Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một cánh đồng phì nhiêu đang chờ được đầu tư 

Cập nhật ngày: 28/12/2016 - 10:03

BTNO - (BTNO) - Xã Thanh Điền, huyện Châu Thành có một vùng đất trồng lúa rộng gần một ngàn ha thuộc hai ấp Thanh Hoà và Thanh Trung. Vùng đất này đặc biệt thích hợp với cây lúa. Lúa trồng ở đây cho năng suất, chất lượng hơn hẳn những nơi khác. Nếu được đầu tư thoả đáng, đặc biệt là vấn đề thuỷ lợi, vùng đất này sẽ là nơi chuyên canh trồng lúa thương phẩm chất lượng cao.

 

Cánh đồng ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền. Ảnh: P.TK

VÙNG ĐẤT “THƯỢNG ĐẲNG ĐIỀN”

Vùng đất nói trên có tên gọi là cánh đồng Hãng Đường, không rõ tên gọi này xuất hiện từ bao giờ, có người nói từ thời Pháp thuộc - lúc người Pháp xây dựng một nhà máy đường ở đây. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thanh Điền cho biết, đất ở cánh đồng Hãng Đường cực tốt, rất phù hợp cho việc trồng lúa. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất phì nhiêu này, Đảng uỷ xã Thanh Điền đã đưa vấn đề phát triển cây lúa ở khu vực Hãng Đường vào nghị quyết, theo đó, nơi đây sẽ trở thành vùng chuyên canh cây lúa quy mô lớn. Theo đề xuất của địa phương và của lãnh đạo huyện Châu Thành, cách nay ít hôm, lãnh đạo tỉnh đã đến cánh đồng Hãng Đường khảo sát. Hiện tại, người dân có đất ở cánh đồng này đang chuẩn bị gieo trồng 50 ha giống lúa chất lượng cao.

Ông Lê Phương Thi, một nông dân có đất ở cánh đồng Hãng Đường nhận định, trên địa bàn huyện Châu Thành, thậm chí cả tỉnh Tây Ninh không có nơi nào đất tốt, phù hợp với cây lúa như ở khu vực này. “Đóng hai bao lúa đầy như nhau nhưng bao lúa gieo trồng ở cánh đồng Hãng Đường bao giờ cũng nặng hơn bao lúa trồng ở nơi khác từ 5 đến 7kg, vì hạt lúa của nơi này rất “chắc” gạo. Thương lái rất thích mua lúa ở vùng này”- ông Thi nói.

Đất ở cánh đồng Hãng Đường là đất sét, nước sông có quanh năm nên cây lúa phát triển tốt. Có những vụ lúa đạt năng suất hơn 8 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. “Ngày xưa người Pháp tìm đến khu vực này trồng mía và mở nhà máy đường nên gọi là cánh đồng Hãng Đường. Tôi nghe nói, cây mía trồng ở đây cây nào cũng lớn hơn cổ tay” - ông Thi kể và nhận định - “Nông dân chúng tôi rất khoái vùng đất này, nếu được đầu tư thoả đáng, gần 1.000 ha đất sẽ cho ra sản lượng lúa rất lớn, chẳng những vậy chất lượng gạo còn cao nữa. Thậm chí, có thể biến cánh đồng Hãng Đường thành nơi chuyên cung ứng lúa giống chất lượng cao cho nhiều địa phương khác”.

“Trong đợt này, 50 hội viên Hội Nông dân xã sẽ tham gia mô hình trồng lúa chất lượng cao”, đại diện Hội Nông dân xã Thanh Điền cho biết. Theo vị cán bộ Hội này, những hộ dân tham gia mô hình tại khu vực Hãng Đường được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ 100% lúa giống, 30% vật tư và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc lúa. Hiện tại, những hộ dân tham gia mô hình đã nhận giống, phân bón, làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân năm 2017. Qua nhiều năm sản xuất cho thấy, cánh đồng Hãng Đường luôn là nơi cho năng suất lúa cao nhất huyện Châu Thành, bình quân đạt trên 7 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, lúa trồng ở đây được thương lái miền Tây thu mua, chế biến và xuất khẩu.

