Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chợ phiên Cán Cấu - nét độc đáo vùng Tây Bắc 

Cập nhật ngày: 29/10/2017 - 16:07

Từ lâu, chợ phiên Cán Cấu đã nổi tiếng khắp nơi bởi sự đặc trưng của nó. Có thể nói, đây là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, mỗi phiên có tới hàng trăm con trâu được người dân và các thương lái đưa về “hội tụ” tại chợ. Bà con các dân tộc khắp nơi đổ về, có người đến đây để mua bán nhưng cũng có những người đến chợ để xem, tìm niềm vui, gặp gỡ người thân, bạn bè...

Chợ phiên đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao

Chợ phiên Cán Cấu họp ngay ven đường 153 - con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi quanh năm sương phủ.

Phía xa xa, núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, trùng điệp ngút tầm mắt. Chợ thường họp vào thứ Bảy hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm, kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa. Đến chợ chủ yếu là người các dân tộc Mông (Hoa) và Giáy.

Tầm 7 giờ sáng, phiên chợ đã khá đông đúc. Chợ được chia thành nhiều khu vực, bày bán nhiều hàng hóa từ các mặt hàng đặc sản địa phương do đồng bào vùng cao tự làm, mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ. Đó là những loại rau tự trồng, mật ong rừng, rau rừng, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng... gà bản, vịt bản, “lợn cắp nách”.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản, chợ còn bày bán thổ cẩm, quần áo may sẵn, đồ trang sức, hàng tạp hóa... Khu ẩm thực với các món ăn do chính những người dân địa phương chế biến phục vụ nhu cầu ăn uống của đồng bào đi chợ hoặc du khách đến tham quan chợ.

Một trong những cái thú khi đi chợ của đồng bào vùng cao là ngoài mua sắm những vật dụng cần thiết thì họ được cùng nhau thưởng thức những món ăn ưa thích. Phụ nữ thường rủ nhau ăn phở, ăn kem; còn cánh đàn ông lại rất khoái khẩu với món thắng cố, cùng nhau nâng bát rượu ngô nồng ấm, có khi mải vui say ngả nghiêng cả đất trời.

Tuy là chợ nông thôn nhưng hàng hóa ở chợ Cán Cấu phong phú và đủ chủng loại. Những người bản địa đến chợ như thói quen, cứ vào phiên chợ họp là bà con các bản lại rủ nhau đi chợ từ rất sớm. Họ đến chợ để mua bán, giao lưu, gặp bạn ở các bản xa tụ họp về đây, hỏi han sức khỏe, trao đổi cách làm ăn.

Vào những ngày mùa, chợ họp từ rất sớm và tan muộn hơn. Trong đó mặt hàng đặc biệt nhất, làm nên nét đặc trưng riêng có của chợ chính là trâu, bò. Mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu, bò (chủ yếu là trâu) từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Xín Mần (Hà Giang), Yên Bái cũng được đưa về đây.

Trong sản xuất nông nghiệp của người dân vùng cao hiện nay vẫn còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Do đó, chọn một con trâu tốt, có sức khỏe để cày ruộng vẫn là ưu tiên số một của nhiều người khi đến với chợ Cán Cấu.

Anh Lý Seo Tráng, một người dân xã Cán Cấu đi chợ mua trâu bảo, để chọn được con trâu tốt thì phải biết cách. Thường thì người ta phải vỗ vào mông trâu, bẹo bụng dưới để biết trâu gầy hay béo, vạch mõm con trâu ra xem răng để đoán tuổi. Giữa “rừng” trâu, người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ đến xem khiến cho chợ phiên càng thêm nhộn nhịp.

“Sàn giao dịch” trâu lớn nhất Tây Bắc

Trâu ở chợ phiên Cán Cấu chủ yếu là trâu đực, đứng đen kịt cả khu đất rộng trong chợ. Những con trâu mộng to khỏe, thân hình lực lưỡng, đen bóng, đứng im lìm, hiền lành trước những con mắt săm soi và những lời bình phẩm của người xem.

Cũng có khi chúng lại hăng máu lao vào húc nhau tạo ra những cuộc chiến khiến người đi chợ thích thú xúm vào xem quên cả nguy hiểm đến tính mạng. Vừa ngắm nghía chọn trâu, anh Giàng A Lềnh cho biết: “Phiên chợ nào chẳng có mấy con trâu mộng tuột dây xổng ra húc nhau với trâu khác. Mình đi chợ trâu Cán Cấu cũng vì muốn xem chọi trâu mà”.

Tại chợ Cán Cấu, trâu được người ta mua về để phục vụ việc cày bừa, làm giống, xẻ thịt bán hoặc được các lái trâu mua về vỗ béo rồi bán lại vào dịp chợ phiên khác. Chính từ những phiên chợ mua bán gia súc thế này đã hình thành nên nghề lái trâu, vỗ béo gia súc mang lại lợi nhuận cao cho một số người dân địa phương. Không khó để nhận ra cánh lái trâu qua vẻ bề ngoài khi người nào cũng khoác túi thổ cẩm chéo vai trước bụng.

Họ đến chợ, tìm mua những con trâu, bò bị suy dinh dưỡng, gầy yếu, thậm chí chỉ còn da bọc xương với giá rẻ chỉ từ 26 đến 28 triệu đồng một con mang về nhà chăm sóc, vỗ béo sau 4 đến 12 tháng cho trâu béo lên rồi bán lại với giá từ 40 triệu đồng trở lên. Nhờ cách làm hay này mà nhiều người đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

Dù con trâu là “đầu cơ nghiệp”, một khối tài sản lớn với những người dân tộc trên những bản làng mờ sương, nhưng việc mua bán trâu lại diễn ra khá nhanh qua hình thức giao dịch miệng. Cuộc mua bán không cầu kỳ giữa nói thách và trả giá, chuyện mặc cả chỉ để lấy may. Khi đã ưng cái bụng thì bán, không ưng thì có trả cao cũng không bán. Giá trâu dao động từ trên 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy con. Giá nghé thường ở mức trên dưới 5 triệu một con.

Đặc biệt khác với các chợ vùng cao khác, người chủ trâu khi đến với chợ phiên Cán Cấu không quá đặt nặng chuyện bán mua. Với họ, trâu bán được giá thì tốt, không được giá thì cũng không lấy làm buồn lòng, họ sẽ mang trâu đến phiên chợ sau. Có những gia đình cuốc bộ cả chục km, lùa hàng chục con trâu xuống chợ, cả phiên mới bán được một con hoặc không bán được con nào, đến cuối phiên lại lùa trâu về nhưng vẫn rất vui vẻ.

Họ coi đây là dịp để khoe trâu của nhà mình với nhà khác. Đó như là một hình thức triển lãm trâu giữa phiên chợ đặc thù. Còn những con trâu do đã quen với việc đi chợ phiên cùng chủ mỗi thứ bảy nên cứ thủng thẳng bước mà không cần chủ phải chỉ đường, hướng lối.

Đến tận quá trưa, khi mặt trời đã lên cao, chợ phiên dần tan, khá nhiều người lục tục ra về. Người mua trâu đã mua được con trâu ưng ý, cánh lái trâu cũng đã gom được số trâu cần mua lùa lên xe tải, người bán vui vẻ với khoản tiền có được. Ai nấy đều khẩn trương về nhà. Trên những con đường vắt ngang đỉnh núi, dáng những người đàn ông cùng những con trâu với tiếng mõ lộc cộc như những nét chấm phá sinh động giữa vùng non cao Si Ma Cai hùng vĩ.

Nguồn Báo Biên phòng