BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hôm nay (9/6), Quốc hội thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm 

Cập nhật ngày: 09/06/2023 - 09:08

Ngày 9/6, Quốc hội nghe các báo cáo và tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)...

Hôm nay (9/6), Quốc hội thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong ảnh: Quốc hội họp phiên toàn thể ngày 8/6.

Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

* Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau 10 năm áp dụng, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Luật và các văn bản dưới Luật đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai đã phát sinh thêm nhiều vấn đề mới từ đó bộc lộ một số điểm thiếu sót, bất cập.

Cụ thể, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra những vướng mắc trong Luật Đất đai, gây cản trở quá trình phát triển, nhiều nội dung quy định không cập nhật tình hình phát triển đất nước như: tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật điều chỉnh quan hệ có liên quan đến đất đai; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thủ tục hành chính, thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…

Vì vậy, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội. Bàn về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, đề cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời bảo đảm công bằng trong các quy định liên quan đến giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá đất.

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, đã có 12.107.457 lượt ý kiến, các nội dung được nhân dân quan tâm tập trung góp ý nhiều nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (1.227.238 lượt ý kiến); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.064.464 lượt ý kiến); tài chính đất đai, giá đất (1.035.394 lượt ý kiến); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (1.008.494 lượt ý kiến).

Việc tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu tiếp thu, giải trình.

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 6-7/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nội dung cơ bản.

Nguồn baoquocte