BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn nghệ làng ta: Những vần thơ từ ruộng rẫy

Cập nhật ngày: 07/08/2011 - 12:09

Nếu như các nhà thơ nông dân Trảng Bàng, Gò Dầu làm thơ theo lối bộc trực, dân dã đượm ý vị đồng dao hay thành ngữ dân gian; thì các nhà thơ nông dân Tân Châu đã nâng thơ lên ở tầm cao suy tưởng. Đa số các nhà thơ phía Bắc tỉnh này đều có quê hương bản quán từ nhiều vùng miền khác tụ về. Người đánh giặc xong, ở lại, người đi theo những cuộc vận động xây dựng khu kinh tế mới, người đi theo họ hàng, con cháu vào lập nghiệp, người bốn phương tụ lại, nên văn hoá trở thành đa dạng và giao thoa phong cách các vùng miền cũng là lẽ đương nhiên. Nhiều người trong họ như Nguyễn Trung Cấp, Vũ Thiện Khái, Kà Tha Lâu, Vũ Thị Thơm, Lê Minh Luyến… thường có thơ in trên góc “Sân thơ tuổi hạc” của Báo Tây Ninh. Hẳn nhiều người còn nhớ bài “Đan thúng, làm thơ” của chị Thơm từng được các nhà thơ có tiếng ở tỉnh nhà viết bài khen ngợi. Chị Thơm từng làm cán bộ xã Tân Hoà, nay đã về hưu nên cái nghiệp nhà nông lại có dịp phát huy. Chẳng biết năng suất cây trồng nhà chị ra sao nhưng “vụ thơ” thì thu hoạch khá. Năm 2008, thời tiết không thuận, mong mãi mà chẳng thấy mưa, chị lôi giấy bút ra viết bài “Lỗi hẹn”, có những câu sau: “… Năm nay tháng bẩy đi đâu/ Ông bà lỗi hẹn nên ngâu không về/ Tháng tám mưa mới dầm dề/ Sai lời hẹn ước nguyện thề năm xưa…”. Vậy mà có năm cũng phải cay đắng thốt lên: “Cao su, cây mía, cây mì/ Ba cây đều thất lấy gì chi tiêu!...” (Vì đâu nên nỗi).

Một nhà thơ nông dân ở tầm “Kỹ sư nông nghiệp” hẳn hoi là Nguyễn Trung Cấp, một trong những người sáng lập CLB thơ Tân Châu. Anh là thương binh khiếm thính. Không nghe thấy gì nên thơ anh thường thiên về hình ảnh. Có những đoạn rất đỗi thân thương như: “Tháng năm mùa cày cấy/ Đất dịu vạt đồng khô/ Em tôi đôi vai gầy/ Gánh mùa đi trong ấy…” (Tháng 5). Và có cả những kỷ niệm thật dễ thương ngày xưa ở quê hương: “Em là cô gái thôn Đông Xá/ Mấy bữa qua đây họp xã đoàn/ Em cứ ngúng nguẩy đuôi sam tóc/ Quất vào bỏng mắt mấy chàng trai…”.

Một buổi sinh hoạt CLB thơ Tân Châu

Có một nhà thơ nông dân đích thực, không thể lẫn với ai khác, người mà ông nhà thơ Vũ Thiện Khái đã phác hoạ rằng: “Gọi là tiếng nói đồng quê/ Quần nâu áo vải- đi, về với thơ”. Ấy là thi sĩ Lê Ngọc Chữ. Thơ ông bao giờ cũng có lúa, có cánh đồng mì, mía và ta dễ dàng nhận ra những thú vui giản dị của người quê. Khi “ngủ đồng” thì: “Một mình một khoảng trời riêng/ Trăng thanh gió mát của riêng, riêng mình/ Nằm đây với đất Tây Ninh/ Mà sao thấy đất với mình nặng sâu…”. Nếu có thêm một chút “Rượu quê” vào nữa, sẽ còn là cảm giác chẳng thua ở khách sạn bốn, năm sao nào trên thành phố: “Gió vờn biển lúa rầm rì/ có đường êm mát khác gì đệm êm/ Chân lồng, thảm cỏ gối êm/ Đưa ta vào mộng giữa miền đất quê”.

Các nhà thơ nông dân Tân Châu thật mỗi người mỗi vẻ. Đấy là Lê Minh Luyến cựu quân nhân, gốc gác nhà nông xứ Nghệ với lời thơ bộc trực đầy chất lính. Khi về hưu thì: “Mặt trận then chốt/ Chuyển hướng nông thôn/ Tối tấn công đồn/ Ngày thì cuốc đất…”. Đến ngay cả những tiếng cười sảng khoái khi gặp lại bạn bè, hay món nhậu dân dã đãi bạn cũng được vào thơ: “Chẳng cần chức tước/ Không cần công danh/ Sáng bát chè xanh/ Chiều xiên thịt chó…”.

Không kể tới Lê Trí Viễn- người từng có tập thơ in riêng và vẫn trong hàng “tứ trụ” của CLB, thì vẫn còn ít nhất là hai nhà thơ nông dân nữa là Vũ Thiện Khái và Vũ Văn Sinh. Trong tập thơ văn tháng 9.2010 của CLB thơ Tân Châu (đánh máy, phôtô lưu hành nội bộ); cả hai ông đều tự nhận mình có trình độ văn hoá lớp 3 trường làng, nhưng thơ thì chẳng kém bay bổng. Vũ Văn Sinh ngợi ca lúa quấn bàn chân thôn nữ, để mai kia: “Để thêm hương sữa cho bông/ Ngày mai chắc hạt long lanh sắc vàng/ Để rồi gom tặng nhân gian/ Dọn cơm so đũa mời cơm mọi nhà…”. Còn Vũ Thiện Khái, có thể nói ông là linh hồn của CLB thơ Tân Châu. Thơ hay như nhiều bài lục bát của ông, thì tốt nhất là chép ra mà không bình tán lung tung. Như bài “Thì thầm” sau đây: “Chợt đâu vẳng tiếng thì thầm/ Tưởng như đang thuở tay cầm tay ai/ Đầu xuân mưa lộc rét đài/ Vòng tay nóng rực bờ vai xuân thì/ Vườn nghèo nuôi đoá tường vi/ Hoa chê đất xấu, hoa đi theo người/ Tôi thành kẻ chỉ biết cười/ Lặng thinh đứng giữa cõi người vô thanh/ Mõ chiều tiếng chậm tiếng nhanh/ Đêm mơ mấy giấc tròng trành sắc không/ Sáng mai trời nổi cơn giông/ Sông ngâu một nhịp cầu vồng gẫy đôi”.

Ôi, các nhà thơ nông dân Tây Ninh yêu kính! Củ mì, hạt lúa các vị làm ra đã quý, những vần thơ của các vị lại càng quý hoá biết bao. Những “Hai Lúa” dù ở Trảng Bàng, Gò Dầu hay Tân Biên, Tân Châu thì tiếng thơ đều đằm thắm tình yêu quê, yêu đất. Lại phải dùng thơ của chính các vị để nói về tâm tư của các vị. Như Vũ Thiện Khái đã viết: “Chỉ mong yên phận cỏ đồng/ Vô tư xanh đến tận cùng kiệt xanh”.

TRẦN VŨ