BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngủ ngồi

Cập nhật ngày: 11/09/2017 - 22:02

BTN - Đẩy xong chuyến dầu này Tư Vẹo mệt quá nên ngồi luôn tại bậc tam cấp dựa đầu vào tường mà ngủ. Bậc tam cấp chỉ bốn mươi xen-ti-mét nên hễ ngồi im thì chắc ăn, chứ giật mình là có thể lăn vèo xuống mấy bậc còn lại như chơi.

Truyện ngắn: Đ.P. THUỲ TRANG

Cái áo Tư Vẹo mặc, nó không còn là màu vàng kem nguyên thuỷ nữa, đã chuyển sang màu xám tro và dày lên vì gió bụi cuộc đời rồi. Mỗi ngày, bao nhiêu là tạp chất của những món hàng mà Tư phải mang vác, xách, đẩy… đều dính chặt vào manh áo này rồi. Mà Tư cũng không thèm mua áo mới, sắm nhiều làm gì mắc công giặt, mắc công bảo quản khỏi mưa gió dột nát của cái chòi ấy chứ. Hai cái thôi, thay ra thay vô là đủ rồi.

Tiếng ông Hai Cường lanh canh dọn chiếc gà-mên với canh mồng tơi, cá tràu cững kho tiêu ra làm Tư Vẹo nuốt “ực” vào bụng sự thèm thuồng. Sạp ông Cường bán đồ la-ghim, từ sáng sớm bốn giờ thì bà vợ ra nhận hàng, giao hàng. Tay cầm điện thoại, tay ghi sổ sách một phen để thu về một giỏ tiền nhiều mệnh giá thì tầm hơn tám giờ là bà vợ trở về nhà ngủ một giấc rồi nấu cơm trưa.

Khoảng thời gian bà vợ ngủ thì Hai Cường phải ra coi sạp, mà “coi khoán” đàng hoàng nhé, có nghĩa là trong thời gian bốn tiếng đồng hồ đó, Hai Cường phải bán được bao nhiêu tiền đó. Chứ mà ôm cái điện thoại hoặc qua sạp con Tám “lắc” nhiều chuyện đó hả, bà vợ sẽ đào mười tám đời tổ tông lên mà đổ vào một lỗ đấy!

Vậy nên Hai Cường rất siêng, chào mời lanh miệng và hàng giao không kịp. Nhưng nhiều lúc vẫn phóng tầm mắt qua hai cái sạp nữa, để nhìn em Tám vì ẻm son phấn tươi tắn lắm. Tư Vẹo rất bực, Tư trù ông bà ông vải cho Hai Cường bán ế ế chút, để anh ta khỏi mang xách, đẩy, vác lên xuống mười hai bậc tam cấp cao nghệu này.

Mười hai giờ, bà vợ ra chợ là mang theo gà-mên cơm cho Hai Cường. Sau khi ăn xong thì ông chồng quý báu của bả sẽ về lo cho bầy gà đá của ổng. Sau năm giờ chiều, đừng chờ vợ gọi, khôn hồn hãy xuất hiện đi. Để còn lo vụ dọn dẹp đóng cửa sạp.

Đã có thoả thuận trước, lương tháng ba triệu, bao cơm sáng nhưng không bao gồm cơm trưa. Mấy lúc sạp Hai Cường có hàng thì Tư Vẹo đẩy, vác. Khi không có thì cứ tự nhiên đi vác thuê chỗ khác kiếm thêm. Nói về thu nhập, giá đó Tư Vẹo dư sống rồi. Mà anh ta cũng siêng, hồi khu chợ này chưa có tầng hầm, Tư cũng chưa có tiền mua cái xe đẩy thì toàn vác. Sức đàn ông ba mươi mà, khoẻ như trâu. Vác riết… vác riết… biết bao nhiêu là bao tải hành, tỏi, củ sắn, củ năn, bắp, mướp, đường, đậu… nằm trên đôi vai Tư, mãi rồi cái cổ phải “né” cho bao hàng nằm mãi thành ra vẹo.

