BAOTAYNINH.VN trên Google News

Y tế trường học cần được chú trọng hơn

Cập nhật ngày: 25/02/2011 - 10:20

Trong Bản cảo Di chúc cuối cùng của Bác (10.5.1969), Bác viết: “… Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế…”. Thật cảm động, trước lúc ra đi, Bác vẫn nghĩ đến việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân.

Trong nhà trường phổ thông, y tế học đường là một bộ phận quan trọng đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh giữ gìn sức khoẻ, giúp các em có điều kiện học tập tốt, lao động tốt.

Bộ phận y tế hầu như có mặt trong mọi hoạt động của nhà trường như tham gia phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, là thành viên không thể thiếu trong đoàn kiểm tra vệ sinh ăn uống của học sinh, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm ở các căn-tin, giữ gìn vệ sinh môi trường… đặc biệt trong những thời điểm quan trọng như ôn tập, chuẩn bị cho các đợt kiểm tra, thi cử…

Chăm sóc sức khoẻ cho học sinh tại Trường THPT Lý Thường Kiệt

Thực tế hiện nay, do áp lực học tập nhiều học sinh phải thay đổi nếp sinh hoạt gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của các em. Để không bị trễ giờ học, nhiều em đã phải thường xuyên nhịn ăn sáng, hoặc chỉ ăn qua quýt, vội vã, miễn có gì lấp vào chỗ trống trong bao tử là được. Ngoài buổi học chính khoá ở trường, các em còn phải đi học thêm, có khi tan giờ học buổi trưa hoặc chiều là các em lao ngay đến nhà thầy để học thêm. Đến 9, 10 giờ tối mới về đến nhà, chỉ kịp tắm rửa, ăn qua loa mấy miếng lại phải chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Với lịch trình trong một ngày như thế, các em không có thời gian dành cho việc rèn luyện sức khoẻ, vui chơi giải trí, việc học đã gần như vắt cạn sức các em. Một số em rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh, thiếu dinh dưỡng, không bảo đảm sức khoẻ cho “cuộc chạy đường trường” ở mỗi bậc học. Nhiều em đến lớp trong trạng thái gà gật, có khi bị hạ can xi, phải cấp cứu. Quan tâm đến sức khoẻ các em học sinh trong nhà trường là vấn đề cần thiết, đây cũng là công việc chính của bộ phận y tế học đường.

Cô Nguyễn Ngọc Yến Nhi, cán bộ y tế Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết, từ đầu năm học đến nay trường này có 11 trường hợp học sinh bị mệt, chóng mặt. Bộ phận y tế của trường rất quan tâm công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh, chú trọng việc tư vấn cho các em biết cách phòng, chống bệnh tật và tự chăm sóc bản thân, đồng thời thông báo, nhắc nhở các bậc phụ huynh học sinh về việc chăm sóc sức khoẻ cho con em mình tại nhà, để khỏi ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.

Ở một số nơi, y tế trường học chưa được quan tâm đầu tư, thậm chí không có cán bộ y tế. Hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện công tác y tế trường học” ngày 3.12.2010, tại Cần Thơ do Bộ Giáo dục & Đào tạo kết hợp Bộ Y tế tổ chức đã nhận định: Hiện nay mạng lưới y tế trường học trong cả nước thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, vẫn còn 30% số trường chưa có cán bộ y tế trường học chuyên trách, gần 35% số trường không có phòng chăm sóc y tế, thuốc, trang thiết bị y tế chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, thiếu công trình vệ sinh nước sạch… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém trong công tác y tế trường học là do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên trách và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, đoàn thể trong công tác này. Cán bộ y tế trường học hầu như không có bất cứ khoản phụ cấp nào khác ngoài lương dẫn đến thực trạng nhiều người làm công tác này có khuynh hướng bỏ việc.

Quan tâm đến y tế học đường chính là quan tâm bảo vệ sức khoẻ cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt và là cơ sở để các em tích cực tham gia phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nó cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa.

VŨ HỒNG