BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người ở Tây Ninh kể chuyện 70 năm bản hùng ca Điện Biên Phủ

Bài 3: “Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi” 

Cập nhật ngày: 04/05/2024 - 14:43

BTN - Lịch sử loài người, lịch sử mỗi dân tộc từ khi hình thành cho đến hôm nay, đã hàng nghìn năm. Nhưng, đối với mỗi con người, 70 năm đã là trọn một cuộc đời.

Đối với lịch sử một dân tộc, một đất nước, 70 năm không ngắn nhưng chưa phải quá dài. Lịch sử loài người, lịch sử mỗi dân tộc từ khi hình thành cho đến hôm nay, đã hàng nghìn năm. Nhưng, đối với mỗi con người, 70 năm đã là trọn một cuộc đời. “Những chị những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…” lúc tuổi mười tám đôi mươi 70 mươi năm trước, nay phần lớn trong số họ đã “tròn đôi nấm đất trắng chân đồi”. Thật may mắn, hay nói rằng “có duyên” cũng được, hơn 5 năm trước, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh đã gặp các cụ, khi họ còn sống.

Rời bước trần gian

Thời điểm đó, chúng tôi gặp cụ Trịnh Xuân Tế (sinh năm 1922), ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Năm 2018, chúng tôi đến thăm cụ. Thấy có khách đến thăm, vợ cụ- cụ bà Nguyễn Thị Gậy, 94 tuổi, chậm chạp đi từng bước ra mở cổng. Trong nhà, cụ Tế nằm trên giường. Thỉnh thoảng, ông lại ho sù sụ.

Mặc dù sức khoẻ không tốt nhưng khi nghe nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, gương mặt ông cụ sáng bừng lên. Không khí hừng hực của một thời bỗng như ùa về trong ký ức. Cụ Tế kể, quê của hai vợ chồng ở tỉnh Hà Nam. Khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông và mười một trai tráng trong làng tham gia gánh gạo, vận chuyển lương thực ra chiến trường để nuôi quân. Mùng 6 tháng Giêng năm 1954, nhóm thanh niên lên đường gánh gạo chuẩn bị hậu cần cho trận chiến xảy ra sau đó hai tháng.

Lúc đó, ông và nhiều trai làng khác nhận gạo từ một kho chứa, để vào hai thúng, trên vai lót một lớp vải cho đỡ đau, một tay cầm chiếc gậy và bắt đầu gánh. Ban ngày, tất cả dân công gánh gạo đều ẩn nấp trong rừng núi để quân địch không phát hiện. Ban đêm, bắt đầu từ 7 giờ tối, mọi người âm thầm di chuyển cùng hai thúng gạo ở hai đầu đòn gánh. Đến một kho gạo mới, họ đổ gạo vào đó rồi lại trở về kho gạo cũ nghỉ ngơi, chờ đêm xuống, lại tiếp tục hành quân. “Cứ như thế, chúng tôi tốn hết 3 tháng mới dời hết kho gạo lên thị trấn Hoà Bình; sau đó, mất thêm thời gian nữa mới dời xong kho gạo từ thị trấn Hoà Bình đến Điện Biên”.

Cụ Tế kể, công việc vận chuyển gạo vất vả vô cùng. Có những đoạn đường rất khó đi, đơn vị của ông đặt tên là dốc Lê Chôn. Khi gánh gạo đi ngang nơi này phải lần mò nhích từng bước một, nếu sơ sẩy, cả người và lương thực rơi xuống hố sâu, vực thẳm. “Thời điểm đó, tiêu chuẩn đưa ra mỗi người gánh 18 kg gạo. Mỗi người gánh gạo như thế được thưởng công 6 lạng gạo/ngày. Tuy nhiên, cán bộ chỉ huy vận động trong tiểu đoàn, ai có sức gánh nhiều gạo thì được thưởng nhiều hơn”- cụ Tế nhớ lại thời khắc thi đua ra tiền tuyến. Lúc đó, sức khoẻ cụ tốt nên nhận gánh một lúc 3 suất, tương đương với 54 kg. Tính ra, mỗi ngày, ông được thưởng 1,8 kg gạo. Khi tham gia chiến dịch, hằng ngày đã được đơn vị nuôi cơm, vì vậy, số gạo được thưởng không ai nhận liền tại chỗ mà được ghi vào sổ, đến khi kết thúc chiến dịch trở về mới nhận gạo một lần. “Khi chiến thắng Điện Biên Phủ, tính ra ngày trở về, tôi nhận được tổng cộng cả tạ gạo. Tôi không thể nào đem nổi số gạo lớn như vậy về nhà, đành bán lại cho Nhà nước”- cụ Tế cười vui, nhớ lại.   

