BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hơn 60% doanh nghiệp bị đòi hối lộ

Cập nhật ngày: 26/06/2009 - 05:53

 

Khảo sát được dẫn ra tại Hội thảo quốc tế giới thiệu Quy tắc ứng xử trong kinh doanh của APEC và các nguyên tắc phòng, chống tham nhũng tổ chức hôm 26.6 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức.

Ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam là đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng thông qua việc tiếp tục ban hành các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và xét xử hành vi tham nhũng, với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, trong đó có khu vực kinh doanh.

Tại hội thảo, ông Michael Ahrens, Giám đốc điều hành – Australia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) khuyến cáo các hành vi hối lộ trong hoạt động kinh doanh phổ biến hiện nay gồm hối lộ, quà tặng, chiêu đãi và giải trí, chi phí đi lại cho khách hàng, ủng hộ chính trị, đóng góp từ thiện, tiền “bôi trơn”, sự hàm ơn...

Ông Michael Ahrens đã đề xuất đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cần xây dựng những quy tắc ứng xử trong kinh doanh của doanh nghiệp mình như không chấp nhận hối lộ trực tiếp hay gián tiếp nhằm có được lợi thế kinh doanh, xây dựng chương trình chống hối lộ trong doanh nghiệp, thực hiện kinh doanh công bằng, trung thực, minh bạch...

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) phát biểu tại hội thảo cho biết: qua khảo sát của Tập đoàn Ernst&Young và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 năm 2007, 2008 cho thấy có hơn 60% doanh nghiệp bị đòi hối lộ và hơn 80% doanh nghiệp liên quan đến tham nhũng, 48% doanh nghiệp đã từng mất hợp đồng, mất cơ hội làm ăn vì không đưa hối lộ.

Ông Hoàng Thái Dương đã đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp nên cam kết nói không với tham nhũng và thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp như xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, phi tham nhũng, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp..

(Theo TTXVN)