CẢI TẠO KÊNH, XÂY ĐÊ BAO

 Nhưng, để vùng đất tiềm năng nói trên có thể phát triển, có một vấn đề lớn đặt ra: thuỷ lợi. Một vị cán bộ phụ trách công tác thuỷ lợi, giao thông của xã Thanh Điền cho biết, toàn khu vực này gồm mười sáu tuyến kênh, có chức năng dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào ruộng. Hệ thống kênh có từ thời Pháp, đến nay nhiều con kênh đã bị bồi lắng. “Hiện có bốn trong số mười sáu tuyến kênh cần nạo vét để khơi thông dòng chảy.

Về cơ bản, hiện tại, hệ thống kênh vẫn bảo đảm nhu cầu tưới, tiêu nhưng ở khu vực này kênh mương không chỉ có chức năng tưới tiêu mà còn là nơi cho tàu thuyền của thương lái vào thu mua lúa. Do một số tuyến kênh bị bồi lắng, trong mấy vụ sản xuất vừa qua, nhiều tàu thuyền của thương lái không vào được tận nơi để thu mua, vận chuyển lúa. Ách tắc dòng chảy cộng với hiện tượng bồi lắng, giao thông đường thuỷ bị hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Có không ít trường hợp nông dân phải chấp nhận hạ giá lúa vì tàu thuyền không thể “cập bến” tận ruộng của họ.

Ngày 11.8.2016, mười ngày sau khi Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo huyện Châu Thành, ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện đã ký văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xin chủ trương cải tạo hệ thống kênh ở cánh đồng Hãng Đường. Văn bản của UBND huyện Châu Thành có đoạn: “UBND huyện Châu Thành xác định từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Châu Thành vẫn là huyện nông nghiệp, trong đó cây lúa vẫn là một trong những cây trồng chủ lực.

Trên địa bàn hai xã Thanh Điền và An Bình có khu vực cánh đồng Hãng Đường với diện tích 900 ha nằm ven sông Vàm Cỏ Đông. Khu vực này trước đây được người Pháp xây dựng hệ thống kênh thuỷ lợi hoàn chỉnh phục vụ tưới, tiêu, vận chuyển vật tư. Hiện tại, người dân hai xã Thanh Điền và An Bình đang sản xuất lúa. Hầu hết các tuyến kênh ở đây bị bồi lắng, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất. Đây là khu vực đất tốt, nếu hệ thống kênh được cải tạo sẽ góp phần sản xuất hai vụ lúa và có thể tăng lên ba vụ mỗi năm. Đây sẽ là vùng lúa thương phẩm chất lượng cao của huyện”.

CÓ NÊN LÀM VỤ 3 ?

Theo ý kiến của một số người dân có đất ở khu vực này, ngoài chuyện cải tạo hệ thống kênh, nên xem xét xây dựng một tuyến đê bao. Vì nếu không có đê bao, chỉ cải tạo kênh thì chưa hoàn toàn làm chủ được chuyện cung cấp nước cho cây lúa. Theo đề xuất của các bậc “lão nông tri điền”, các cơ quan hữu quan có thể nghiên cứu làm một tuyến đê bao bắt đầu từ đầu cầu Gò Chai chạy một đường vòng cung đến đường huyện 10 thuộc địa phận ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền. Chiều dài vòng cung khoảng 5 - 6km này sẽ khống chế được thuỷ triều từ sông Vàm Cỏ Đông. Đây là điều kiện cần và đủ để sản xuất vụ 3.

Theo tính toán của người dân, kinh phí để làm đê bao cho khu vực Hãng Đường thấp hơn nhiều khu vực khác vì chỉ phải làm “chưa tới một vòng cung”, các bên còn lại không phải thi công bởi đã có “đê bao tự nhiên”. Do khu vực này chưa có đê bao, năm nay mưa lại nhiều nên hiện tại một phần lớn diện tích đất ở khu vực Hãng Đường đang ngập nước, bà con nông dân chưa thể xuống giống, kể cả mô hình trồng 50 ha lúa chất lượng cao (đã nêu ở phần trên) cũng chưa thể triển khai dù đã gần hết tháng 12. Theo tính toán, nếu thời tiết, giá cả, năng suất ổn định, mỗi vụ, một ha lúa ở cánh đồng Hãng Đường người trồng có thể lãi được 15 triệu đồng. Diện tích đất ở khu vực này thuộc địa bàn xã Thanh Điền là 820 ha. Ngay cả khi vụ lúa thứ 3 không cho năng suất cao như hai vụ trước thì lợi nhuận cũng chỉ giảm chút ít, hiếm khi lỗ.

