BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hào hùng đất và người Long Khánh 

Cập nhật ngày: 29/08/2018 - 09:48

BTN - Con đường 786 qua xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) lại có hướng từ Nam lên Bắc. Phần mặt tiền của Long Khánh khá nhỏ, chỉ chưa đầy một cây số. Ðất xã còn choàng qua bên đường, đến sát bờ rạch Bảo như chỉ để ôm chứa thêm một mái đình làng.

Đồng quê Long Khánh.

Nhưng đất phía sau của Long Khánh lại mở rộng ra, như một ngôi nhà nở hậu. Phía Ðông Nam là khoảng 5-6 cây số ven bờ rạch Bảo, làm nên những rẫy ruộng xanh ngời, mùa nào thức ấy những rau màu. Chỗ thì sum suê thuốc lá vàng, nơi lại ngăn ngắt đậm đà đồng ớt.

Nếu đi theo đường vành đai biên giới, từ phía Lợi Thuận, vừa qua cầu Thúc Múc là sang Long Khánh. Bên kia đường biên là xã No Rum. Ðất Long Khánh trải ra bên đường cũng độ 4km, rồi qua Long Phước. Còn về phía Bắc, liền đất liền ruộng là xã Long Giang.

Ngoài trục 786 mặt tiền, trục đường quan trọng nhất ở Long Khánh còn gọi là đường Bàu Nội, chính là con đường từ ngã ba có trụ sở UBND xã đi vào chùa Long Thọ. Tăm tắp thẳng gần 7km đường đá nhựa. Nhưng tới chùa mới độ hơn cây số. Chỉ cây số này thôi là thấy một trung tâm xã được đô thị hoá.

Nổi bật là ngôi trường THCS mang tên anh hùng LLVT Nguyễn Văn Ẩn, người Long Khánh. Rồi Trung tâm Văn hoá Thể thao và Học tập cộng đồng, Trạm Y tế. Hơn cây số như một đường phố nhỏ, với các cửa hàng ăn uống, dịch vụ người tấp nập vào ra. Vào giờ tan học, các em ríu rít đạp xe về những ấp xa như Long Cường, Long Thịnh.

Theo đường ấp đi vào, ta còn bắt gặp một chiếc cầu kênh nhỏ gắn biển tên cầu hai chữ Mồ Côi. Như là kỷ niệm của Long Khánh xưa một thời gian khó. Ở khoảng lưng chừng đường Bàu Nội, ta còn gặp một đường ngang cũng đã nâng cấp lên đá nhựa đàng hoàng, lối rẽ Long Giang, nẻo về Long Thuận. Thỉnh thoảng lại gặp một khóm nhà như biệt lập, nổi bật giữa đồng xanh xao xác bóng dừa…

Long Khánh có từ bao giờ? Ðến nay đã xác định được là từ năm 1845. Bởi sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, NXB Chính trị Quốc gia 2008, có mục từ Long Khánh (trang 579). Ðấy là: “Thôn thuộc tổng Giai Hoá, h.Quang Hoá, p.Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập”.

Không ai có thể hình dung, rằng đúng 100 năm sau, vào ngày 25.8.1945, miền đất này đã được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thực dân phong kiến. Toàn tổng Giai Hoá sục sôi tinh thần cách mạng, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Một bộ phận theo dòng Vàm Cỏ Ðông sang rạch Tây Ninh tham gia cùng quần chúng Thanh Ðiền lên dự mít tinh Tổng khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Tây Ninh.

Bộ phận còn lại tự giải phóng các xã, bắt đầu từ Tiên Thuận. Tại Long Khánh, chùa Long Thọ chính là nơi tập trung huấn luyện thanh niên Tiền phong, và từ đấy xuất quân khởi nghĩa. Sư trụ trì chùa là Hồng Chơn- Thiện Tín, một đệ tử của hoà thượng Từ Phong (Như Nhãn) tích cực tham gia bảo đảm hậu cần.

Chẳng bao lâu sau thì Nam bộ kháng chiến. Sách Truyền thống Cách mạng huyện Bến Cầu (BTG Huyện uỷ, 1997) chép rằng: “Hàng ngàn thanh niên nam nữ Bến Cầu với tầm vông vạt nhọn tên ná và vài khẩu súng một nòng, hai nòng đã ngày đêm canh giữ bờ cõi, trên tuyến dài 10 cây số từ ấp Truông Son (Long Khánh) đến ấp Long Hưng (Long Thuận)… Anh chị em đều đồng thanh, hào hứng hát Lên Ðàng”.

Có được sức mạnh toàn dân với khí thế hào hùng ấy, là vì Long Khánh có truyền thống cách mạng từ rất sớm. Ngay từ năm 1930 đã có nhóm Ðảng Cộng sản đầu tiên ở Giồng Nần, phát triển vận động nhân dân ở miền Giai Hoá. Hai thanh niên cách mạng đầu tiên ở Long Khánh là Bảy Son và Hai Ðộ. Ðến ngày 4.3.1931, hai ông đã trở thành đảng viên Cộng sản đầu tiên của quê hương Long Khánh, Bến Cầu.

