BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần mở rộng độ tuổi những người học nghề 

Cập nhật ngày: 07/07/2017 - 06:20

BTN - Trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tiến hành đợt khảo sát một số địa phương và trường dạy nghề xung quanh việc thực hiện chính sách giảm nghèo và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả ghi nhận qua đợt khảo sát cho thấy, ngoài những thành tựu đã đạt, cả hai lĩnh vực nêu trên vẫn chưa khắc phục được những bất cập, tồn tại.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát, thu thập thông tin về công tác giảm nghèo ở huyện Dương Minh Châu.

KHÓ TỪ NHIỀU PHÍA

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Dương Minh Châu, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chuẩn địa phương (hộ có mức thu nhập từ 130% đến 150% chuẩn nghèo) của năm 2016 là 1.196 hộ. Về tình hình hoạt động dạy nghề, tổng kinh phí dành cho chương trình này trong hai năm 2015 - 2016 khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong hai năm qua, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có gần 1.000 người theo học các nghề thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH đưa ra nhận định, nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách có tâm lý muốn được hưởng suốt đời. Học sinh là con em hộ nghèo được miễn, giảm nhiều khoản đóng góp, do đó, nhiều hộ vẫn muốn được “trụ lại” trong danh sách hộ nghèo. Qua khảo sát thực tế còn cho thấy, số người trong nhóm hộ nghèo trên địa bàn huyện tham gia học nghề rất thấp, gần như không đáng kể.

Bổ sung cho ý kiến của ngành chức năng huyện, đại diện Đảng uỷ xã Bến Củi cho rằng, nên hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT cho hộ nghèo địa phương, tuy nhiên, chính sách này chỉ dành cho những người đã hết tuổi lao động. Vẫn theo vị này, người dân không phải không biết về chính sách ưu đãi dành cho giảm nghèo, ngược lại, họ nắm vững chính sách nên mới tìm nhiều cách “đối phó” như tách hộ để tiếp tục thụ hưởng chính sách. Vì thế đối với ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế là không có cơ sở. Bởi vì, nếu không nắm vững chính sách, quy định thì làm sao người dân có thể “lợi dụng” được chính sách ấy?

Tại Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, lãnh đạo nhà trường cho biết, từ năm học 2014 - 2015 đến nay, trường đào tạo 4 nghề hệ cao đẳng gồm cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, quản trị cơ sở dữ liệu và kế toán doanh nghiệp. Cùng với các nghề hệ cao đẳng, nhà trường đào tạo 15 nghề hệ trung cấp. Trong thời gian qua, trường được ngân sách cấp 22,7 tỷ đồng để mua sắm thiết bị. Từ nguồn vốn trên, nhà trường đã đầu tư thiết bị thực hành có công nghệ tiên tiến, phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều thiết bị được mua sắm đã lạc hậu. Về vấn đề tuyển sinh thì nhiều, nhưng ra trường ít, ông Phương giải thích có hai nguyên nhân chính là học sinh bỏ học và nhà trường tuyển sinh đan xen trong nhiều thời điểm khác nhau. Về mức thu học phí, mỗi năm một học viên đóng khoảng 3 triệu đồng, đây là mức thu thuộc hàng thấp nhất cả nước.

Bà Kim Thị Hạnh, trưởng đoàn khảo sát đã đề nghị lãnh đạo Trường cao đẳng Nghề thống kê, phân tích cụ thể, xem trong số những ngành nghề mà trường đang đào tạo, nghề nào đủ trang thiết bị, nghề nào thiếu, mức độ hiện đại, lạc hậu của trang thiết bị như thế nào.

Tại huyện Hoà Thành, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tổng số hộ nghèo, cận nghèo năm 2016 trên địa bàn huyện là 1.423 hộ. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định, quy trình. Liên quan đến chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, một số vị đại diện UBND cấp xã ở Hoà Thành cho rằng không nên miễn phí 100% tiền mua thẻ BHYT đối với hộ cận nghèo nhưng còn trong độ tuổi lao động.

Về chương trình đào tạo nghề, huyện Hoà Thành đề nghị xem xét mở rộng độ tuổi đối với một số nhóm đối tượng, vì lứa tuổi này vẫn có thể làm được nhiều nghề. Ý kiến khác cho rằng, việc cấp ngân sách để mở lớp đào tạo nghề vẫn bất cập, vì từ lúc đăng ký mở lớp đến khi triển khai thường kéo dài nhiều tháng, khi mở được lớp thì một số người đăng ký học nghề lại không muốn đi nữa.

