BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ cá đồng nướng trui 

Cập nhật ngày: 03/03/2018 - 16:10

BTN - Chắc ai cũng biết món cá đồng nướng trui được xem là đặc sản của miền Tây Nam bộ. Không là dân miền Tây, và là con nhà nghèo nhưng hồi nhỏ anh chị em tôi cũng được ăn thường xuyên món đặc sản này, nhất là vào những ngày tết.

Ngoài bữa cơm rước ông bà, vào ngày cuối năm, ba tôi mua chút ít thịt ba rọi về kho và luộc (hồi đó thịt ba rọi rẻ hơn thịt đùi rất nhiều), nên mấy ngày tết sau đó nhà tôi ăn cá là chính. Cá kho, cá chiên, cá nấu canh… và tất nhiên không thiếu món cá nướng trui.

Cá lóc, cá rô nướng trui cuốn bánh tráng, rau sông chấm nước mắm củ kiệu thì ngon hết biết. Món ngon nhớ đời này, hồi nhỏ chúng tôi ăn thoả thích trong ba ngày tết, bởi nó quá rẻ. Vì cá thì tự tay anh em tôi bắt, rau sông sẵn có ngoài bờ rạch tha hồ mà hái, còn bánh tráng thì xúc gạo nhà đem đi đặt người ta làm.

Hồi đó, dòng rạch quê tôi nhỏ hẹp nhưng nước còn trong và sạch. Ngoài dòng rạch chính, còn có nhiều con rạch nhánh ăn sâu ra các cánh đồng. Hai bên bờ rạch chính, cũng như những con rạch phụ mọc đầy cây cỏ hoang dại và có rất nhiều loại rau sông.

Ven các con rạch là cánh đồng trũng gọi là lung, láng. Cao hơn lung, láng một chút và có bờ bao là những đám ruộng lầy - quanh năm ngập nước, sình lầy sụp lún, trâu bò không thể cày, bừa được. Để dọn ruộng cấy lúa, nông dân phải dùng phảng phát năn, chặt cỏ. Cao hơn ruộng lầy là ruộng gò, đất dẽ, mùa nắng khô cạn. Khi mưa xuống, để chuẩn bị cấy lúa, nông dân bắt trâu hoặc bò cày, bừa, trục…

Dù là lung, láng, hay ruộng lầy, ruộng gò thì mỗi năm cánh đồng quê tôi cũng chỉ sản xuất có một vụ lúa mùa. Điều đặc biệt là dưới dòng rạch và những lung, láng, ruộng lầy ngày ấy có rất nhiều loại cá. Bà con quê tôi, dĩ nhiên trong đó có gia đình tôi quanh năm lúc nào cũng có thể đánh bắt cá.

Tuỳ theo mùa, tuỳ con nước, ngư cụ và sở thích mà người ta có cách đánh bắt cá khác nhau. Dễ đánh bắt nhất trong năm là vào tháng Chạp. Sau mùa nước lụt và khi xong vụ thu hoạch lúa mùa, ruộng gò bắt đầu cạn nước, cá dồn xuống ruộng lầy, lung, láng, rạch. Mọi người tha hồ đánh bắt, nhất là vào những lúc con nước ròng mùng mười và hai mươi lăm tháng Chạp.

Hồi đó, cứ vào ngày đưa ông Táo về trời là học sinh được nghỉ tết. Trẻ em con nhà khá giả thường đi chơi và mua sắm đồ tết. Còn trẻ em nghèo khó và mồ côi mẹ như anh em tôi, tết là khoảng thời gian quý báu để cải thiện bữa ăn.

Hai mươi bốn, hai mươi lăm và hai mươi sáu tháng Chạp là thời điểm nước dưới rạch cạn nhiều nhất sau mùa mưa lụt, nên cá rất nhiều. Những người có ruộng lầy, lung láng thì đi khai ruộng, khai lung bắt cá, còn những người không có ruộng thì xuống rạch đổ chà, giậm dấu, bắt mò, xúc mé, vạch dứa…

Dân đánh bắt cá chuyên nghiệp thì quăng chà, kéo vó. Anh em tôi còn nhỏ, có cách đánh bắt cá riêng của mình. Ở độ tuổi mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm… chúng tôi vẫn nhỏ thó, nhỏ hơn đám trẻ trang lứa rất nhiều. Nhưng anh tôi rất nhanh nhẹn và lặn lội giỏi như rái cá.