Vượt qua cuộc kháng chiến 9 năm đầy mất mát thương đau, nhưng dày dạn chiến công rất đỗi tự hào; người Long Khánh lại điềm tĩnh bước vào cuộc kháng chiến 21 năm chống Mỹ. Nếu như giai đoạn 1954-1959, chiến tranh một phía, người Long Khánh lập ra hội Lân để hoạt động công khai kết hợp đấu tranh chính trị; thì sau Ðồng Khởi Tua Hai, Long Khánh lại kiên trì chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt với kế hoạch Stanley Taylor 18 tháng bình định miền Nam.

Năm 1962, ấp chiến lược Long Châu - Long Huỳnh do địch khởi công từ tháng 3, cứ ngày địch làm thì đêm ta phá. Lúc này, Bến Cầu còn thuộc quận Hiếu Thiện (Gò Dầu cũ). Quận trưởng Lê Văn Cừ từng thú nhận: “Ðêm 5.4.1962, Việt Cộng kéo đến bang khoảng 300m bờ thành” (sách đã dẫn). Ðến tận tháng 10, bờ thành ấp chiến lược vẫn không xong, lại tiếp tục bị: “Ðồng bào nổi dậy bang phá 375 mét bờ thành giữa lúc liên ấp này có 29 dân vệ và 48 hương vệ với 75 súng”.

Cũng sau Ðồng Khởi Tua Hai, D14 của Tỉnh đội Tây Ninh ra đời; lực lượng vũ trang huyện hình thành và các xã phát triển mạnh chiến tranh du kích. Ðến đầu năm 1962, Tỉnh uỷ Tây Ninh thành lập huyện Bến Cầu bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Ðông, với các xã của tổng Giai Hoá cũ.

Ðến năm 1963, chính quyền Sài Gòn cũng điều chỉnh địa giới hành chính, lập quận Hiếu Thiện bao gồm cả tổng này. Ta và địch luôn ở thế giằng co quyết liệt; nhất là sau khi có quân Mỹ nhảy vào thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ.

Tổng kết lại gần đây, suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, quân dân Long Khánh đã: “Tác chiến 250 trận, phối hợp đánh hàng trăm trận khác. Trên địa bàn xã, đã có 2.500 tên địch bị thương vong, 300 tên bị bắt sống, bắn rơi 4 máy bay trực thăng và bắn cháy 50 xe quân sự các loại; thu 3 súng cối 106,7 ly, 7 súng cối 80-81 ly, 5 súng DKZ 57 và hàng ngàn súng cá nhân…” (bản tóm tắt thành tích xã Long Khánh).

Ðấy là còn chưa kể đến hàng ngàn dân công hoả tuyến, hàng trăm chiến sĩ tòng quân đến khắp chiến trường; và biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của người dân. Nổi bật trong kháng chiến là chiến công của hai chiến sĩ du kích xã vào ngày 10.10.1967.

Ðấy là ở căn cứ du kích xã thuộc ấp Long Cường: “Lúc 8 giờ, 6 trực thăng đổ một đại đội biệt kích xuống bao vây, tấn công vào căn cứ. Hầu hết đội đã đi công tác, chỉ còn 2 đồng chí là Nguyễn Văn Ẩn- Xã đội phó và Nguyễn Văn A- đội viên…”- sách Ðịa chí Tây Ninh đã viết rõ hơn. Ở chi tiết đấy là quân Mỹ càn vào căn cứ.

Chỉ có 2 người, đối chọi với cả đại đội biệt kích Mỹ có trực thăng chiến đấu yểm trợ. Ðến 10 giờ thì đội viên A đã hy sinh. Chỉ còn một mình Nguyễn Văn Ẩn. Vậy mà anh đã đẩy lùi 6 đợt xung phong tiếp theo của địch.

Chỉ trong một ngày, hai người đã: “đánh bật 11 đợt xung phong của địch, diệt 30 tên, bắn rơi 1 trực thăng, bẻ gãy cuộc càn, bảo vệ an toàn căn cứ”. Nhưng, Nguyễn Văn Ẩn cũng đã hy sinh. Năm 1978, anh đã được truy tặng là Anh hùng LLVT nhân dân. Ðến nay, căn cứ du kích ấy vẫn còn và được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.

Long Khánh cũng có một di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đấy là di tích Căn cứ Bàu Rong của Ban An ninh tỉnh. Sách Di tích lịch sử văn hoá Tây Ninh viết: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961-1975) căn cứ Bàu Rong giữ một vị trí quan trọng đối với địa bàn huyện Bến Cầu…”.

Ngày 26.6.1968, bom B52 của Mỹ đã đánh trúng Căn cứ Bàu Rong, khiến 10 cán bộ chiến sĩ An ninh tỉnh, huyện đã hy sinh. Ngày nay, di tích Căn cứ Bàu Rong là một địa chỉ đỏ về nguồn cho thế hệ trẻ, cả trong và ngoài lực lượng Công an tỉnh.

Vậy là đã gần 175 năm trôi qua trên miền đất lịch sử hào hùng Long Khánh. Trên những tro tàn, gạch vỡ, làng quê Long Khánh đã trở lại màu xanh. Ðình chùa, miếu tạ lại mọc lên, có thêm những địa chỉ đỏ, những chốn tâm linh của một thời chiến đấu.

Long Khánh vẫn như một ngôi nhà nở hậu, càng vào sâu, đi xa càng thấy sự đẹp, giàu. Và con đường Bàu Nổ giống như một sợi dây liên kết quá khứ và tương lai của người Long Khánh.

TRẦN VŨ