Xã hội   Bảo hiểm xã hội

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khổ khi vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ

Kỳ 1: "Mua bia kèm lạc” 

Cập nhật ngày: 27/02/2023 - 05:59

BTN - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quy định không được buộc khách hàng mua BHNT khi vay vốn, nhưng trên thực tế, hầu hết người dân vẫn phải... "tự nguyện" mua, nếu không sẽ không được giải ngân.

Để được giải ngân, nhiều khách hàng buộc phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (ảnh minh hoạ)

Trước tình hình room tín dụng hạn chế, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đặt tiêu chí mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sẽ được ưu tiên vay vốn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quy định không được buộc khách hàng mua BHNT khi vay vốn, nhưng trên thực tế, hầu hết người dân vẫn phải... "tự nguyện" mua, nếu không sẽ không được giải ngân. 

Nhiều ý kiến cho rằng, BHNT là tự nguyện, tuy nhiên, để vay được tiền, hầu hết khách hàng phải đồng ý mua thêm BHNT. Bất kể số tiền vay bao nhiêu, người vay vốn đều "tự nguyện" nộp phí thấp nhất từ 2%-4% cho mỗi hợp đồng vay.

Ký hợp đồng vay, ký luôn hợp đồng bảo hiểm

Tháng 8.2022, anh P.Đ.T (huyện Gò Dầu) đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (ngân hàng VIB - chi nhánh Tây Ninh) làm thủ tục vay số tiền 2 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh.

Mặc dù đã thế chấp mảnh đất trị giá gần 5 tỷ đồng (kèm giấy CNQSDĐ), sau khi trừ các khoản phí “không tên”, anh T được đề nghị mua hợp đồng BHNT của Prudential nếu muốn giải ngân khoản vay, với mức phí ban đầu hơn 40 triệu đồng/năm.

“Tôi phải chi gần 50 triệu mới được giải ngân 2 tỷ đồng. Vì tình thế bắt buộc, tôi phải mua mặc dù đã giải thích đang hợp đồng BHNT với công ty khác. Đây chỉ là một trong 6 hợp đồng BHNT mà tôi buộc phải mua khi vay tiền”- anh T bày tỏ.

Anh cho biết thêm, vì rất cần khoản vay này nên khi ký hợp đồng vay, anh phải ký luôn hợp đồng BHNT. Ngoài hợp đồng mua BHNT với Ngân hàng VIB, anh T còn 5 hợp đồng vay tiền tại các ngân hàng OCB, SCB, MBBank, trên mỗi hợp đồng vay, anh T đều phải mua hợp đồng BHNT với mức phí thấp nhất từ 2% cho năm đầu tiên.

“Nếu là phí bảo hiểm cho khoản vay, tôi hoàn toàn chấp nhận. Vì nếu người vay có rủi ro, bảo hiểm sẽ chi trả cho ngân hàng khoản vay đó nếu hợp lệ. Đàng này, các điều khoản của hợp đồng vay tiền và BHNT hoàn toàn không liên quan”, “Tiền phí BHNT coi như tôi “mất trắng”.

Vì nếu tái tục, năm sau tôi vẫn phải đóng tiếp số tiền tương đương. “Nói là ngân hàng không ép khách mua bảo hiểm, nhưng nếu không mua thì hồ sơ vay sẽ không được giải ngân”- anh T bức xúc.

Vay 500 triệu đồng, mua gói bảo hiểm 20 triệu đồng

Chị C.L (huyện Dương Minh Châu) cũng rơi vào thế phải mua BHNT để được vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng VIB. Ngoài khoản BHNT 20 triệu đồng/năm qua sản phẩm “Pru- Chủ động cuộc sống”, chị L. mất thêm hơn 5 triệu đồng cho chi phí thẩm định tài sản và các chi phí khác.

Cung cấp 2 hợp đồng BHNT và hợp đồng vay vốn, chị L. nghẹn ngào: “Tôi cần tiền trả nợ mới cầm sổ đỏ đi vay. Ban đầu họ nói “nếu mua bảo hiểm thì hồ sơ sẽ duyệt nhanh hơn”. Tôi không đồng ý mua thì họ từ chối cho vay và nói là “theo quy định”. Tôi vay 500 triệu đồng mà phải đóng 20 triệu đồng tiền bảo hiểm. Thật quá phi lý!”.

