BAOTAYNINH.VN trên Google News

DN chế biến hạt điều gặp nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 14/08/2011 - 10:23

(BTNO) - Theo Sở Công thương, năm 2009 Tây Ninh có 3.434 ha điều. Đến năm 2010, diện tích cây điều chỉ còn 2.623 ha (giảm 811 ha so với năm 2009). So với năm 2005, diện tích trồng điều ở Tây Ninh hiện nay giảm gần 3.000 ha.

Diện tích cây điều bị giảm mạnh hoặc tăng qua các giai đoạn có phần do tác động từ các loại cây trồng khác như mì, cao su và mía. Khi các loại cây trồng trên “có giá” thì diện tích cây điều bị “lấn sân”. Ngược lại, khi lợi nhuận từ việc trồng cao su, mì, mía không cao thì diện tích cây điều “nhích” lên. Cụ thể, giai đoạn 1995- 2000, diện tích cây điều giảm 11,12% mỗi năm; sản lượng giảm 13,93%/năm. Giai đoạn 2001- 2005, diện tích cây điều tăng 5,94% mỗi năm, sản lượng tăng 8,87%/năm. Đến giai đoạn 2006- 2010, diện tích cây điều lại giảm 13,94% mỗi năm, sản lượng giảm 2,72%/năm.

So với cả nước, diện tích cây điều Tây Ninh hiện chiếm chưa đến… 1%; sản lượng hạt điều thô chiếm 1,67%. Dù vậy, cây điều Tây Ninh cho sản lượng cao hơn mức bình quân cả nước, đạt khoảng 8,6 tạ/ha.

Do nhiều khó khăn, đã có một số doanh nghiệp chế biến hạt điều phải tạm ngưng hoạt động.

Đến cuối năm 2010, Tây Ninh có 14 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều, nhiều nhất là ở Thị xã (9 doanh nghiệp, cơ sở). Tổng công suất chế biến hạt điều của Tây Ninh đạt khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm (tương đương 95.000- 100.000 tấn hạt điều nguyên liệu thô).

Như vậy, so với công suất chế biến, sản lượng thu được tại vùng nguyên liệu tại chỗ có sự chênh lệch quá lớn. Bình quân, mỗi ha điều cho năng suất 860kg/ha, nhân với diện tích trồng (tính đến thời điểm năm 2010) là 2.623 ha, sản lượng hạt điều thô của Tây Ninh hiện ở khoảng 2.255 tấn/năm- một con số rất “khiêm tốn” so với công suất chế biến. Do đó, các doanh nghiệp ở Tây Ninh phải liên tục tìm nguồn nguyên liệu “đầu vào” bằng cách nhập khẩu hạt điều thô ở một số nước châu Phi, Campuchia và mua ở tỉnh khác.

Sản phẩm sau chế biến hạt điều ở Tây Ninh là dầu hạt điều, công suất chế biến khoảng 750 tấn dầu năm. Dù trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Tây Ninh đã đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới trong chế biến nhưng Sở Công thương nhận định, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hiện chỉ mới ở mức trung bình so với các doanh nghiệp trong khu vực và cả nước. Đến nay, khâu chế biến thủ công còn chiếm trên 30% quá trình sản xuất.

Sản phẩm chế biến từ hạt điều ở Tây Ninh được tiêu thụ một phần trong nội địa, còn lại trên 50% xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm hạt điều trong giai đoạn 2006- 2010 đạt 17,5%/năm; sản lượng xuất khẩu tăng 15,43%/năm. Năm 2010, lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu ở Tây Ninh chiếm 4,71% cả nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Tây Ninh và trong nước nói chung có thuận lợi lớn là giá hạt điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao. Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, giá nguyên liệu và các chi phí sản xuất (phí vận chuyển, nhân công, nhiên liệu, điện…) tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trước. So với thời điềm đầu năm 2010, hiện chi phí sản xuất mỗi tấn hạt điều nhân tăng đến 1.300 USD. Bình quân, giá thành sản xuất hạt điều nhân đã lên đến 180.000 đồng/kg. Do nhiều khó khăn, đã có một số doanh nghiệp chế biến hạt điều phải tạm ngưng hoạt động.

HOÀNG THI