BAOTAYNINH.VN trên Google News

53 tỷ đồng bình ổn thị trường

Cập nhật ngày: 07/01/2013 - 05:34

(BTNO)- Theo Sở Công thương, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu từ ngày 1.6.2012 đến ngày 15.3.2013, đến nay Sở Công Thương đã nhận được thông tin đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường của 7 đơn vị. Có 6 mặt hàng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường là sách giáo khoa, sách vở bài tập; gạo; đường; thịt heo, thịt gà và sữa. Tổng nguồn vốn dự kiến dự trữ hàng hóa là 53 tỷ đồng.

Thịt heo là một trong những sản phẩm được bán bình ổn giá trong dịp tết

Hiện có 3 đơn vị không nhận vốn hỗ trợ của chương trình, gồm: Công ty TNHH Lương thực thành phố Hồ Chí Minh - Chi nhánh Tây Ninh (tham gia bình ổn thị trường với số lượng 500 tấn gạo); Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá các sản phẩm sữa trên toàn quốc; Sở Y tế tổ chức đấu thầu giá thuốc trị bệnh nên hiện giá bán thuốc tại các cửa hàng, đại lý trực thuộc luôn thấp hơn so với cửa hàng thuốc tư nhân và giá đấu thầu này được thực hiện đến hết năm 2013.

Có 3 đơn vị nhận vốn hỗ trợ của chương trình, với tổng vốn hỗ trợ trên 9,26 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty cổ phần Sách - thiết bị giáo dục Tây Ninh đăng ký tham gia chương trình bình ổn là mặt hàng sách giáo khoa, sách bài tập với số lượng dự trữ 99.000 bộ và được hỗ trợ với số tiền trên 5,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh đăng ký tham gia bình ổn mặt hàng đường với số lượng dự trữ là 100 tấn và được hỗ trợ với số tiền 1,7 tỷ đồng; Công ty TNHH-TMDV Sài Gòn - Tây Ninh đăng ký tham gia chương trình bình ổn mặt hàng thịt heo các loại với số lượng dự trữ là 30 tấn, được hỗ trợ với số tiền trên 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức đưa các phiên chợ hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở vùng nông thôn, biên giới; phối hợp với UBND các huyện, Thị xã tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức những chuyến bán hàng lưu động bình ổn giá và các điểm bán hàng cố định trên địa bàn các huyện, Thị xã và các khu, cụm công nghiệp vào các dịp lễ, tết.

Thông qua các chương trình bình ổn thị trường, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hướng sự quan tâm của các nhà sản xuất vào phát triển và mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường nông thôn, tạo được mối liên kết giữa nhà sản xuất, phân phối hàng hóa và người tiêu dùng trên địa bàn.

HOÀNG THI