Trong hợp đồng cho vay, tất cả các điều khoản hoàn toàn không nhắc đến việc phải mua BHNT. Ngược lại, hợp đồng BHNT cũng không có bất cứ điều khoản nào đề cập đến quyền lợi khi vay tín dụng. “Nhân viên giải thích, tư vấn đủ kiểu, đủ quyền lợi. Bí thế tôi phải mua, không mua thì không được giải ngân. Nhưng khi nhận hồ sơ mới tá hoả”- chị L. bức xúc.

Điều khác lạ, cũng là BHNT nhưng mỗi ngân hàng lại có một “kiểu” bán khá nhau. Có ngân hàng sẵn sàng “chia đôi” phí BHNT thành 2 hợp đồng cùng một lúc, miễn là đạt chỉ tiêu.

Cuối tháng 11.2022, anh T.V.T (ngụ huyện Tân Châu) vay tín dụng tại Ngân hàng MB (chi nhánh huyện Tân Châu) số tiền 850 triệu đồng. Để giải ngân, anh T phải “nộp phí” 30 triệu đồng/năm bằng việc ký song song hợp đồng BHNT “Vững tương lai” với MB Ageas Life (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas).

Tuy nhiên, anh T cho rằng mình đã mua BHNT từ trước nên yêu cầu được chia sẻ phần BH với người thân. Kỳ lạ, phía MB vẫn chấp thuận và tiến hành ký thêm hợp đồng mới. Mỗi hợp đồng có tổng phí bảo hiểm định kỳ hằng năm 15 triệu đồng, thời hạn đến năm 2086 (đáo hạn hợp đồng), với số tiền bảo hiểm 300 triệu đồng (sản phẩm Vững tương Lai) cùng 250 triệu đồng bảo hiểm hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật.

Anh T ngậm ngùi: “Thời hạn bảo hiểm đến năm 2086, tôi không nghĩ tới lúc đó mình còn sống hay không. Họ “ép” tôi phải mua BHNT, nếu tôi không đồng ý, ngân hàng không giải ngân”- anh T ngậm ngùi.

Người mua luôn chịu thiệt

Bản chất của BHNT là tự nguyện. Các ngân hàng cũng khẳng định không có chuyện "ép” khách hàng mua BHNT khi vay vốn, nhưng ngân hàng cần có sự bảo đảm để tránh “rủi ro”. Lý thuyết là vậy, nhưng theo tìm hiểu của PV, mỗi nhân viên đều bị “áp” chỉ tiêu phát triển hợp đồng BHNT, là tiêu chí để được thưởng, xét thi đua hằng quý, hằng năm. Không ít nhân viên vì không chịu nổi áp lực mà xin nghỉ việc.

Theo quy định, trước khi mua bảo hiểm, khách hàng sẽ có 21 ngày cân nhắc, không có nhu cầu thì có quyền huỷ hợp đồng. Trên thực tế đã có trường hợp khách hàng yêu cầu công ty bảo hiểm huỷ hợp đồng, nhưng phía ngân hàng lại không chấp thuận.

Bà H.T, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bày tỏ: “Ngân hàng chỉ bán cho đủ doanh số, không tư vấn hay thẩm định dựa trên năng lực của khách hàng. Xảy ra trường hợp rủi ro, bảo hiểm là đơn vị phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn sự rủi ro, mà là mua để được vay tiền, phải chịu thiệt dù lòng không mong muốn”.

Bà T bức xúc: “Nhân viên tư vấn làm chúng tôi “té ngửa” khi nói rất nhiều khoản lợi để bán được BHNT. Thực tế, người tham gia thiệt hại sau khi đặt bút ký hợp đồng BHNT với bên ngân hàng”. Bà T giải thích thêm: “Bảo hiểm bán, bảo hiểm đền khi có rủi ro.

Ngân hàng cũng bán BHNT, nhưng tất cả các thủ tục đều do bảo hiểm thực hiện. Họ hoàn toàn “né” các điều khoản bất lợi đối với người tham gia, như thời hạn bảo hiểm 10 năm, 20 năm, 30 năm hay 50 năm, khi nào được hưởng bảo hiểm...”.

Giang Nguyên Đông

(còn tiếp)