Năm 1987, gia đình cụ Tế vào Tây Ninh sinh sống. Mặc dù cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông đều nuôi các con ăn học nên người. Hầu hết những người con của vợ chồng ông đều công tác trong cơ quan Nhà nước, có người đã nghỉ hưu. Thời điểm đó, vợ chồng ông sống trong căn nhà của người con trai cả. Người con trai này hiện đang công tác ở TP. Hồ Chí Minh, khoảng 1-2 tuần, anh về thăm bố mẹ một lần. Hai người con gái kế có gia đình ở gần trong xóm. Hằng ngày, các cô con gái đến nấu cơm, nấu nước và chăm sóc cho hai ông bà. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông nhiều lần trở về thăm chiến trường xưa. Tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông không trở về thăm nơi đã từng gánh gạo nuôi quân được nữa.

Cụ Đinh Xuân Tần lúc còn sống.

Ngoài cụ Tế, năm 2018, chúng tôi còn được gặp cụ Đinh Xuân Tần, nhà ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Thời điểm đó, cụ Tần bước vào tuổi 94, sức khoẻ không còn được tráng kiện như xưa. Ông đi đứng chậm chạp và bị lảng tai khá nặng. Muốn chuyện trò với ông, người nói phải ghé sát tai, nói lớn giọng ông mới nghe được. Thế nhưng, khi nghe hỏi thăm về Điện Biên Phủ, đôi mắt ông bừng sáng. “Điện Biên Phủ nay đã lên thành phố rồi”- cụ biểu lộ niềm vui.

Bà Trần Thị Lịch- con dâu cụ Tần, thay mặt bố chồng kể lại: quê cụ Tần ở Hà Tĩnh, ông từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vợ chồng chị vào Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1999. Năm 2010, gia đình chị mới về quê đón ông Tần và hai người em vào Tây Ninh sinh sống. Cụ Tần sống chung với gia đình bà Lịch và đã được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Lúc sức khoẻ ông cụ còn tốt, buổi sáng, cụ thường tập thể dục bằng cách quét lá trên sân. Buổi tối, ông tự mắc chăn màn để ngủ.

Cuối tháng 4.2024, người con trai lớn của cụ Tần - ông Đinh Xuân Khoáng (nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Long Vĩnh) bổ sung thông tin, sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò bộ đội trực tiếp chiến đấu, cụ Tần về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu IV. Sau đó, khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào nước ta, theo yêu cầu của chiến trường, cụ vào miền Nam.

Người lính này có mặt tại tỉnh Quảng Trị- vùng chiến sự ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1972, người lính già Đinh Xuân Tần được đơn vị cho ra miền Bắc an dưỡng một thời gian trước khi quay lại miền Nam. Tiếp bước cha, người con trai lớn của cụ Tần cũng vào quân đội và có thời gian dài tham gia trong đội quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Campuchia khỏi hoạ diệt chủng.

“Ông cụ tôi tham gia hai cuộc kháng chiến, đến lượt tôi tham gia quân đội trong vai trò sĩ quan thông tin, sĩ quan công binh. Giờ con trai tôi đang công tác trong Ban Chỉ huy Quân sự xã Long Vĩnh. Cha tôi và tôi đã đi qua chiến tranh. Tôi thấu hiểu sự đau thương, mất mát bởi chiến tranh, dẫu không muốn, nhưng kẻ thù buộc ta phải ôm cây súng để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay, cụ ông nhà tôi đã về với tổ tiên, tôi cũng đã nghỉ hưu. Những ngày này (kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ), tôi nghĩ: Không có gì quý bằng giá trị của hoà bình. Hoà bình cho mỗi người và hoà bình cho Tổ quốc” - ông Đinh Xuân Khoáng, con trai cụ Tần bày tỏ cảm tưởng.

Nghĩa tình “trai Nam, gái Bắc”

Tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu hiện còn cụ Nguyễn Thị Hồng Hà, sinh năm 1938, quê tỉnh Thanh Hoá- là người tham gia dân công hoả tuyến vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Năm 17 tuổi, người nữ thanh niên này, như bao cô gái khác, dành tuổi đẹp nhất của đời người cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất quê hương.

Cụ Nguyễn Thị Hồng Hà hiện sinh sống tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo tinh thần Hiệp định Genève, lực lượng cách mạng tại miền Nam tập kết ra miền Bắc, chờ ngày tổng tuyển cử. Tại miền Bắc, anh bộ đội miền Nam (quê Long An) nên duyên chồng vợ với cô gái Nguyễn Thị Hồng Hà. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, sau năm 1975, hai ông bà đưa toàn bộ gia đình vào miền Nam, họ chọn Tây Ninh làm nơi dừng bước chân cuối cùng của cuộc hành trình.

Cụ ông đã qua đời. Cụ bà, cách nay chưa lâu, sau cơn tai biến nhẹ, không còn minh mẫn như trước. Phải rất khó khăn, nhóm phóng viên mới nghe rõ đôi lời cụ nói. Đại ý, thế hệ của cụ hy sinh nhiều cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất non sông; lớp trẻ hôm nay phải học thật giỏi, lao động hăng say như một thời cụ đã đi qua, để đất nước trọn niềm vui, ngày càng thịnh vượng.

Việt Đông - Đại Dương

Tin liên quan