BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chiến thắng Tua Hai 

Cập nhật ngày: 21/11/2018 - 07:50

BTN - Chuyện là một hôm lật giở trang sách sử Việt Nam, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản đàng hoàng nhưng không thấy chữ nào viết về Tua Hai trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Dĩ nhiên là cũng không có diễn biến trận chiến thắng quan trọng ấy.

Sinh hoạt truyền thống tại khu di tích.

Đấy là cuốn sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, do Viện Sử học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam thực hiện, PGS Tiến sĩ Đinh Quang Hải chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017. Phần lịch sử từ năm 1954 đến 1975 ở nguyên trong tập 8. Sách dày, bìa cứng, giấy trắng láng lại do những tên tuổi, viện nghiên cứu, NXB hàng đầu đất nước thực hiện, vậy mà người ta không chép gì về chiến thắng Tua Hai. Thế là sao?

Rà đi, soát lại các trang sách viết về Đồng Khởi, từ trang 151 đến 154, ta thấy sách chỉ kể đến cuộc đồng khởi diễn ra tại Bến Tre ngày 17.1.1960, với sức mạnh của lực lượng chính trị- nhân dân, bắt đầu từ huyện Mỏ Cày. Trong khi đó, lúc này đã có Nghị quyết Hội nghị thứ 15 của Trung ương Đảng. Theo nghị quyết, được trích dẫn trong sách có đoạn: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”…

Con đường đó là: “Lấy sức mạnh quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân…”. Điều này cho thấy, cuộc tiến công cứ điểm Tua Hai, căn cứ của một trung đoàn địch, diễn ra đêm 25 rạng 26.1.1960, chỉ sau Đồng Khởi Bến Tre đúng 9 ngày là hết sức đúng đắn, hoàn toàn tuân theo chỉ đạo sáng suốt tại Nghị quyết số 15 của Đảng.

Không phải là số trang sách có hạn, buộc người biên tập phải tóm tắt, bỏ qua các sự kiện được coi là phụ. Bởi sách vẫn kể tới cuộc tấn công và nổi dậy ở Kon Tum, ngày 22.10.1960, đã: “dấy lên cao trào diệt đồn địch, phá “khu đồn”, phá “trại người Thượng” đã lan ra khắp các tỉnh Cao Nguyên”. Mà sự kiện này diễn ra tận tháng 10; khi mà các cuộc đồng khởi vũ trang ở toàn Miền đã trở nên phổ biến. Thế mà sự kiện quan trọng nhất, mở đầu cho phong trào đồng khởi vũ trang trên toàn miền Nam đã bị bỏ qua.

Sự việc này, khiến chúng ta phải nhớ, phải lật giở lại những trang sách lịch sử hào hùng của trận đánh này. Ngày 24.12.1999, Tỉnh uỷ Tây Ninh và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã phối hợp tổ chức một hội thảo khoa học về Chiến thắng Tua Hai. Có tới 47 bài tham luận được in trong tập kỷ yếu hội thảo, in thành một cuốn sách mang tựa đề “Chiến thắng Tua Hai và phong trào đồng khởi ở miền Đông Nam bộ”. Sách do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 1999.

Năm 1999, tức là mới 39 năm sau trận đánh. Nhiều nhân chứng lịch sử trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia vào trận đánh vẫn còn kia, nên từng bài hội thảo vẫn như còn sốt nóng, vẫn rền vang như những hồi kèn xung trận. Đấy là các bài của các nhân chứng trực tiếp tham gia như Đại tướng Mai Chí Thọ- Chính trị viên của lực lượng đánh Tua Hai. Hay Trung tướng Lê Thanh, nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng của lực lượng tiến công. Trung tướng Lê Thanh viết: “Chiến thắng Tua Hai là tiếng kèn hiệu lệnh nổi dậy đồng loạt của đồng bào Nam bộ”.

Đại tướng Mai Chí Thọ kết luận rằng: “Tập kích Tua Hai không phải là một trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đấy là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của nghị quyết 15, của đồng khởi…”. Ở kết luận thứ hai, Đại tướng viết: “Một trận đánh mà lực lượng ta nhỏ hơn địch gấp nhiều lần lại thu được cả ngàn súng thì hầu như chưa có. Đó chẳng phải là một trong nhiều kỳ tích đáng tự hào của Quân đội ta hay sao?”.

