BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hơn 50 tỷ đồng hàng hoá bình ổn thị trường

Cập nhật ngày: 14/06/2013 - 03:50
HTML clipboard

Mặt hàng rau, củ, quả cũng được dự trữ bình ổn giá

(BTN) - UBND tỉnh Tây Ninh cho biết vừa ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu từ nay đến 15.3.2014.

Những mặt hàng thiết yếu được chọn thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường là gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà, rau, củ, quả. Mặt hàng được chọn phải bảo đảm các điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác có liên quan khi đưa vào lưu thông. Tỉnh ưu tiên cho những doanh nghiệp có vốn trong nước sản xuất. Những mặt hàng đã được Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá trong phạm vi cả nước thì tỉnh chỉ xem xét để hỗ trợ kinh phí nếu có yêu cầu hoặc thật sự cần thiết.

Kế hoạch này dự kiến phục vụ cho khoảng 1,25 triệu người, gồm trên 1 triệu dân Tây Ninh và một số khách vãng lai. Theo tính toán của ngành chức năng, lượng hàng thiết yếu được tiêu thụ mỗi tháng tại Tây Ninh là: 12.500 tấn gạo; 640 tấn đường; 320.000 lít dầu ăn; 1.300 tấn thịt gà; 1.950 tấn thịt heo; 5,2 triệu trứng gà; 60 tấn rau, củ, quả. Từ số liệu trên, tỉnh đề ra kế hoạch dự trữ hàng hoá để bình ổn thị trường nhằm dự trữ đủ nguồn hàng, chủng loại với giá bán lẻ ổn định: 500 tấn gạo; 200 tấn đường; 64.000 lít dầu ăn; 130 tấn thịt gà; 292,5 tấn thịt heo; 780.000 trứng gà; 60 tấn rau, củ, quả. Tổng giá trị hàng hoá dự trữ bình ổn thị trường trong giai đoạn này là trên 50 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh, do mặt hàng gạo đã nằm trong chương trình bình ổn quốc gia, tỉnh chỉ can thiệp khi xảy ra đột biến, phạm vi nhỏ nên đề xuất dự trữ thấp. Đường và dầu ăn là hàng hoá có thể dự trữ trong thời gian dài và có thể đưa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên có lượng dự trữ tương đối lớn. Thịt heo, thịt gà và trứng khó bảo quản nên lượng dự trữ ít hơn.

Khi giá cả hàng hoá trên thị trường tăng thì hàng bình ổn vẫn được bán với giá “bình ổn” trong khoảng 2, 3 tháng rồi mới được điều chỉnh tăng giá. UBND tỉnh yêu cầu giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình phải thấp hơn ít nhất từ 5 – 10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm đối với hàng hoá cùng loại, cùng quy cách, cùng chất lượng. Trong trường hợp có xảy ra đột biến về giá cả hàng hoá tại một vài khu vực, hàng bình ổn sẽ nhanh chóng được đưa đến để điều tiết.

Như vậy, hàng bình ổn có 2 nhiệm vụ: định hướng giá cả thị trường, làm cho giá thị trường tăng chậm hoặc không tăng và chống đột biến giá nhất thời. Ngoài ra, việc Nhà nước hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá còn có tác động quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, giảm chi phí, giảm trung gian trong lưu thông.

Trước đó, vào tháng 6.2012, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu từ 1.6.2012 đến 15.3.2013 với tổng giá trị 53 tỷ đồng. Kế hoạch này đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất biến động giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá giả tạo. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng, trong đợt này, công tác bình ổn thị trường vẫn còn một số hạn chế; chưa có giải pháp tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối và điểm bán hàng bình ổn, nhất là tại các chợ, vùng sâu, vùng xa, các khu - cụm công nghiệp. Việc bán hàng bình ổn chủ yếu chỉ được bán lưu động, thời gian ngắn hoặc bán tại siêu thị nên người dân chưa tiếp cận được nhiều hàng bình ổn.

HOÀNG THI