BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài toán thiếu giáo viên Mầm non:

Chưa có lời giải 

Cập nhật ngày: 14/11/2019 - 23:36

BTN - Năm học 2019-2020, Tây Ninh được Bộ Nội vụ cho tuyển bổ sung 383 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển thấp hơn nhiều. Bài toán thiếu giáo viên mầm non không dễ gì tìm ra lời giải.

Trong giờ học ở Trường mầm non Sao Mai (cơ sở giáo dục ngoài công lập) ở huyện Gò Dầu.

Hồ sơ dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu

Tại huyện Tân Biên, lãnh đạo địa phương này thông tin, tổng số biên chế được giao tuyển 78 chỉ tiêu nhưng hiện chỉ có 17 hồ sơ dự tuyển. 

Liên quan đến trường, lớp mầm non dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, theo thống kê, số trẻ em dưới 36 tháng tuổi trong độ tuổi có 1.732 trẻ. Trong số đó, có 188 trẻ đến trường, chiếm gần 11%. 

Lãnh đạo địa phương cho biết, Tân Biên không có nhu cầu phát triển trường mầm non dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Vì trên địa bàn, các xã cơ bản đã có các trường mầm non, mẫu giáo có nhóm dành cho trẻ 36 tháng tuổi. Riêng địa bàn Thị trấn có thể phát triển thêm nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi, nhưng số lượng phòng học không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Do tình hình thực tế tại địa phương, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều. Vì thế, trước mắt địa phương ưu tiên cho công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi ra lớp trên địa bàn huyện theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lãnh đạo huyện cho rằng, nếu phát triển thêm nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn huyện thì cần bổ sung thêm số lượng giáo viên theo định biên biên chế lớp: 2,5 giáo viên/nhóm. Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tại Tân Biên có một trường tư thục và 3 nhóm lớp độc lập.

Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét đào tạo giáo viên theo địa chỉ để bổ sung nguồn tuyển.

Tại Gò Dầu, lãnh đạo UBND huyện cho biết, địa phương còn thiếu 63 giáo viên. Huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyển giáo viên đợt 1 rất sớm (tháng 8.2019 tuyển được 14 giáo viên/28 chỉ tiêu).  Ngày 8.11.2019, Sở Nội vụ phê duyệt kế hoạch tuyển viên chức đợt 2 (dành cho Gò Dầu) 34 giáo viên mầm non. UBND huyện tiếp tục tuyển dụng trong tháng 12.2019.  

Đối với trường, lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, lãnh đạo huyện nhìn nhận, những năm gần đây, nhu cầu chỗ học dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ngày càng tăng. Nhưng các trường công lập chỉ tập trung ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, còn nhóm nhà trẻ chủ yếu được gửi trong các trường tư thục, các nhóm trẻ độc lập trên địa bàn huyện.

Xuất phát từ nhu cầu này, số lượng trường tư thục và các nhóm trẻ độc lập trên địa bàn của huyện tăng nhanh, hiện nay, có 4 trường tư thục và 14 nhóm trẻ độc lập. Liên quan đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở vùng nông thôn, năm học 2019-2020, Gò Dầu có thêm 44 phòng học được xây. Từ số phòng học này, một số trường ở các xã Phước Thạnh, Thạnh Đức, Thanh Phước, Bàu Đồn đã tiếp nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi. 

Để giải quyết chuyện thiếu giáo viên mầm non, lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu đề xuất xem xét chế độ lương, chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non. Theo phân tích của lãnh đạo địa phương, một giáo viên mầm non mới ra trường tổng thu nhập chưa đến 3 triệu đồng mỗi tháng, rất khó thu hút học sinh phổ thông vào ngành sư phạm mầm non.

Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25.10.2011 quy định thời gian làm việc đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày. Theo đó, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi bảo đảm làm việc 40 giờ/tuần.

Thực tế thời gian làm việc dài hơn so với quy định. “Sáng 6 giờ 30 có mặt để đón trẻ và chiều đợi phụ huynh học sinh đến đón rước trẻ xong mới ra về, nhưng theo quy định thì không thể tính thừa giờ (giờ làm thêm) đối với giáo viên mầm non”- lãnh đạo huyện phân tích.

Cơ sở đào tạo giáo viên: khan hiếm nguồn tuyển

Lãnh đạo Trường trung cấp Tân Bách Khoa (một trường ngoài công lập có đào tạo giáo viên mầm non) thông tin, từ năm 2014-2019, trường đào tạo 4 khoá ngành sư phạm mầm non, có tổng cộng 251 học viên tốt nghiêp ra trường. Trong quá trình đào tạo, trường thực hiện đúng nội dung chương trình, thời gian… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với phương châm học đi đôi với hành, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với việc làm, học viên ra trường đạt khung trình độ quốc gia, có việc làm bảo đảm phù hợp giữa đào tạo và sử dụng.

