BAOTAYNINH.VN trên Google News

Con đường tuổi thơ

Cập nhật ngày: 12/02/2018 - 09:36

BTN - Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo. Nhà tôi ở cuối xóm. Trước đây, con đường về nhà tôi nhỏ hẹp, ngoằn nghoèo, hai bên phủ đầy tre gai và rất nhiều loại cây rừng. Cây rừng đủ loại, từ thân gỗ cao to, đến bụi nhỏ rậm rạp và nhiều thứ dây leo chằng chịt. Có những loại cây người lớn dạy cho chúng tôi gọi tên, nhưng cũng không ít loại cây chẳng ai biết tên gì.

Có loại cho gỗ làm nhà, cho củi chụm lửa, cho trái để ăn, có loại cho lá làm thuốc Nam, cho hoa hút nhuỵ, cũng có thứ làm trò chơi trẻ em... Tuổi thơ của tôi gắn liền với con đường quê hương. Những ngày đi học, tôi cùng chúng bạn đội cặp bàng rảo bước đi trên đường đến trường làng. Khi nghỉ học, chúng tôi xách ná thun, rủ nhau lang thang hai bên đường hái trái, bắn chim.

Tuổi thơ đi qua, ai cũng tất bật trong cuộc mưu sinh. Đã lâu lắm rồi, tôi rời nơi chôn nhau cắt rốn, tìm đến địa phương khác sinh sống. Dù vậy, tôi cũng thường về lại mái nhà xưa, vì nơi đó vẫn còn những người thân yêu của tôi.

Trước đây, tôi về vội, rồi cũng đi vội. Con đường vẫn như xưa, nhưng đi bằng xe máy, nên chẳng mấy khi tôi dừng lại ngắm cảnh vật hai bên đường. Do bận rộn nhiều việc, có khoảng thời gian hơi lâu, tôi chưa về thăm quê. Vừa qua, về lại quê nhà, đi trên con đường cũ, tôi thật bất ngờ và lý thú.

Đường được mở rộng hơn, mặt đường đất loang lổ, sình lầy ngày nào, giờ được “cứng hoá” bằng đá xanh nhỏ sạch đẹp. Tình cờ và cũng may mắn cho tôi, khi vừa tới đầu đường, tôi bắt gặp hai đứa trẻ, một gái, một trai. Chắc là hai chị em ruột, vì bé gái cao hơn bé trai nửa cái đầu.

Một tay bé gái cầm chiếc bánh, tay kia choàng qua cổ bé trai. Bé trai cầm chiếc bong bóng đỏ tươi. Hai bé đầu trần, chân dép đang tung tăng trên con đường sạch đẹp, mát rượi bóng cây. Thỉnh thoảng, hai bé dừng lại bên đường hái mấy trái nhãn lồng, bẻ chùm nhãn chài…

Hình ảnh ấy làm ký ức tuổi thơ của tôi chợt sống dậy. Tôi dừng xe, dõi theo hai bé đến cuối con đường. Rời xe, tôi lại tản bộ trên con đường. Thật đáng mừng, trên đoạn đường chừng hơn một trăm mét ấy, vẫn còn khá đầy đủ các loại cây rừng mọc tự nhiên mà tôi được biết từ hồi nhỏ. Đó là những cây duối cao to, thân xù xì, nhiều nhánh nhỏ, thường chỉ để làm củi. Trái duối nhỏ, vào mùa hè chín vàng, nhiều nước, ăn lờ lợ.

Trên những cây duối, vắt vẻo nhiều dây giác. Trái giác đóng thành từng chùm cũng giống như trái nho. Khi nhỏ trái màu xanh lợt, khi vừa chín tới màu đỏ hồng, và chín lâu thì màu nâu đen. Ruột giác có màu tím. Bên cạnh những cây duối là những cây mắm.

Cây có gai, trái nhỏ thì xanh, khi chín trái màu đỏ bầm, to bằng ngón chân cái. Ruột trái mắm có nhiều hột màu đen, giống như hột é ngâm nước. Hồi nhỏ, chúng tôi thường bẻ mắm chín để ăn. Thấy mắm chín rụng nhiều, tôi lượm vài trái và hỏi một cháu bé qua đường xem biết trái gì không. Cháu cũng biết đó là trái mắm, khi tôi hỏi cháu có ăn trái mắm không? Cháu cười: “Trái đó dở khẹc mà ăn cái gì!”.

Mọc xen dưới chân gốc duối, gốc mắm là những cây nhãn lòng, nhãn chài. Trái nhãn lòng và nhãn chài chắc có nhiều người biết. Đáng lưu ý ở đây cũng còn mấy bụi cây cồng cộng. Cồng cộng lá xanh mướt có răng cưa. Hoa nó mọc thành chùm đỏ tươi và dài, chúng tôi thường hay hút mật hoa cồng cộng. Cây cồng cộng dùng để làm thuốc Nam.

Trong đám cồng cộng lại xen mấy cây đủng đỉnh đang buông những chùm bông dài. Trái đủng đỉnh không ăn được, xưa kia người ta thường chặt đọt cây, đồng thời lấy bông và trái về trang trí rạp đám cưới. Trẻ em chúng tôi cũng thường bắt chước người lớn cất chòi bằng lá chuối rồi chặt đủng đỉnh làm trò chơi đám cưới…

Điều thích thú nhất là trên những cành duối cao, tôi vẫn còn nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành. Những chú chim sâu nhỏ nhắn đang cần mẫn bắt sâu bọ để bảo vệ cây cối. Ngoài chim sâu ra, trên những cành cây, chúng tôi còn thấy nhiều loại khác hay ăn trái cây chín.

Ngoài hái trái, tuổi thơ chúng tôi cùng rình rập dưới các bóng cây dùng ná thun bắn chim. Ngày nay, bận học tập và cũng có nhiều loại trò chơi, đầy đủ các loại bánh, trái ngon ngọt, nên rất ít trẻ em đi “săn bắn hái lượm” như trẻ em ngày trước…

Chia tay với con đường tuổi thơ, tôi thấy vui trong lòng. Vì con đường đã được cứng hoá đạt chuẩn đường ngỏ xóm nông thôn mới, sạch đẹp, đi lại dễ dàng. Đáng mừng hơn, những cây rừng mọc tự nhiên hai bên đường vẫn còn được giữ gìn. Ngày nay, khắp nơi đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để đạt tiêu chí giao thông nông thôn, đường xá ở khắp làng quê đều được nâng cấp mở rộng, đây là việc làm rất cần thiết. Trong quá trình mở rộng đường, nếu được, nên giữ gìn các loại cây rừng mọc hai bên đường, vừa tạo bóng mát, vừa để cho các thế hệ trẻ sau này nhận biết một số loại cây rừng ngay trên những con đường quê hương.

T.L