Rất nhiều nhà nghiên cứu cũng có kết luận tương tự như trên. Ở đây, xin trích thêm ý kiến của PGS. TS Trịnh Vương Hồng, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Ông đã phân tích rõ giá trị của hai thể loại đồng khởi của Bến Tre và Tây Ninh như sau: “Nếu Bến Tre tiêu biểu cho loại hình đồng khởi được bắt đầu từ nổi dậy của đông đảo quần chúng cách mạng, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, có kết hợp ở chừng mực nhất định với tiến công quân sự; thì Tây Ninh điển hình cho một loại hình đồng khởi bắt đầu bằng tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng…”.

Và, ông cũng kết luận lại là: “Trận đột phá Tua Hai và sức vang dội của nó không giới hạn ở Tây Ninh hay miền Đông Nam bộ mà trên thực tế đã kích thích nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch… Trận đột phá Tua Hai và sức vang dội của nó không giới hạn ở Tây Ninh hay miền Đông Nam bộ mà trên thực tế đã kích thích nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch… Đó thực sự là cột mốc báo hiệu những trận thắng lớn của quân dân ta ở miền Nam thời đánh Mỹ”.

Đến đây, cũng không thể không nhắc đến những trang viết của một nhà lý luận chính trị cách mạng miền Nam, ông còn là một nhà văn. Đó là Trần Bạch Đằng với các bút danh Hưởng Triều, Nguyễn Trường Thiên Lý. Ông viết: “Lịch sử kháng chiến miền Nam… cho đến ngày toàn thắng, trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch quy mô hơn trận Tua Hai gấp chục, gấp trăm, gấp ngàn lần; nhưng trong lý lịch chiến công thì chiến thắng Tua Hai vẫn là bà đỡ xứng đáng được nhớ ơn- một trận đánh khai sinh. Chúng ta nói điều đó để nhấn mạnh rằng một chiến thắng đã đạt được ý nghĩa vượt xa hơn chính những số liệu mà chiến thắng ấy mang lại. Tua Hai đã đi vào lịch sử một cách hiên ngang như thế”.

Đi vào lịch sử một cách hiên ngang như thế! Cho nên, toàn bộ diễn biến, chiến lược và các ý nghĩa quan trọng của chiến thắng Tua Hai đã trình bày trong tập kỷ yếu, sau này đã được đưa vào bộ sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại tập II chương 8: Đồng Khởi- bước mở đầu cuộc chiến tranh. Sách cũng do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật in năm 2013 (các trang từ 316 đến 333). Vậy mà bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông lại quên đi mới là chuyện lạ. Đến đây mới thấy sự cần thiết phải bảo vệ những giá trị cao đẹp và tính tôn nghiêm của lịch sử.

Công việc này chắc chắn là của những người làm công tác truyền thông, các nhà nghiên cứu và của Ban Tuyên giáo. Báo chí phát hiện sai sót trên các sách báo hiện nay, kịp thời phản ánh với cơ quan có thẩm quyền và công luận. Từ đó, Ban Tuyên giáo Trung ương có sự chấn chỉnh lại công tác xuất bản. Không chỉ có những sách “nhảm nhí” được in ra như bài báo Một ấn phẩm phản cảm của tác giả Phạm Đăng đã kể ra trong số báo Tây Ninh ngày 8.10.2018; mà cả trong các sách lịch sử gần đây thì sai sót vẫn còn.

Ngay như bộ sách Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (đã kể) từng được giải sách hay quốc gia năm 2013, mà cũng có thiếu sót khi viết về cuộc chiến đấu ở Tây Ninh. Họ đã “quên” mất trận đánh chiếm núi Bà Đen đầu năm 1975, cùng diễn ra với chiến dịch Phước Long và thắng lợi cùng ngày vào ngày 7.1.1975, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử...

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, cần sự nỗ lực góp công của tất cả mọi người.

TRẦN VŨ