BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mộc mạc như tình bạn thuở nào 

Cập nhật ngày: 12/02/2017 - 12:38

BTNO - Xuân Phát tên thật là Đào Văn Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, ông là soạn giả sân khấu của Đoàn Văn công Tây Ninh và là người có công xây dựng Đoàn trong giai đoạn đầu thành lập.

Tác giả Xuân Phát ( ảnh: P.TK)

Bài thơ “Với Xuân Hồng” được ông viết trong đêm 23.12.1988- đêm mà Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức mừng nhạc sĩ Xuân Hồng tròn 60 tuổi, tại khách sạn Hoà Bình. Đây cũng là dịp để văn nghệ sĩ tỉnh nhà gặp gỡ người nhạc sĩ tài hoa và là dịp để những người bạn cùng thời tái ngộ, ôn lại những kỷ niệm khó quên trong kháng chiến.

Trong số đó có soạn giả Xuân Phát. Xuân Phát và Xuân Hồng đều là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hoá văn nghệ cách mạng. Bài thơ “Với Xuân Hồng” tuy không nhiều trau chuốt, do được viết một cách “tốc hành” nhưng nó gợi nhiều cảm xúc trong khung cảnh anh em, đồng chí bao năm xa cách giờ gặp lại, cùng nhau hồi tưởng quãng đời chiến đấu gian lao mà anh dũng đã qua. Chính tác giả bài thơ đã thật thà chia sẻ trong hai câu kết bài: Vội vàng viết mấy câu thơ/ Thay lời chúc thọ, kịp giờ liên hoan.

Bài thơ sau đó được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh số xuân Kỷ Tỵ 1989. Dẫu vậy, “Với Xuân Hồng” vẫn có những câu thơ hay khi nói về một nhạc sĩ gốc nông dân quê ở Tây Ninh đã thiết lập được một “thương hiệu” vững chắc cho mình trong giới âm nhạc Việt Nam: Niềm vui hơn vạn mùa xuân/ Ra đi từ độ… vào rừng sợ ma/ Dãi dầu mòn gót đường xa/ Trên lưng nặng gánh: ghi ta- chiếc bòng.

Chính những dòng thơ ít trau chuốt, bóng bẩy như thế đã thể hiện được cái phong cách mộc mạc, chân chất của nhạc sĩ Xuân Hồng trong những ngày mắc võng nằm rừng, đi trong bom đạn để tìm những giai điệu có thể nói lên được cuộc sống chiến đấu đầy gian khó mà hào hùng của cả dân tộc. Luống cày xưa chẳng uổng công/ Nâng chân bạn bước vượt vòng chiến chinh/ Từ bài hát “Đố dân quân/ Bài ca may áo, Mùa xuân Sài Gòn”. 

Thời niên thiếu chỉ biết chơi các loại nhạc cụ và bài bản cổ nhạc, sau Cách mạng tháng Tám, nhạc sĩ Xuân Hồng mới bắt đầu tiếp xúc với tân nhạc. Trước nhu cầu phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược và được sự khuyến khích của đồng đội, ông bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp sáng tác ca khúc âm nhạc và về sau đã trở thành nhạc sĩ thực thụ- chuyên sáng tác mảng “nhạc đỏ” trong kháng chiến. Sau ngày giải phóng miền Nam, những bài hát của Xuân Hồng vẫn tiếp tục ra đời và vẫn được công chúng âm nhạc yêu thích. Quả như những gì Xuân Phát đã viết: Biết bao âm điệu dập dồn/ Con tằm đâu ngại dứt lòng nhả tơ.

Nhạc sĩ Xuân Hồng đã mất vào năm 1996 và soạn giả Xuân Phát cũng đã mất năm 2009, nhưng chừng như tình bạn giữa hai người vẫn còn đó, đẹp mãi qua bài thơ mộc mạc “Với Xuân Hồng”.

VĂN TÀI