BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mộc mạc chùa Khmer Hoà Hiệp

Cập nhật ngày: 06/12/2011 - 11:11

Nếu như chùa Khe Đon lớn hơn, đường bệ và tinh xảo trên từng chi tiết, thì chùa Khmer Chàng Rục ở Hoà Đông A, Hoà Hiệp lại nhỏ nhắn, bình dị và mộc mạc.

Thì cũng đủ cả những gì cần có với một ngôi chùa. Như gò đất đắp cao trên đó xây chùa. Những dãy lan can xù xì thân vảy rắn thần Naga. Rồi đầu rắn cất lên như chào mời ở hai bên lối lên xuống mặt sau và mặt trước, chỉ khác là cứ vữa xi măng trần trụi màu xám lạnh mà thôi.

Ngôi chùa đã được xây xong từ năm 2001, thay cho ngôi gỗ ván đơn sơ trước đó. Nhưng vẫn là chùa nhỏ, bề ngang chỉ gần 7,5 mét và dài hơn 12 mét. Vậy mà vẫn cứ chia ra đủ ba gian, ba nhịp, tường bao ngoài xây gạch, bên trong cột kèo bằng gỗ. Dĩ nhiên, mái phải giản dị hơn vì chỉ lợp ngói tây trên rui mè gỗ. Dù vậy mái vẫn phải chia cho được thành ba đoạn, mỗi đoạn gồm hai dốc mái. Đoạn mái giữa nhô cao hơn mặt mái hai bên, còn dốc mái trên cao hơn, dốc mái dưới xoè ra, như đúng kiểu chùa truyền thống Khmer. Vào bên trong, ta thấy một không gian vừa quen, vừa lạ. Quen vì cũng cột kèo xiên trính giữ nguyên màu gỗ như ở ngôi nhà sàn bà con Khmer vẫn ở. Lạ vì ở các bức tường xây tô vừa đều được vẽ bằng màu nguyên về hành trình của Đức phật Thích ca, bức nào cũng tươi rói sắc vàng son rực rỡ. Sự mộc mạc đơn sơ của gỗ, những sắc màu nguyên với tông màu vàng áo cà sa làm chủ đạo, lại hoà quyện vào nhau làm thành một không gian đầm ấm, thân quen. Ở mặt ngoài tường, chùa Chàng Rục còn có 10 viên đá xanh, khắc chữ Khmer ghi rõ năm chùa được hoàn thành. Viên đá cũng được tạo hình bởi hai bên lượn lõm cong, đỉnh nhọn như hình ngọn tháp. Hai viên bố trí ở mỗi mặt trước và sau, hai phía tường dọc mỗi bên 3 viên, cộng lại 10 viên tượng trưng cho 10 phương chư Phật.

Chùa Chàng Rục

Đấy là chùa chính của bà con Khmer ngụ ấp Hoà Đông A, Hoà Hiệp. Trong sân chùa rộng rãi thênh thang, còn có ngôi sa la làm kiểu nhà sàn có thể chứa cùng lúc cả trăm người đến cúng Phật, dự cơm chung mỗi mùa lễ hội. Trường tiểu học năm nào giờ đã thành nhà khách cho sư tiếp đón khách đến thăm chùa. Cây cối quen thân như xoài, thốt nốt vẫn sum suê rợp bóng.

Vậy mà vẫn còn một ngôi chùa nữa có trong tâm thức người Khmer Hoà Hiệp. Hình bóng đại diện của ngôi chùa cũ là đây, ngay trong ngôi nhà khách. Đấy là một viên đá, thoạt nhìn cũng hao hao giống với viên đá tháp bố trí ở chân tường ngôi chùa đang hiện diện ngoài kia, chỉ khác chất liệu đá bằng sa thạch màu nâu đỏ, giống như loại đá chuyên dùng xây những tháp Ăng-co. Hình dáng chung không khác là bao, nhưng chi tiết khác xa. Như ở đỉnh có tạo hình giống búp sen hơn là ngọn tháp. Hai mặt đá đều có những đường viền và những hoa văn hình hoa lá được bố cục chặt chẽ với đường nét thô nhưng vẫn đẹp và tinh xảo. Nhất là ở giữa mặt viên đá, có hình đức Phật chắp tay toạ thiền trên bệ sen, chung quanh là những dáng hình cành lá bồ đề phấp phới bay như hình ngọn lửa. Người dân Khmer Hoà Hiệp mới tìm được viên đá này ở nền ngôi chùa cũ ở Sóc Thiết, cách chùa Chàng Rục khoảng 2km. Xưa thì đất đai liền lạc, nay thì đã có kênh đào xuyên dọc ấp, nên đi sang chùa Sóc Thiết xưa phải băng qua kênh, ngang một cây cầu.

Đến nơi từng là chùa cũ, thấy vẫn còn một nền cao giờ đã um tùm cỏ mọc. Vẫn còn đó dăm cây cột gỗ, nay đã thành gỗ lũa đứng chơ vơ. Mới biết rằng chùa xưa không lớn, cũng chỉ cỡ ngang ngang ngôi chùa mới bây giờ. Có điều khác với các ngôi chùa Việt là cột gỗ chùa Khmer cắm thẳng vào nền đất, mà không kê trên tán đá như thường thấy ở các ngôi chùa Việt cổ. Điều này đòi hỏi, gỗ dùng dựng chùa Khmer phải cực kỳ tốt, nếu không sẽ bị mối ăn tơi tả. Chẳng biết chùa Sóc Thiết có đã bao năm, từng sụp đổ trong những năm kháng chiến nhưng đến nay cột gỗ vẫn còn, dù chỉ còn trơ lại phần lõi già đen đúa.

Ở trong tâm thức, nên người dân cả hai sóc xưa Chàng Rục và Sóc Thiết vẫn không quên, và không bỏ. Họ đã dựng lên dưới tán cây rừng một ngôi miếu nhỏ kiểu như miếu ông Tà. Miếu làm trên bốn cây cột gỗ, có sàn gỗ cao chừng 1 mét, rộng mỗi bề mét rưỡi. Bên trên cũng chằng buộc trính, xiên làm thành hai mái ngói. Mỗi mùa lễ hội, dù có tập trung đông vui ở ngôi chùa chính, thì vẫn có những phần hương hoa, bánh trái, đèn nhang dành cho ngôi miếu nhỏ này. Coi như một chút lòng thành của người đang sống hôm nay tưởng nhớ đến người xưa, hay đến làng ấp xưa. Nơi này cách nay chỉ mới hơn 10 năm, vẫn còn những thiếu phụ địu con, tay giã gạo chày tay trong cối gỗ. Dù những hình ảnh ấy nay không còn nữa, thì dường như vẫn như còn lẩn quất chốn chùa xưa.

TRẦN VŨ