BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuông nhà thờ Tây Ninh

Cập nhật ngày: 27/12/2011 - 02:49

Bên trong nhà thờ Thị xã

Điều kỳ diệu nhất có thể kể đến trong mùa vui kỷ niệm 130 năm thành lập họ đạo, tiền thân của giáo xứ Tây Ninh chính ở ngôi nhà thờ sắp tròn 80 năm tuổi (1932- 2012). Là vì tuy ở tuổi 80 nhưng trong lòng nó lại còn những hiện vật có từ năm 1883, chỉ sau 2 năm họ đạo ra đời.

Chuyện rằng, vào năm 1878, linh mục Simon từ Tha La xóm đạo lên truyền đạo ở làng Hiệp Ninh, tổng Hoà Ninh (nay là Thị xã), ngay sau đó một năm, Soái phủ Sài Gòn đã tài trợ cho họ đạo Tây Ninh 200 USD để xây dựng nhà thờ (Báo Công giáo và Dân tộc số 1293 năm 2001). Ngôi nhà thờ đầu tiên ấy được khởi công vào năm 1881 (đúng vào năm họ đạo Tây Ninh được thành lập và công nhận) và hoàn thành vào năm 1884. Số tiền 200 USD năm ấy chắc là to, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu vì kinh phí tổng kết lại lên tới 3.980 USD. Rất may là có một số nhà giáo dân giàu có như ông Huyện Viên và Lê Văn Triều tài trợ. Ông Triều, còn gọi là Panlus Triều là một điền chủ sống tại Hiệp Ninh, còn ông Huyện Viên, nguyên là một Cai tổng ở vùng Sài Gòn- Gia Định, sau được thăng Tri huyện làm Chủ quận. Vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập giáo xứ, tháng 11.2011 vừa qua mới được bà con giáo dân cho biết thêm: - Lúc ấy, ở nơi đâu xây dựng nhà thờ mới đều được ông bà Huyện Viên tặng một quả chuông. Vậy, trong hai quả chuông treo trên tháp nhà thờ Tây Ninh hẳn phải có một quả do ông bà Huyện Viên đến tặng.

Không thể ngờ rằng với vẻ hoành tráng đẹp đẽ bề ngoài thế ấy, mà bên trong tháp chuông lại ngổn ngang đến vậy. Có lẽ do lòng tháp chuông quá nhỏ, nên đã không thiết kế được một cầu thang riêng. Lối leo lên đành tạm bợ. Từ lầu một nơi bố trí dàn hát thánh ca phía trước muốn lên tiếp phải leo bám vào cây thang hàn bằng sắt cọc rào hoặc đóng bằng cây gỗ tạp. Qua hai tầng thang như thế mới lên tới chỗ treo chuông. Để đảm bảo an toàn, người ta đã phải gia cố giá treo chuông bằng những tấm gỗ thật dày và thật lớn- toàn những súc gỗ quý nguyên khối dày 3-4 tấc và cao 5-7 tấc. Lại thêm hàng chục cây bu lông, ốc vít siết vào.

Nhân viết bài này, buộc lòng giở lại một trang báo cũ (Báo Tây Ninh đúng 10 năm trước cũng từng nhắc đến hai quả chuông này). Mới phát hiện ra bài viết có một chi tiết sai cần đính chính. Đấy là chi tiết “cả hai quả chuông là do ông Paulus Triều tặng”. Đến giờ, chính là nhờ giáo dân mới biết một trong hai quả chuông là của ông Huyện Viên. Mà quả chuông này còn “cổ điển” hơn, vì lần theo những dòng chữ đã bị mờ đi do rỉ đồng sùi ra gây nên, vẫn đọc được mấy chữ còn rõ là Paris, 1883; không phải là năm 1888 như vẫn rõ ràng sắc nét trên quả chuông của Paulus Triều. Nhân đây, xin đính chính lại cho chính xác:

Trái chuông của ông Paulus Triều hiến tặng năm 1888

- Hiện tháp chuông nhà thờ Tây Ninh có treo hai quả chuông thì một là của ông Huyện Viên thuê đúc tại Paris- nước Pháp từ năm 1883. Quả thứ hai, là của vợ chồng ông “Paulus Triều và An na Mĩ” cũng thuê đúc tận bên Pháp từ năm 1888. Quả lớn của ông Huyện Viên hiện được treo thấp hơn một chút với chuông ông Paulus. Chuông lớn cao chừng 1,2 mét, miệng loe rộng hơn các chuông chùa xứ ta và không có trang trí hình rồng phượng, lá hoa… mà chỉ thuần tuý những vành hoa văn cách điệu. Điều thú vị nhất là dù những năm cuối thế kỷ 19, chữ quốc ngữ có thể còn chưa thịnh hành nhưng quả chuông của Paulus Triều vẫn được đúc với ba hàng chữ nổi bằng quốc ngữ và chữ Pháp. Đấy là:

TÂY NINH HỘI

PAU LUS TRIỀU ET AN NA MĨ

OB TULE RUNT.

Bên dưới là cây thánh giá và số năm 1888.

Chuông được đúc theo kiểu có một quả tạ hình chiếc dùi trống treo lơ lửng bên trong. Để khi người ta dùng dây kéo trục treo, làm chuông mất thế cân bằng thì dùi quả tạ tự động gõ vào thành chuông phát ra tiếng chuông ngân.

Điều thú vị nữa là khi đem ảnh đến cho Linh mục đương nhiệm Nguyễn Đăng Hanh coi rõ các con số 1883 và 1888; thì linh mục cũng không ngờ rằng ngôi nhà thờ của mình có quả chuông lâu đời đến thế! Đã 130 năm trôi qua. Ngôi nhà thờ cũ xây bằng 3.950 USD cũng không còn nữa. Hàng chục linh mục được bổ nhiệm đến rồi đi. Chỉ tiếng chuông nhà thờ là hầu như không đổi khác.

TRẦN VŨ