Sức khoẻ cũng dẻo dai, anh bắt cá suốt ngày không biết mệt. Sáng sớm anh chỉ ăn vội vài chén cơm nguội với cá kho, rồi khoác áo tời, quần đùi, nón nỉ cũ, vai mang đụt, tay xách nơm, kèm theo lưỡi liềm xăng xái ra rạch. Lúc này cặp hai bên bờ rạch phụ bắt đầu cạn nước, anh tôi men theo bờ rạch tìm dấu cá lẫn trốn trong các bụi cỏ, gốc dứa, hoặc trong hang…

Thấy có dấu cá là anh cắt lá dứa, vạch cỏ, mò bắt. Con cá nào vọt ra khỏi hang là bị chụp nơm liền, khó có con nào thoát khỏi tay anh. Cá anh tôi bắt được toàn loại ngon như cá lóc, tràu chua (nhỏ hơn cá lóc một chút), rô mề, trê nù…

Đến trưa, khi nước lên đầy rạch và cá bắt được cũng đã đầy đụt, anh tôi quảy nơm, đụt lếch thếch trở về. Về đến nhà, chị tôi lấy lu rọng cá. Còn anh để nguyên bộ đồ bùn sình như vậy, ăn vội bữa cơm trưa, ăn xong lại xách nơm đụt tới những chỗ người ta khai ruộng để bắt cá hôi.

Phần tôi lúc ấy chưa đủ sức long rạch, vạch dứa, nên chỉ tham gia việc bắt cá hôi. Đó là chờ cho chủ ruộng bắt cá xong, mới xuống tìm bắt mớ cá còn sót lại. Tuy bắt hôi nhưng anh em tôi cũng tóm được nhiều cá ngon, nhất là ở những đám ruộng nhiều sình lầy.

Con cá ở ruộng, nhất là rô mề, cá lóc, trê nù… cũng rất khôn. Khi ruộng bị khai cạn nước, chúng chúi thật sâu trong bùn. Chỉ cần chịu cực long sình, mò sâu xuống là tóm được. Nhỏ như tôi không lặn ngụp trong sình bùn mò cá được thì kiên trì chờ bắt cá ngóc đầu.

Nghĩa là tìm một chỗ bùn nhiều rồi cứ đứng im một chỗ. Lũ cá sau khi chúi sâu, nằm im trong bùn vài giờ, chúng sẽ ngộp thở, bắt đầu cựa quậy và ngóc đầu lên thở. Cá lóc đưa vành mỏ và cặp mắt thao láo đờ đẫn lên, còn cá trê thì phô đùm râu, bọn cá rô chỉ ló lên nửa cái mỏ nhọn…

Chờ có vậy là tôi úp nơm bắt lấy. Sau đó lại quần đảo những chỗ khác tìm bắt tiếp. Chiều về, tôi cũng có được khá nhiều cá. Cá bắt về được chị tôi đổ ra rổ lựa. Cá ngon và còn mạnh khoẻ thì rọng để dành ăn tết: một lu cá lóc, một lu cá trê và một lu cá rô.

Còn mớ cá ngộp chị làm sạch đem muối để làm mắm. Trong lúc chị làm cá thì anh em tôi tắm rửa. Chiều cận tết, tắm xong gặp gió lành lạnh, anh em tôi gom rơm khô đốt lửa vừa hơ vừa nướng trui mấy con cá để dầm nước mắm ăn cơm chiều.