Song song với đào tạo trình độ trung cấp ngành sư phạm mầm non, trường còn đào tạo sơ cấp với chuyên đề 300 tiết về bảo mẫu trẻ em được 4 khoá với 171 học viên, trang bị những kiến thức cơ bản về tâm lý, sinh lý lứa tuổi, các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục… trẻ để cùng giáo viên thực hiện nhiệm vụ trên lớp cũng như trong sinh hoạt của trẻ ở trường tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập.

Để chuẩn hoá và nâng cao trình độ, năng lực giáo viên, Trường trung cấp Tân Bách Khoa liên kết với Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học ngành giáo dục mầm non được 3 khoá với 172 sinh viên và khoá đầu tiên đã tốt nghiệp.

Khó khăn và tồn tại lớn nhất hiện nay của nhà trường là không tuyển sinh đủ số lượng để đào tạo. Mặc dù nhu cầu giáo viên mầm non ở Tây Ninh còn khá nhiều nhưng học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng đăng ký chọn nghề giáo viên mầm non trình độ trung cấp rất ít. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo giáo viên mầm non trong thời gian tới, trường kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ, nhuần nhuyễn nhiều giải pháp trong tuyển sinh, đào tạo, sử dụng giáo viên mầm non.

Cụ thể, thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng… trong học sinh, phụ huynh, xã hội- nhất là nghề giáo và nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút… học sinh đi đào tạo để làm giáo viên mầm non (hiện lương giáo viên mầm non thấp, nhất là dạng hợp đồng, trong khi thời gian, cường độ lao động, áp lực trong công việc… nhiều).

Thực hiện tốt chủ trương đào tạo giáo viên phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo của địa phương. “Nâng cao chất lượng đầu vào là cần thiết nhưng trước mắt nên linh hoạt đối với những nơi có nhu cầu lớn, vùng khó khăn, từ đó mới có nguồn tuyển sinh”- lãnh đạo nhà trường nêu kiến nghị.

Theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT, học sinh lớp 12 muốn vào học ngành sư phạm phải được xếp loại khá trở lên về học lực. Hơn nữa, điểm sàn xét tuyển vào ngành đào tạo giáo viên năm học 2019-2020 bậc trung cấp là 14 điểm, cao đẳng là 16 điểm. Theo phân tích, tình hình và điều kiện thực tế hiện nay, với trình độ và kết quả xếp loại học tập, thi tốt nghiệp như trên, học sinh sẽ không chọn vào ngành sư phạm, nhất là sư phạm mầm non, vì các em có nhiều lựa chọn khác.

“Tại Tây Ninh, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi mầm non ra lớp còn hạn chế (trừ trẻ 5 tuổi đã phổ cập), nhất là trẻ dưới 36 tháng. Giáo viên mầm non cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Để thực hiện đề án, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của địa phương cần phải có sự đầu tư toàn diện, trong đó trước tiên là đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục theo chỉ đạo của Chính phủ có người học là phải có người dạy”- đại diện nhà trường nêu quan điểm.

Trường CĐSP Tây Ninh cũng đang gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh ngành học sư phạm mầm non. Đầu tháng 9.2019, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với ngành Giáo dục, đại diện nhà trường cho biết, việc đào tạo giáo viên mầm non đang tồn tại không ít bất cập. Một mặt, sau một thời gian học, đến khi đi thực tập, sinh viên sư phạm mầm non thấy tính chất công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ không phù hợp với mình nên một số em bỏ học.

Còn tại buổi tiếp và làm việc với đoàn khảo sát của HĐND tỉnh cách nay chưa lâu, lãnh đạo nhà trường cho biết, năm học 2019-2020, nhà trường “xin” đào tạo hơn 100 chỉ tiêu sinh viên sư phạm mầm non nhưng cuối cùng Bộ GD&ĐT chỉ “duyệt” 46 chỉ tiêu. Điều này khác với hệ thống trường nghề. Trường dạy nghề nếu tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng. Trong khi đó, trường sư phạm tuyển sinh vượt chỉ tiêu là bị Bộ GD&ĐT phạt.

Câu chuyện thiếu giáo viên mầm non có nhiều góc nhìn nhưng có thể tóm gọn: Một, đang tồn tại nhiều bất cập trong chính sách đào tạo, tuyển sinh và tuyển dụng. Hai, sự dịch chuyển của thị trường lao động. So sánh với nhiều ngành nghề khác, những thí sinh (mầm non gần như 100% sinh viên nữ) nếu có học lực thật sự khá, giỏi, sức khoẻ tốt, sư phạm không phải là một lựa chọn ưu tiên.

Đầu năm học này, khi Bộ Nội vụ có văn bản đồng ý để Tây Ninh tuyển bổ sung 383 giáo viên mầm non, lãnh đạo nhiều Phòng GD&ĐT chung một nhận định rằng, cao lắm cũng chỉ tuyển được 50%. Đến thời điểm này, kết quả tuyển sinh của một số địa phương trong tỉnh cho thấy, nhận định vừa nêu là có cơ sở.

Việt Đông