Đàn ông làm ăn được hay ba trợn lắm. Bắt đầu bồ nhí vợ bé. Nói gì đại gia đa dại, Tư da sần cổ vẹo mà cũng có một con ghệ nhí chứ bộ! Cô ấy đẹp lắm nha, dân buôn bán với nhau thôi mà. Cổ một con, chồng bỏ, đi mua bán rau cải nuôi mẹ nuôi con. Bập vô sạp Hai Cường, có Tư Vẹo xách hàng ra xe mỗi sớm mai riết thành quen. Tư biểu cổ đừng đi sớm về khuya thế này mất đẹp.

Cứ làm cái sạp nho nhỏ ở nhà, “Dạ nhà em nhỏ xíu, trong khu xóm trọ mà anh trai”. Xóm trọ càng dễ buôn bán. Có anh đem rau cải cá mắm về tận nhà. Hàng mua tận gốc bán tận ngọn, chỉ phiền em trưa trưa cho anh chỗ ngả lưng và bữa cơm thôi. Cổ gật đầu như phải bùa. Gì chứ vậy là quá an nhàn rồi. Cơm chỉ là thêm chén thêm đũa.

Vợ Tư không biết đâu, vì từ lâu nay chẳng phải Tư đi làm từ sáng sớm tới chiều tối mới về sao? Bầy con ba đứa ở nhà, vợ đan lát cũng sống được qua ngày. Giờ Tư có chỗ nghỉ trưa thoải mái, có cơm nóng canh ngon thì có mất mát gì đâu.

Cây kim trong bọc giấu cũng được mấy tháng. “Ghệ nhí” của Tư lý giải về việc “chú ấy sao ở trong nhà mình” với đứa con trai năm tuổi rằng đó là vì mẹ nấu cơm mướn, chú ấy cần ăn cơm và nghỉ trưa như con vậy. Thằng bé coi như đồng ý, vì thi thoảng Tư cũng cho nó bọc trái cây hay xâu cá viên. Nhưng tới khi nó ngủ trưa với bà ngoại rồi bất ngờ dậy sớm, thấy “chú ấy” không nằm ở ghế bố trước hiên mà nằm trong phòng và chơi trò “xếp hình” với mẹ nó thì cu cậu khóc rống và một mực đuổi Tư đi.

Xóm trọ lâu nay biết hết mối quan hệ của hai người. Nhưng đèn nhà ai nấy sáng, giờ tự dưng thằng bé tưng tưng vừa đi vừa khóc kể rằng “Chú ấy ăn hiếp mẹ, đè bẹp lên người mẹ con làm mẹ khóc hu hu” thì làm sao người ta không bàn tán?

Chuyện rồi cũng tới tai vợ Tư. Dù nhà chẳng khang trang, cửa không cao rộng nhưng vì 3 đứa con, và miếng đất này của bên vợ cho, nên khi Tư cầm tờ giấy mang tên “ly hôn” có đóng dấu “án có hiệu lực”, là xem như cuộc đời Tư đứng hình từ đó.

Tư ở luôn trên chợ huyện. Kiếm cái nhà trọ rẻ tiền nhất cốt sao có chỗ ngả lưng mỗi đêm là được. Ngày đi làm cơm hàng cháo chợ. Những buổi cơm trưa nóng sốt với “ghệ nhí” đã không còn. Những buổi cơm chiều dù chỉ có rau lang luộc chấm chao cùng tiếng cười của bầy con cũng mất hút.

Ra chợ từ bốn giờ sáng, lại lao động nặng nhọc, tuổi sau bốn mươi cũng bắt đầu mệt rồi nên cứ rảnh giờ nào là Tư dựa vào tường ngủ giờ đó. Cái dáng ngủ ngồi của Tư sao mà nó thảm não lạ. Mái đầu xơ cứng bụi bặm, áo quần xộc xệch, mặt mày lem luốc, cái cổ vẹo cứ gật lên gật xuống thảm làm sao.

- Tư Vẹo, cơm!