“Thời gian biểu” của anh chị em tôi trong ba ngày hai bốn, hai lăm, hai sáu tháng Chạp là như vậy. Đến ngày hai bảy, hai tám và hai chín, con nước lớn đầy rạch; lung, láng cũng ngập nước. Sau mấy ngày nước cạn sát rạch, cá trốn chui, trốn nhũi, con nào thoát chết thì cũng đói meo.

Khi nước ngập trở lại, chúng mừng vui tung tăng bơi lội trên lung, láng tìm mồi. Chờ có thế, anh em tôi một lần nữa ra tay lùng sục để kiếm ăn. Anh em tôi chuyển sang đánh bắt cá bằng cách kéo tre. Kéo tre là cách đánh bắt rất đơn giản.

Dụng cụ là một cây tre khô dài khoảng mười thước, một (hoặc hai) cái nơm và tất nhiên phải có đụt đựng cá. Khi lung, láng nước ngập từ đầu gối cho đến lưng quần đều có thể kéo tre được. Cây tre khô dài cột dây chuối ở hai đầu, anh em tôi mỗi đứa một đầu long dưới láng, kéo ngang nó trên mặt nước.

Mắt nhìn ngược về phía sau, khoảng giữa cây tre. Khi cây tre kéo qua tạo tiếng động, lũ cá hoảng hốt chúi xuống bùn và “bựng tim” lên (sủi bọt nhanh). Cá càng lớn chúi càng mạnh, càng làm sủi bọt nhiều. Khi thấy bựng tim là chúng tôi dừng lại ngay, cầm nơm đến đó úp xuống, nhận sâu xuống bùn, rồi mò bắt cá. Kéo tre bắt được toàn cá lựa (tràu bự, rô mề). Đi đúng buổi, đã mỏi chân và đụt cũng đã đầy, anh em tôi lại chèo xuồng trở về.

Nhà tôi cửa nẻo trống trải lại quay về hướng Nam, phía trước là dòng rạch, bên kia rạch là cánh đồng ruộng. Ngày mùng một, mùng hai, mùng ba tết, buổi sáng sớm, gió thẳng hướng vào nhà. Anh chị em tôi thiếu mền, thiếu áo ấm nên phải dậy sớm, đi gom rơm khô đốt lên để hơ và nướng trui mấy con cá.

Trời sáng bạch, chị tôi làm nước chấm, cạo tro cá, nhúng bánh tráng, còn anh em tôi vội ra bờ rạch hái một ít rau. Thế là nhà có một bữa đặc sản ngon lành ngày tết.

Mùng bốn, mùng năm, mùng sáu tết, trẻ em nhà khá giả vẫn còn vui xuân. Lúc này nước dưới rạch và các lung, láng vẫn còn nhiều. Anh em tôi lại tranh thủ thời gian, tiếp tục đi kéo tre kiếm cá về rọng để dành ăn dần. Rồi cũng hết kỳ nghỉ tết, chúng tôi cùng bao đứa trẻ khác lại cắp sách đến trường.

Những cái tết trong nhiều năm liền của anh chị em tôi là thế. Rồi chúng tôi lớn lên, trưởng thành, ai có công việc nấy. Dòng rạch chính quê tôi giờ sâu hơn, rộng hơn xưa rất nhiều, vì được Nhà nước đầu tư làm thuỷ lợi. Những dòng rạch nhánh thì vẫn như cũ nhưng nước dưới rạch lúc nào cũng ngầu ngầu đục. Cá rô, cá tràu, cá trê… ngày càng khan hiếm. Lâu lắm rồi tôi chưa được ăn món “đặc sản” của thời niên thiếu.

Những ngày sau tết, sáng sớm gió xuân từ ngoài đồng ruộng bên kia dòng rạch vẫn liu riu thổi vào nhà. Nay thì gian nhà cũ đã cửa nẻo kín đáo, không ai phải dậy sớm đốt rơm hơ như xưa nữa. Bên tách trà nồng ấm những ngày sau tết, tôi bỗng nhớ và thèm vô cùng một bữa cá đồng nướng trui cuốn bánh tráng, rau sông chấm nước mắm củ kiệu- như ngày nào còn bé dại...

Tạp văn của T.L