BAOTAYNINH.VN trên Google News

Big Data tiếp tục được chứng minh có vai trò quan trọng với ngành y tế

Cập nhật ngày: 06/07/2016 - 04:54

Hiểu được giá trị của Big Data với ngành y tế thông qua khả năng dự đoán các dịch bệnh sắp phát sinh cũng như tìm ra các phương pháp điều trị thích hợp, mới đây, nhà mạng KT của Hàn Quốc đã công bố sẽ sử dụng công nghệ Big Data để giúp các thuê bao trên mạng của mình có thể phòng và chống lại bệnh tật. Nếu thành công, KT sẽ mang công nghệ này đến với 7,3 tỷ thuê bao di động trên toàn thế giới.

Big Data tiếp tục được chứng minh có vai trò quan trọng với ngành y tế.

Theo đó, ông Hwang Chang-gyu, CEO của KT đã đề xuất được làm việc với tổ chức Liên hiệp quốc để giới thiệu giải pháp sử dụng Big Data trong việc ngăn cản sự lây lan của các loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, trong một bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc, ông Hwang Chang-gyu đã kêu gọi các chính phủ cũng như các công ty viễn thông cần tăng cường hợp tác và tạo ra một mặt trận thống nhất để chống lại các loại dịch bệnh, đặc biệt là  các loại dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao như Ebola và Zika.

Một nghiên cứu của KT cho thấy việc phân tích Big Data có thể cho chúng ta thấy điểm xuất phát cũng như xu hướng lây lan của bệnh cúm gia cầm. Ngoài ra, KT cũng nhận định, đường di chuyển của bệnh cúm gia cầm có liên quan mật thiết đến đường di chuyển của gia súc, gia cầm và đường vận chuyển thức ăn chăn nuôi.

Ông Hwang Chang-gyu cũng nhấn mạnh rằng các dự án kiểm soát dịch bệnh thông qua Big Data cần có sự chung sức của các nhà mạng viễn thông thông qua việc chia sẻ dữ liệu chuyển vùng của hơn 800 nhà mạng viễn thông trên toàn thế giới. Làm được điều này nghĩa là đã giúp thế giới tiết kiệm được 60 tỷ USD trong việc phát hiện và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm.

Được biết, trước khi đề xuất được gặp Liên hiệp quốc, KT đã hợp tác với Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Hoạch định tương lai Hàn Quốc và Trung tâm Phòng ngừa, Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc để phát triển một hệ thống ngăn chặn sự lây truyền của dịch bệnh thông qua việc sử dụng Big Data trong ngành viễn thông. Hệ thống này có nhiệm vụ giảm thiểu sự bùng phát trong nước của các bệnh truyền nhiễm và ngăn chặn không cho lây lan sang các quốc gia khác.

Ông Hwang Chang-gyu cũng cho biết, trong thời gian tới, ngoài bệnh cúm gia cầm, nhà mạng này sẽ phát triển các hệ thống phát hiện và ngăn ngừa dành riêng cho các loại bệnh truyền nhiễm như SARS, MERS-CoV, Zika và EBOLA.

Để đảm bảo thành công cho các hệ thống này, ngoài Liên hiệp quốc, KT hiện đang đàm phán với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thiết lập các tiêu chuẩn chung về quy trình kiểm dịch tại sân bay và cửa khẩu tại Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác có ứng dụng công nghệ do KT phát triển.

Big Data đã được nhiều quốc gia ứng dụng cho ngành y tế
Big Data đã được nhiều quốc gia ứng dụng cho ngành y tế.

Hàn Quốc không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng Big Data phục vụ ngành y tế. Trước đó, vào cuối năm 2014, khi mà dịch bệnh Ebola bùng phát và đã làm ít nhất 4.500 người thiệt mạng  ở các quốc gia Tây Phi thì có nhiều nhà khoa học tại đây đã biết cách sử dụng Big Data để chống lại bệnh Ebola.

Theo đó, Bản tin ghi cước cuộc gọi CDR (Call Detail Record) bao gồm số của người gọi đến, gọi đi và thời lượng cuộc gọi là công cụ giúp các nhà nghiên cứu xác định vị trí của thiết bị và người dùng. Từ các thông tin này, các nhà nghiên cứu sẽ có cái nhìn sâu hơn về các xu hướng đi lại.

Ngoài Ebola ở Tây Phi, các nhà nghiên cứu đã từng sử dụng phương pháp này để vẽ lại bản đồ lây lan dịch sởi ở Kenya hay kiểm soát phản ứng của cộng đồng đối với các cảnh báo của chính phủ trong suốt thời kỳ dịch bệnh cúm lợn hoành hành ở Mexico năm 2009.

Ngoài ra, các mô hình thể hiện dòng người di chuyển trong dịch tả ở Haiti sau trận động đất năm 2010 cũng sử dụng các số liệu CDR. Phương pháp này từng được coi là cách tốt nhất để xác định đâu là nơi cần đến cứu trợ nhất. 

Nguồn XHTT