Việc đề ra chỉ tiêu 10% người khuyết tật và 40% phụ nữ tham gia học nghề không thể thực hiện được, vì số nghề mở ra trong các lớp đào tạo phần lớn chỉ phù hợp với nam giới. Còn với người khuyết tật, hầu hết nhóm đối tượng này không có khả năng học nghề. Theo thống kê, tỷ lệ người lao động ở Hoà Thành tìm được việc làm sau khi học nghề đạt hơn 84%.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP PHÙ HỢP HƠN

Ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khi bàn về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã tán thành đề xuất của một số địa phương về việc mở rộng độ tuổi để những người ngoài 60 tuổi vẫn có thể tham gia học nghề, nếu muốn. Nếu chỉ tập trung đào tạo nghề cho thanh niên và nhóm đối tượng “trẻ chưa qua, già chưa tới” thì không hiệu quả, vì phần lớn những người trong nhóm độ tuổi này đã đi làm ở xí nghiệp.

Bà Trần Thị Tuyết, Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp đề nghị xem lại chính sách hỗ trợ, theo đó, với nhóm đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ còn trẻ thì không nên đưa vào diện hỗ trợ. Lý do, nhóm đối tượng này sức khoẻ còn tốt, cần phải nỗ lực lao động để kiếm sống, chính sách chỉ dành cho nhóm đối tượng khác. Liên quan công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Tuyết nhận định, chất lượng đào tạo chưa như trông đợi.

Dẫn báo cáo của một số địa phương, bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh cho biết, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề còn thấp, sau khi học xong, nhiều người không tìm được việc làm đúng với nghề đã học. Về hoạt động của một số trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, tình hình chung hiện nay là trường nào cũng tuyển thiếu chỉ tiêu.

Báo cáo với Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh vào chiều 3.7 về công tác giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016, toàn tỉnh có 12.418 hộ/36.196 nhân khẩu, tương đương tỷ lệ 4,18%. Trong đó, hộ nghèo là 6.184 hộ/16.279 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,08%, hộ cận nghèo là 6.234 hộ/19.917 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,1%.

Về công tác đào tạo nghề, trong hai năm 2015 - 2016,  UBND tỉnh đã phân bổ hơn 14 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn với gần 10.000 người theo học.

Theo ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ngoài những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đang có nhiều bất cập- như tỷ lệ các nhóm đối tượng ưu tiên học nghề không đạt như kế hoạch. Trong khi đó, xuất hiện hiện tượng học sai đối tượng, ví dụ, ở các lớp dạy lái xe ô tô, có nhiều người đi học để lái xe của mình chứ không phải đi lái thuê cho người khác. Cá biệt, có trường hợp 59 tuổi mới đi học lái ô tô, với đối tượng này, học xong ai dám thuê lái, ngoài việc người đi học sử dụng phương tiện của chính mình?

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ gợi ý, có nên tập trung những người thuộc diện nghèo vĩnh viễn về một chỗ, giống như mô hình Trung tâm Bảo trợ xã hội hay không? Về tình hình hoạt động của các trường nghề, trường trung cấp, ông Hợp cho rằng, cần đặt ra vấn đề về tình trạng chồng chéo nội dung, ngành nghề đào tạo. Và như vậy, có nên đặt ra câu chuyện cơ cấu lại hệ thống, trường, trung tâm đào tạo nghề để khỏi lãng phí?

Ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị Ban Văn hoá - Xã hội thời gian tới giám sát hoạt động quản lý Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Giải trình một số vấn đề do thành viên Ban VH-XH nêu ra, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề còn “nhiều vấn đề”. Về con số, tỷ lệ trong báo cáo kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Quá cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã từng có văn bản chỉ đạo không tổ chức đào tạo nghề khi chưa xác định được việc làm. Tuy nhiên, nhiều xã vẫn mở lớp đào tạo vì liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH xem lại các số liệu trong báo cáo để bảo đảm tính khách quan, chính xác. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề cần được nghiêm túc xem xét lại vì chính nhiều vị lãnh đạo xã cho biết, một số nghề sau khi học xong, người học gần như không ứng dụng vào cuộc sống.

VIỆT ĐÔNG