BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Xin đồng bào hãy nghĩ đến đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”

Cập nhật ngày: 20/05/2022 - 00:23

BTN - Có rất nhiều câu chuyện về Bác, mà các đảng viên- trong cuộc họp chi bộ định kỳ hằng tháng hay kể nhau nghe, rút ra làm bài học kinh nghiệm, lấy đó để răn mình, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Thế nhưng ít ai nhớ đến mẩu chuyện lễ mừng sinh nhật đầu tiên của Người, khi nước nhà vừa độc lập.

Năm 1946 là năm kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19.5.1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy’’.

Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào.

Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.

Cũng trong ngày 19.5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người. Khi nghe giới thiệu có Uỷ ban Vận động đời sống mới đến chúc thọ, Bác liền hỏi các đại biểu của Uỷ ban: “Đời sống mới là ai? Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?”.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thay mặt đoàn thưa với Bác: “Chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức... Nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ…”.

“Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ ăn cũng cổ à?” - Bác tranh luận.

Không khí buổi chúc mừng sinh nhật Bác trở nên náo nhiệt, vui vẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng liền thưa: “Uỷ ban Vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học”.

Bác liền nói: “Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu được thế nào là dân chủ, khoa học? Tôi hỏi chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?”.

Mọi người nhìn nhau, bối rối trước câu hỏi của Bác. Bác liền lấy tay vỗ vào bụng và nói: “Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? Mà muốn ăn thì phải làm gì? Phải làm việc phải siêng năng, thế là “cần” đấy!”.

Bác cũng nhắc nhở: “Muốn cho cuộc vận động được thực hiện được đến nơi đến chốn và có kết quả thì khẩu hiệu phải thiết thực, người đi vận động quần chúng phải làm gương”.

79 mùa xuân Người để lại cho dân tộc Việt Nam, sự nghiệp và tư tưởng của mình, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, mãi mãi toả sáng trong hành trình phát trin ca nhân dân ta và nhân loi tiến bộ.

Đ.H.T

(tổng hợp)