BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khó khăn trong việc xác định đối tượng được miễn thuỷ lợi phí

Cập nhật ngày: 14/03/2016 - 06:16

Ảnh minh hoạ: Cán bộ Xí nghiệp thủy lợi huyện Dương Minh Châu mở nước tưới vùng trồng mì xã Phước Minh.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin ý kiến về việc hướng dẫn đối tượng và thủ tục miễn thuỷ lợi phí vào giữa năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Từ đó, việc thu thuỷ lợi phí gặp khó khăn.

Cụ thể, ngày 22.6.2015, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đối tượng và thủ tục miễn thuỷ lợi phí.

Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 41/2013/TT-BTC, miễn thuỷ lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất cây trồng hằng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Diện tích đất cây trồng hằng năm có ít nhất 1 vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hằng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm. Như vậy đối với hộ gia đình, cá nhân là nông dân đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp là đất lúa hoặc đất trồng cây hằng năm, nhưng thực tế là cây lâu năm thì có thuộc đối tượng được miễn thuỷ lợi phí hay không?

Còn tại điểm a Khoản 3 Điều 2 của Thông tư 41/2013/TT-BTC quy định: miễn thuỷ lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân nông dân bao gồm những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương; những người có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được UBND xã, phường xác nhận là cư trú lâu dài tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu thường trú; những hộ gia đình, cá nhân trước đây hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nay không có việc làm; cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và bộ đội nghỉ mất sức, nghỉ việc do sắp xếp lại sản xuất, tinh giản biên chế hưởng trợ cấp một lần hoặc hưởng trợ cấp một số năm về sống tại địa phương; con của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân sống tại địa phương đến tuổi lao động chưa có việc làm.

Tuy nhiên trên thực tế có nhiều trường hợp có đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp là đất lúa, nhưng không sản xuất lúa mà trồng cây lâu năm, thì có thuộc đối tượng miễn thuỷ lợi phí hay không? Còn theo mục đích sử dụng đất- đất lúa không trồng lúa mà trồng cây lâu năm thì có thuộc đối tượng được miễn thuỷ lợi phí hay không?

Vấn đề nữa, đối với trường hợp được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất trồng cây lâu năm trên địa bàn xã khác, sử dụng đúng mục đích, nhưng chưa được UBND xã đó xác nhận cư trú lâu dài theo quy định (Điều 30 Luật Cư trú) thì có thuộc đối tượng được miễn thuỷ lợi phí hay không?

Ngoài ra, đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, công nhân và bộ đội đang làm việc hoặc nghỉ hưu có lương hưu hằng tháng thì có được miễn thuỷ lợi phí không? Hoặc trường hợp có cả hai vợ chồng cùng đứng tên trong giấy chứng nhận QSDĐ, chỉ có 1 người là đối tượng được hưởng lương hưu hằng tháng, nhưng người còn lại đứng tên trong giấy uỷ quyền hợp đồng  sử dụng nước thì có thuộc đối tượng được miễn thuỷ lợi phí hay không? Hoặc trường hợp chỉ có chồng đứng trên trong giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng lại là đối tượng có lương hưu hằng tháng, còn vợ không thuộc đối tượng có lương hưu hằng tháng, nếu chuyển cho vợ đứng tên trong giấy uỷ quyền hợp đồng sử dụng nước, thì có thuộc đối tượng được miễn thuỷ lợi phí hay không...

Trên là những vướng mắc mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang chờ ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để triển khai, áp dụng.

THIÊN TÂM