Tiếng bà Hai Cường lanh lảnh.

- Chị kêu tui?

- Chứ hổng lẽ kêu ông nội tui? Bữa nay cá tràu cững ngon, mồng tơi vườn rẻ quá nên nấu nhiều. Ăn đi rồi giao cho người ta hai bao tỏi.

- Dạ!

Tư mừng quýnh, từ chỗ ngủ ở bậc tam cấp, cách sạp ba bước chân mà nhảy vèo sang ngồi… đối diện với Hai Cường.

- Ông nội, chỗ đó của tui.

Bà chủ hét. Rồi ấn vào tay Tư Vẹo tô cơm chan sẵn canh và mấy khúc cá. Mùi “cơm nhà” khiến Tư hít hà không dám cầm vội nhưng một người khách vừa bước tới:

- Chị Hai, cho em hai bao củ sắn, các thứ khác như mọi ngày nha. Xe em cửa tám.

- Ô kê. Cho chị mười phút nha cưng. Chờ thằng ông nội này dộng xong tô cơm cái!

Tư Vẹo nuốt cong cần cổ tô cơm để còn giao hàng cho khách thì nghe bà vợ nói với Hai Cường:

- Chiều nay tui mắc đi chùa. Ông coi sạp nha! Mai đóng hụi đó, ráng bán à!

Một thông báo kiểu mệnh lệnh chứ không có bàn bạc thoả hiệp gì cả khiến Hai Cường cự lại:

- Còn bầy gà của tui? Ai cho nó ăn, ai tắm cho nó?

- Ông muốn tắm cho nó cả đời hay chỉ tắm bữa nay rồi nghỉ?

Đôi mắt bà vợ long lên khiến khẩu khí Hai Cường xụi xuống. Xốc lại cái giỏ tiền sáng giờ chồng bán, không buồn đếm như mọi ngày, vợ Hai Cường lấy điện thoại ra, gọi bạn bè em chị trong hội hành hương tới rồi tất tả bước lên bậc tam cấp của tầng hầm.

Bà vợ đi rồi, Hai Cường bảo Tư:

- Ê, coi sạp chút, tao ngủ tí!

Tư chưa kịp có ý kiến, ông chủ đã dựa lưng vào tấm vách tôn của sạp, đầu ngoẻo sang bên và phi thẳng thiên đàng.

Đồng hồ chỉ một giờ trưa.

Cái giờ quái quỷ thêm bữa cơm no làm mắt Tư cũng muốn nhắm lại. Nhưng nhiệm vụ ông chủ giao thật là lợi hại quá. Nó vừa xen giữa quyền lợi và trách nhiệm nữa. Nói mang tội chứ ổng “thăng” rồi, mình bán ba món, nói hai ổng cũng không tìm được chứng cứ. Mà… chậc, làm người ai làm thế, ông bà chủ cũng quá tốt với Tư rồi. Một món rau cà, hạt sen, bông cải gì cũng vài chục ngàn là cùng. Làm vậy, sao coi được. Tư Vẹo đang đấu tranh tư tưởng dữ dội thì nghe:

- Tiên… Tiên…

Mắt nhắm mắt mở Tư nghe ông chủ gọi. Nhưng nhìn lại thấy ông vẫn ngủ khò. Thì ra nói mớ. Mà Tiên là tên ai? Bồ nhí của ổng hả? Phen này Tư mà méc với bà chủ là toi đời ổng ngay.

Dần dà kim đồng hồ cũng nhích sang con số hai giờ.

- Nãy giờ bán được gì không mậy?

- Ba bông cải xanh. Nửa ký cải đỏ. Năm hộp nấm. Hai củ sen!

- Giỏi hén! Kêu cà phê đi, hai ly nhen!

Tư bấm điện thoại gọi cà phê rồi hỏi nhỏ:

- Anh Hai, Tiên là tên ai vậy?

- Cái gì? Chết cha… sao mày biết?

