Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Luật Chăn nuôi giúp kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch 

Cập nhật ngày: 16/02/2019 - 21:32

BTNO - Luật Chăn nuôi ra đời không chỉ góp phần vào việc bảo đảm vấn đề về môi trường mà còn giúp quản lý ngành chăn nuôi một cách có cơ sở khoa học và có định hướng rõ ràng.

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 19.11.2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. Theo đó, Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Ông Võ Văn Vinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, có một số điểm cần lưu ý, trong đó, đối tượng bị luật điều chỉnh cần quan tâm, đó là không được chăn nuôi trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Đây là điểm cơ bản mà Luật Chăn nuôi điều chỉnh sắp tới, trừ đối với động vật làm cảnh, động vật thí nghiệm.

Chăn nuôi heo trang trại- Ảnh minh hoạ

Một số vấn đề khác như: không được gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi; đáp ứng các điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi theo quy định của Luật này…

Ông Vinh cho biết thêm, trong Pháp lệnh Giống vật nuôi cũng có quy định về vấn đề này, tuy nhiên, nội dung này còn hơi xa với thực tế nên khó áp dụng, khó quản lý.

Theo Luật Chăn nuôi, điều kiện là phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi; cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học; có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật…

Đặc biệt, Luật cũng quy định đối với việc kê khai hoạt động chăn nuôi, điều này giúp cho Nhà nước quản lý tốt hoạt động chăn nuôi đi vào quy hoạch và có chiến lược trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Luật Chăn nuôi còn có những điểm mới đáng chú ý, như đơn vị vật nuôi; các quy định đối với động vật cảnh, chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi; quản lý truy xuất nguồn gốc…

Ông Vinh cho biết, thời gian qua, vấn đề giống vật nuôi được giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên không có cơ sở để xử phạt, lý do là chưa có một quy định cụ thể, rõ ràng khiến cho ngành gặp không ít khó khăn. Luật Chăn nuôi ra đời không chỉ góp phần vào việc bảo đảm vấn đề về môi trường mà còn giúp quản lý ngành chăn nuôi một cách có cơ sở khoa học và có định hướng rõ ràng.

Đối với thị trường, khi đưa Luật Chăn nuôi vào sẽ dễ quản lý quy hoạch. Quản lý quy hoạch tốt thì sản lượng đầu ra không lúc trồi, lúc sụt; đồng thời các quy định về truy xuất nguồn gốc sẽ đáp ứng được yêu cầu của tình hình thị trường hiện nay, nhất là thị trường thế giới.

Nếu áp dụng đúng Luật, tất cả sản phẩm chăn nuôi của nước ta có thể truy xuất được nguồn gốc và đó cũng là điều kiện kiên quyết để có thể đi vào một số thị trường khó tính.

Trúc Ly