Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bài 1: Khó tiếp cận chính sách 

Cập nhật ngày: 12/10/2018 - 11:44

BTN - Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2013 đến nay, tổng kinh phí thực hiện cho các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 137.549 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 17.900 triệu đồng, ngân sách địa phương 119.649 triệu đồng. Tuy vậy, thực tế ở các địa phương thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện một số chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trồng rau trong nhà kính.

Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, các chính sách này đã góp phần tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với các nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật… để từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống.

Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2013 đến nay, tổng kinh phí thực hiện cho các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 137.549 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 17.900 triệu đồng, ngân sách địa phương 119.649 triệu đồng. Tuy vậy, thực tế ở các địa phương thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện một số chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Tại huyện Trảng Bàng, có 5 chính sách người dân tiếp cận được là: hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn; đề án rau an toàn; mô hình thâm canh lúa hiệu quả và bền vững theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo UBND huyện Trảng Bàng, có một số chính sách mới được phê duyệt vào năm 2017, đầu năm 2018 nên chưa đủ thời gian tác động mạnh vào quá trình thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện nay, có 1 chính sách doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được; 2 chính sách doanh nghiệp, người dân đang tiếp cận lại gặp nhiều khó khăn về thủ tục.

Chính sách người dân chưa tiếp cận được là hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Quyết định số 45/2017/QÐ-UBND ngày 15.12.2017 của UBND tỉnh). Do sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có chi phí ban đầu rất cao, nhất là chuyển sang trồng cây ăn trái thì thời gian cho thu hoạch khá dài (2 năm trở lên). Như vậy, mức hỗ trợ lãi suất của chính sách này từ 2-3% tổng vốn vay là quá thấp.

Ðối với chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn (theo Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND ngày 11.5.2017 của UBND tỉnh), huyện có 1 dự án được phê duyệt, hỗ trợ cho nông dân mua giống dứa tham gia xây dựng cánh đồng lớn tại xã Bình Thạnh. Kinh phí hỗ trợ giống cây trồng khoảng 2.880 triệu đồng với quy mô 200 ha. Năm 2017, chi phí hỗ trợ mua giống là 316,8 triệu đồng, trồng trên diện tích 22 ha nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa phân bổ vốn.

Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ quá chậm cho người dân đăng ký tham gia, đến nay đã gần 11 tháng nông dân vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Theo UBND huyện Trảng Bàng, nguyên nhân là tại mục 3, điều 14 Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND của UBND tỉnh quy định “…bố trí ngân sách hỗ trợ hằng năm từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện dự án cánh đồng lớn, trình HÐND tỉnh phê duyệt”.

Theo đó, nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ cho các dự án cánh đồng lớn là nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quy trình sử dụng, thanh toán nguồn vốn đầu tư phát triển tương đối phức tạp, do đó, UBND huyện đề xuất thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp. Khi dự án được hội đồng thẩm định đạt, UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn ngay để doanh nghiệp, người dân có vốn mua giống kịp thời (thời gian không quá 2 tháng sau khi doanh nghiệp, người dân nộp đủ hồ sơ dự án theo yêu cầu).

Một chính sách khác là chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Quyết định số 19/2017/QÐ-UBND ngày  16.6.2017 của UBND tỉnh) cũng đang gặp khó khăn về thủ tục. Cụ thể như dự án trồng dứa nêu trên của ông Nguyễn Văn Sáu tại xã Bình Thạnh, theo quy định thì ông phải chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang cây lâu năm. Ðể tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng được tiếp cận chính sách này, huyện để xuất khi chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây lâu năm, hay lên liếp, móc mương làm đê bao không phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo đánh giá của UBND huyện Trảng Bàng, các chính sách trên còn chưa phù hợp, rất khó áp dụng vào thực tiễn nên đến nay chưa có doanh nghiệp, người dân nào được hưởng. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn chậm đã làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, chưa đáp ứng sự phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.

Mặt khác, nhu cầu vốn đầu tư cho việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất lớn. Việc chuyển đổi sang mô hình này còn chậm, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, đầu ra thiếu ổn định. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm thông thường, nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.

Còn tại huyện Bến Cầu, ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, các quyết định của UBND tỉnh mới ban hành vào năm 2017, sau khi có các cơ chế chính sách này, người nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Ðến nay, huyện chỉ mới triển khai thực hiện được 2 chính sách: Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, và Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu vay vốn mua các loại máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Ðối với chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn, nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn trên cây lúa được hỗ trợ về giống với định mức 396.000 đồng/ha. Trong năm 2017, huyện Bến Cầu đã hỗ trợ cho nông dân trên diện tích 314 ha với tổng số tiền 124,3 triệu đồng. Theo ông Lập, sở dĩ số diện tích được hỗ trợ còn ít vì theo nội dung quyết định trên, nông dân được hỗ trợ về giống và chỉ được hưởng thụ 1 lần.

Huyện Bến Cầu đã có nghị quyết về phát triển mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa. Tuy nhiên, vùng sản xuất lúa theo mô hình liên kết 4 nhà lại ổn định từ vụ này sang vụ khác, muốn triển khai thì phải phát triển qua vùng mới. Ngoài ra, để được nhận hỗ trợ thì yêu cầu người dân phải có biên lai, hợp đồng mua lúa giống, vật tư, rất phiền phức cho người dân; và phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa. Ðây là những cái khó của huyện trong việc triển khai thực hiện chính sách.

Theo Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg về giảm tổn thất trong nông nghiệp, đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho 4 hộ trên địa bàn huyện để mua máy gặt đập liên hợp. Trong đó, xã Tiên Thuận 1 hộ (400 triệu đồng), xã An Thạnh 3 hộ (350 triệu đồng/hộ). Hiện trên địa bàn huyện còn có 3 hợp tác xã đã đăng ký tham gia nhưng đến nay vẫn chưa được nhận hỗ trợ.

Ông Ðỗ Châu Sa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Việt Hàn (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) cho biết, khi biết có chính sách hỗ trợ vay vốn để mua máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vào giữa năm 2017, HTX đã làm các thủ tục, hồ sơ để được vay vốn. Tuy nhiên, phía ngân hàng thông báo là... không có nguồn vốn cho vay. Sau nhiều lần liên hệ mà vẫn bị từ chối, ông Sa ngán ngẩm không vay vốn phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Lập cho biết thêm, ngoài 2 chính sách trên, Bến Cầu có một số mô hình không thực hiện được theo các quyết định của tỉnh. Ðể được hưởng theo Quyết định số 45 thì phải có diện tích từ 5 ha trở lên, tập hợp liền canh, có giá trị đầu tư 5 tỷ đồng trở lên/dự án. Ðây là điều vượt quá tầm tay của nông dân… vì vậy, trong thời gian qua, huyện Bến Cầu hưởng thụ rất ít. Chỉ các huyện có những doanh nghiệp lớn, có quy mô sản xuất lớn mới có khả năng hưởng thụ. Còn ở Bến Cầu, đa phần quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên khó thực hiện.

TRÚC LY