BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Vẫn chưa an tâm 

Cập nhật ngày: 15/12/2017 - 06:39

BTN - Trong hai ngày 12 và 13.12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh do ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã có đợt kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại UBND huyện Hoà Thành và Dương Minh Châu. Đợt kiểm tra lần này có sự tham dự của đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Lao động nông thôn làm việc ở làng nghề Mây tre xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành (ảnh: KK).

CẦN QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Theo báo cáo của UBND huyện Hoà Thành, tính đến thời điểm hiện tại, Hoà Thành đã đào tạo được 230 trên tổng số 350 chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017. Trong đó, 81% trong số này đã tìm được việc làm sau khi học. Làm việc với đoàn kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Hoà Thành cho biết, thật ra trước khi đi học nghề, nhiều người đã có việc làm, đi học chỉ là hợp thức hoá để lấy chứng chỉ.

Do vậy, việc vận động những người này đi học khá vất vả do họ bận đi làm kiếm sống. Về tỷ lệ người khuyết tật tham gia học nghề còn thấp, lãnh đạo huyện nhìn nhận điều này đúng thực tế, vì nhóm đối tượng còn này còn mặc cảm tự ti, hoặc nếu còn sức lao động thì họ đi bán vé số kiếm sống... Riêng tại xã Trường Tây, theo đánh giá của lãnh đạo xã này, vấn đề tìm việc làm sau đào tạo gặp khó khăn, vì trên địa bàn xã không có doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quá cho rằng, tại Hoà Thành, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp cao hơn nông nghiệp, đây là một sự thay đổi đáng mừng, cần tiếp tục phát huy. Liên quan đến nhóm đối tượng học nghề là quân nhân xuất ngũ, ông Quá cho biết, những người này ít tham gia học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vì đã có chính sách riêng.

Điều đáng quan tâm là Hoà Thành cần làm tốt hơn nữa việc đào tạo nghề cho nhóm đối tượng người khuyết tật, đồng thời kiểm tra chặt chẽ công tác đào tạo nghề để bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí. Theo tinh thần chung, chỉ khi xác định được việc làm thì mới mở lớp đào tạo nghề. Ông Quá đề nghị Hoà Thành xác định cụ thể tỷ lệ lao động có việc làm, huyện phải chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo, tuyệt đối không chạy theo chỉ tiêu.

Tại huyện Dương Minh Châu, năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt cho huyện mở 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 210 học viên. Trong số 210 học viên, có 150 người học nghề nông nghiệp, số còn lại học lái xe. Đến thời điểm này, huyện đã huy động được 100% học viên ra học nghề. Về hiệu quả đào tạo nghề, UBND huyện cho biết, do một số lớp mới học xong, còn lại đang học nên chưa thể đánh giá hiệu quả việc làm sau đào tạo.

 Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, UBND huyện Dương Minh Châu nhận thấy, ngoài những việc đã làm tốt, công tác triển khai đào tạo nghề còn chậm, từ khi xây dựng kế hoạch đào tạo cho đến lúc được phê duyệt quá lâu. Việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho người lao động sau khi học nghề còn hạn chế, nhu cầu vay vốn lớn nhưng nguồn vốn vay từ chương trình mục tiêu quốc gia có hạn.

Về phía người lao động, nhiều người trong nhóm đối tượng ưu tiên học nghề không đủ sức khoẻ và cũng không mặn mà gì với chuyện học nghề. Cũng như một số địa phương khác, huyện Dương Minh Châu kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề sớm hơn, không nên phê duyệt chậm như mấy năm qua.

Riêng việc quy định tỷ lệ người khuyết tật tham gia học nghề tương tự như ở Hoà Thành, lãnh đạo huyện cho biết không thể đạt được.

Ông Nguyễn Văn Quá, trưởng đoàn kiểm tra nhận định, huyện Dương Minh Châu có quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nữ, điều này cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật và người thuộc diện hộ nghèo tham gia học nghề ở địa phương này còn thấp. Liên quan độ tuổi học nghề, ông Quá lưu ý, các địa phương cần kiểm tra độ tuổi nào, học nghề gì cho phù hợp.

CẦN THAY ĐỔI ĐỂ HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG

Liên quan đến đào tạo nghề và chất lượng nguồn lao động, ngày 1.12, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 145 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mục tiêu khái quát của chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội là phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của tỉnh, tranh thủ tối đa môi trường, nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu phát triển lĩnh vực lao động và xã hội của tỉnh đạt trình độ các nước ASEAN-6 vào năm 2020 và kịp các nước ASEAN-4 vào năm 2025.

Mục tiêu cụ thể là phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phù hợp với nhu cầu lao động, gia tăng cơ hội việc làm có chất lượng cho người lao động; tăng số lượng các nghề đào tạo được các nước công nhận về văn bằng, chứng chỉ. Theo tinh thần này, Tây Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2020 lên 70%; giai đoạn 2017-2020 giải quyết việc làm cho 68.000 lao động, trong đó, hằng năm, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội của tỉnh, tăng cường bảo vệ các nhóm đối tượng yếu thế phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Theo kế hoạch do UBND tỉnh ban hành, đến năm 2020, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin cho người dân. Các cấp, các ngành cần tăng cường thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về thị trường việc làm, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cũng như điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Song song đó, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, con người và văn hoá Tây Ninh đến bạn bè trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép các hoạt động thông tin đối ngoại về kinh tế, xã hội và du lịch của Tây Ninh trong quá trình hội nhập quốc tế. Các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức các diễn đàn hội thảo để người lao động và doanh nghiệp trao đổi, giao lưu, tìm hiểu về chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội. Tiếp tục thúc đẩy thực hiện chương trình việc làm bền vững, dự báo thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là đưa nhiều lao động có trình độ, tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với vấn đề hội nhập quốc tế về lao động và việc làm, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện chương trình việc làm bền vững; thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cải thiện năng lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối thị trường lao động giữa các huyện, thành phố với các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực.

Phát triển quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; chủ động theo dõi, nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, tránh tình trạng đình công, lãn công của người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Mở rộng thị trường lao động, tạo điều kiện để lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; quản lý lao động người nước ngoài; xây dựng thực hiện chương trình việc làm công theo các tiêu chí của khu vực và quốc tế. Các cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các dịch vụ an toàn vệ sinh lao động của quốc gia, tiếp cận các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Trong lĩnh vực hội nhập về giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn. Việc đào tạo cần lưu ý, gắn các nghề đào tạo với các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực. Tập trung đào tạo nghề theo hướng gắn liền việc chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn sang hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, cân đối lại nguồn nhân lực; giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nông thôn trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.

Để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng, các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ, cũng như xây dựng chương trình trên cơ sở phân tích nghề với sự tham gia của doanh nghiệp. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; thực hiện tốt cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đơn đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề.

Cho đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, đề án lớn liên quan đến đào tạo nghề, lao động và việc làm. Chủ trương đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo nghề cho người lao động là điều đúng đắn, bởi vì trình độ tay nghề, năng suất lao động của Việt Nam nói chung còn thấp hơn nhiều so với khu vực, chưa nói đến toàn cầu.

Mặc dù đã đầu tư nhiều nguồn lực nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Riêng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (tổng nguồn vốn dành cho đề án này trong cả nước lên đến gần 30.000 tỷ đồng) và chỉ còn 3 năm nữa là kết thúc, nhưng thực chất, hiệu quả của chương trình này vẫn còn là điều băn khoăn.

VIỆT ĐÔNG