- Hồi nãy… anh mớ kêu tên đó đó…

- Mày đừng nói với bả nghen. Đó là sự sai lầm của cả đời tao. Mười tám năm chồng vợ mà tao còn giấu bả.

Thì ra đó là mối tình đầu của Hai Cường thời còn sinh viên. Trai hai mươi, gái mười tám trong cảnh xa nhà yêu thương nhau và vượt qua giới hạn. Khi cô ấy có thai, Hai Cường mừng như bắt được vàng, vì mình là con trai một, sớm có con nối dõi tông đường chắc cha mẹ sẽ vui lắm. Ai ngờ xin cha mẹ cưới Tiên thì cha mẹ không đồng ý.

Mắng chửi Tiên hết lời mà chưa hài lòng, ông bà còn nhờ người thân về xóm Tiên nhắn rằng cái ngữ “gái hư” như vậy thì đừng mong bước chân vào nhà ông bà nửa bước. Mới nứt mắt đã yêu đương rồi “ăn vạ”, thứ gái dễ dãi vậy thì biết cái bầu đó có phải là con cháu của nhà này hay không?

Tiên, cô gái trẻ đáng thương đã không chịu được sỉ nhục, lòng tự trọng đã khiến cô hoá đá tâm hồn. Rồi một đêm cô đã nhờ dòng sông xoá sạch nỗi đau tận cùng đó để hai mẹ con hoá thành trăm năm dâu bể.

Hai Cường đi biệt xứ, phần để phôi pha nỗi buồn, phần không dám qua lại con ngõ nhà cô ấy, sợ kỷ niệm sống dậy lòng dạ sẽ đầy nỗi đau.

Bỏ học ngang xương, đi làm đủ thứ nghề để sống, để khẳng định mình sẽ nuôi được thân và nuôi vợ con chứ không phải như cha mẹ mắng “Xa cái nhà này bây chỉ có cạp đất mà ăn”.

Hai Cường đi biệt mười ba năm. Mẹ mất cũng không biết để mà về. Ngày anh trở lại quê hương, người cha già chỉ biết nắm tay thằng con hơn ba mươi mà khóc. Ông nói, giá như ngày xưa ông chấp nhận Tiên thì giờ nhà đã có tiếng trẻ thơ ríu rít.

Hai Cường ngồi gục đầu vào hai đầu gối nghe nỗi hối hận dâng tràn. Đáng ra, anh không nên quá hận ba mẹ để biệt xứ mười mấy năm. Ba anh hỏi con trai làm ăn thế nào, có yêu thương ai chưa. Hai Cường bảo chưa yêu, nhưng làm thuê ở chỗ này cũng khá lắm, họ không biết gia thế Hai Cường, họ thương anh như con cháu bởi một kẻ sa cơ lỡ vận mà siêng năng chăm chỉ quá. Cô con gái họ cũng trạc tuổi Hai Cường, giỏi giắn lanh lợi, hai bên cũng có cảm tình với nhau.

Ba của Hai Cường lo việc cưới xin. Ngày cưới, nhà gái hết hồn với mâm quả và tiền nộp tài của nhà trai. Không ngờ gia thế Hai Cường cũng “không phải tay thường”.

Mười tám năm qua, Hai Cường thương yêu và tôn trọng vợ như bù đắp lại cho mối tình đầu ngày đó. Thế nên hình như được đàng chân lân đằng đầu, bà vợ ngày càng lấn lướt, cứ quắc mắt lên mỗi khi không hài lòng khiến Hai Cường xếp vó.

- Mỗi người một cảnh há anh Hai?

- Ừ, bởi vậy nên tao thương… con vợ cũ mày lắm. Đời đàn bà hạnh phúc hay không là do chồng hết cả.

- Dà… em biết lỗi em mà anh Hai…

- Rồi tháng này có gởi tiền về cho tụi nhỏ chưa ông nội?

- Dạ có, tiền chỗ anh chị em gửi hết, kiếm thêm em mới ăn thôi.

- Ừ, ráng lên.

Đ.P.T.T

 


Liên kết hữu ích