BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Phố Ninh cố sự” đạt giải C giải thưởng liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 

Cập nhật ngày: 11/02/2022 - 07:45

BTN - Vũ Thiện Khái, tác giả tập truyện “Phố Ninh cố sự” (NXB Hội Nhà Văn, 2020) vừa đạt giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2021 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Đã vào tuổi U80, năm 2018, “Thao thức sông quê” đem về cho tác giả giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tập truyện “Phố Ninh cố sự” gồm 17 tác phẩm trong 280 trang. Dù là người gốc Bắc (Ninh Bình), nhưng có lẽ trú ngụ Tây Ninh hơn 30 năm nên ngay những trang đầu tiên tác giả đã dành tình cảm ưu ái cho “quê hương thứ hai” với tác phẩm "Hun hút gió Khe Đon”.

Tác phẩm chính của tập truyện chính là "Phố Ninh cố sự”. “Sự” đầu tiên là tác giả nói về một người đàn ông đứng tuổi mang hài cốt vợ trong chiếc ba lô từ thời đi B để về quê Bắc ăn tết trong những ngày giáp tết.

Từ “gã” dùng trong giọng kể này để nói về nhân vật chính quả thật khiến người ta dễ tưởng tượng "gã" không tốt đẹp gì. Nhưng rồi hình ảnh “gã” phải nơm nớp lo ngại con cái ngăn cản bởi cuối năm tàu xe chật nức, thân "gã" có tuổi, đường xa vạn dặm biết làm sao. Vậy rồi tàu cũng rời ga để “gã” ước thời gian trôi nhanh hơn mà về lại nhà bà cụ Hồng “cạnh nhà mình ngày xưa” cho tròn lời trăng trối của vợ.

Vậy mà “sự” thứ hai là nhà bà cụ Hồng đã biến mất, thay vào đó là một căn nhà tầng nhấp nháy đèn xanh đỏ cùng tấm biển điện tử quảng cáo cửa hàng bán đồ gỗ. “Sự” kế tiếp là “gã” vừa xuôi hàng ngàn ki-lô-mét ấy lò dò vào con ngõ hẹp giữa trời đông xứ Bắc để tìm nhà người bạn cũ- giáo Hanh- rồi cùng ôn lại quãng đời tuổi trẻ bao thăng trầm của thời “chập cheng phi lý đã khiến gã phải hứng chịu bao hệ luỵ”.

Cái “sự” kết thúc câu chuyện là ông bà ngoại (ông bà già vợ “gã”) đã ôm hai cô cháu gái (con của “gã”) trong vòng tay già nua mà nghe tình ruột thịt ấm nồng trong từng thớ thịt giữa trời đông lạnh giá. Thì ra bao nhiêu “sự” ở cái phố Ninh này cũng không qua được tình thân máu mủ. Chỉ phiền là, có khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng mới đem lại ngọn nguồn cho mọi sự việc trên đời.

Đọc “Phố Ninh cố sự” ta sẽ gặp những cái “sự” trên đời ở bất cứ nơi nào chứ không phải chỉ riêng ở phố Ninh của tác giả. Bởi trong mạch văn chương của người tuổi ngót tám mươi ấy, sẽ cho người đọc hiểu biết thêm về cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của thời trước khi thống nhất đất nước.

Đ.P. Thuỳ Trang