Trong số 900 ha đất trồng lúa ở khu vực Hãng Đường, xã Thanh Điền chiếm 820 ha, phần diện tích thuộc xã An Bình chưa đến 100 ha và nằm ở ngoài rìa.

Mặt khác, một vụ lúa, từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 90 ngày, như vậy, đất đai vẫn được nghỉ ngơi. Nếu vụ lúa thứ 3 được tổ chức sản xuất sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như tạo công ăn việc làm cho người nông dân, giảm thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập. “Vùng đất phì nhiêu, lúa cho năng suất cao như thế này mà chỉ trồng được hai vụ là lãng phí”– ông Lê Phương Thi tỏ ý “lấy làm tiếc” vì chưa có đê bao.

Xoay quanh về sáng kiến đề xuất làm đê bao và tăng thêm một vụ lúa ở cánh đồng Hãng Đường, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành phân tích, làm đê bao và sản xuất lúa vụ 3 cũng tốt, song vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Nếu sản xuất vụ lúa thứ 3, đất đai không được nghỉ nhiều, điều này có thể làm cho năng suất lúa giảm, sâu bệnh phát triển. Còn nếu làm đê bao, nước sông không tràn vào được sẽ khiến cho việc tháo chua rửa phèn trở nên khó khăn hơn.

Theo ý kiến của ông Hiếu, vùng đất Hãng Đường rất tốt, địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh mương đã có, chỉ cần cải tạo lại là được. Tuy vậy, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, đầu ra cho sản phẩm lúa gạo, cho dù là gạo có phẩm cấp cao, vẫn là một vấn đề lớn.

Hồi tháng 5.2016, báo Tây Ninh đăng bài “Xây dựng vùng lúa chất lượng cao: Tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo”. Nội dung bài viết thông tin về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh vừa hoàn chỉnh bản dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao”. Các số liệu trong bài viết thể hiện năng suất lúa bình quân của tỉnh trong 5 năm gần đây khoảng 50,88 tạ/ha. Năng suất này vẫn còn thấp so với năng suất bình quân của cả nước (56 tạ/ha) và của đồng bằng sông Cửu Long (57,3 tạ/ha).

Nguyên nhân do trong sản xuất lúa vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải khắc phục như sản xuất nhỏ lẻ, tản mạn, ít tập trung thành vùng chuyên canh. Đồng thời về kỹ thuật, hiện nay vẫn còn nhiều hộ nông dân tự để giống dẫn đến giống lúa bị lẫn tạp, kém chất lượng; nông dân còn sử dụng nhiều chủng loại giống trên một cánh đồng làm cho hạt gạo không đồng nhất về chất lượng, kích cỡ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; cơ sở vật chất chế biến, bảo quản lúa gạo không đáp ứng yêu cầu.

Dữ liệu thông tin vừa dẫn chứng chứng minh rằng, so với nhiều nơi khác trong tỉnh, khu vực Hãng Đường thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành thật sự có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao. Với những lợi thế như vậy, việc đầu tư cải tạo hệ thống kênh dẫn nước và cả đê bao (nếu cần) là điều cần được xem xét ưu tiên. Theo tính toán, khoản kinh phí để cải tạo hệ thống kênh và làm đê bao cũng không phải là quá lớn. Thanh Điền là xã nông thôn mới nhưng thu nhập của người dân chưa hẳn đã cao, do đó, đầu tư cho nông nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân mới chính là đầu tư có hiệu quả. Đó cũng là một hướng đi cụ thể, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

VIỆT ĐÔNG


 
Liên kết hữu ích