích can thiệp phòng chống BLGĐ can thiệp, giúp đỡ cộng với sự trợ giúp, chia sẻ của cộng đồng, cuộc sống vợ chồng chị Thoa đã ổn định hơn.

Các thành viên trong đội can thiệp Phòng chống BLGĐ xã Cẩm Giang đã nỗ lực làm hết trách nhiệm của mình nhằm kéo giảm tình trạng BLGĐ ở địa phương. Chị Trần Mộng Trâm, cán bộ Dân số xã, một thành viên của đội là người gắn bó với mô hình này từ lúc mới triển khai đến nay cho biết, công việc không phải dễ dàng gì. Có những trường hợp phải tới lui nhiều lần, sau đó còn phải theo dõi thường xuyên tình hình của gia đình đối tượng. Theo chị hầu hết các gia đình xảy ra bạo lực thường kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân gia đình. Các thành viên trong đội gần như làm việc bất kể ngày đêm vì nghe đâu có chuyện là phải có mặt kịp thời. Đôi khi cũng phải chịu khó nghe mắng chửi của những đối tượng đang “giận mất khôn”. Chị cười: Thấy cặp nào yên ổn trở lại là mừng cho cặp đó, không còn gì mừng bằng”. Anh Trịnh Minh Đức, cán bộ Văn hoá - Xã hội xã Cẩm Giang cho biết: “Xã đang cố gắng duy trì tốt mô hình này. Bên cạnh đó cũng sẽ quan tâm hỗ trợ để các gia đình khó khăn có điều kiện cải thiện kinh tế từ các nguồn vốn vay. Các ban, ngành, đoàn thể sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong giải quyết các trường hợp còn lại”.

NGÔ TUYẾT