BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phân luồng học sinh phổ thông:

Nghịch lý giáo dục nghề nghiệp 

Cập nhật ngày: 07/11/2018 - 06:41

BTN - Ngoài tâm lý không muốn học nghề, việc giáo dục nghề nghiệp, dù được quan tâm, ưu tiên nhưng trên thực tế không phải không có những nghịch lý, mâu thuẫn về chủ trương, chính sách. Trước hết, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cao khiến cho nguồn tuyển vào trường nghề sau trung học cơ sở trở nên khan hiếm.

Giáo viên Trường cao đẳng nghề Tây Ninh hướng dẫn học viên thực hành ở xưởng.

Tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 522/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Tinh thần chính của quyết định này là tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh không chỉ sau trung học cơ sở mà còn cả trung học phổ thông. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn, cán bộ quản lý nhận định, thực hiện được chủ trương này không hề đơn giản .

CHỈ TIÊU HỌC NGHỀ QUÁ CAO ?

Mục tiêu chung của Quyết định 522 là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Quyết định 522 đề ra một số mục tiêu cụ thể để các cấp, ngành triển khai thực hiện. Theo tinh thần đó, đến năm 2020, khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Ðối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên.

Khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên. Theo Quyết định 522, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.

Ðối với cấp trung học phổ thông, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Năm 2025, phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%. Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Cùng với đó, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Với học sinh trung học phổ thông, ít nhất 45% tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Về lộ trình thực hiện Ðề án, từ năm 2018 đến năm 2020, rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu Ðề án giai đoạn 2018-2020. Các cấp, ngành liên quan bổ sung, cập nhật nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, xây dựng nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðồng thời, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Quyết định 522 của Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn. Có cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các ban, ngành liên quan thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong trường phổ thông.

Quyết định của Thủ tướng còn đề cập đến việc xây dựng chuyên trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; hỗ trợ thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Giai đoạn 2020 đến năm 2025, tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục triển khai thí điểm và tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; duy trì và hoàn thiện các hoạt động đã triển khai giai đoạn từ năm 2018-2020; bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động (nếu cần thiết) phù hợp với yêu cầu chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định 522. Trong đó, Bộ LÐ-TB&XH chủ trì nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

KHÓ HOÀN THÀNH

Trong đợt làm việc mới đây của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với lãnh đạo các ngành và UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 29 của Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục, một số ý kiến đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về tình hình phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và cả học sinh trung học phổ thông. Tại buổi làm việc hôm đó, có hai ý kiến (quản lý ở cấp sở) chung một nhận định, việc thực hiện 30% học sinh trung học cơ sở đi học nghề đã không đạt được, nay nâng lên “ít nhất 40 và 45%” càng khó hơn rất nhiều.

Tỷ lệ 30% học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề được đề cập  trong Chỉ thị số 10, năm 2011 của Bộ Chính trị. Theo đó, đến năm 2020, “phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề”. Trong nhiều lần hội thảo, hội nghị, tổng kết, sơ kết, giám sát… các cấp, ngành liên quan, ngành GD-ÐT thừa nhận, dù đã nỗ lực nhưng không thể đạt được 30% học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề.

Quyết định 522 yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan chủ trì bổ sung, sửa đổi chính sách để thu hút học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học nghề. Theo ý kiến của một số vị làm công tác quản lý lâu năm, nói về hỗ trợ, hiện nay, học sinh sau trung học cơ sở, nếu đi học nghề ngay thì đã được tạo điều kiện rất nhiều, thậm chí có cả chính sách không phải đóng học phí.

Ðối với sinh viên, học viên trường nghề hoặc giáo dục chuyên nghiệp, học phí luôn là một gánh nặng. Thế nhưng, ngay cả khi không phải đóng học phí, học sinh sau trung học cơ sở vẫn không mặn mà với trường nghề. Ðiều tương tự như học sinh sau trung học phổ thông không muốn học ngành sư phạm, dù được miễn phí.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị đến nay cũng đã hơn 8 năm, chỉ còn chưa đến hai năm là đến thời hạn cuối, nhưng số lượng, tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào trường nghề rất thấp. Ngoài tâm lý không muốn học nghề, việc giáo dục nghề nghiệp, dù được quan tâm, ưu tiên nhưng trên thực tế không phải không có những nghịch lý, mâu thuẫn về chủ trương, chính sách. Trước hết, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cao khiến cho nguồn tuyển vào trường nghề sau trung học cơ sở trở nên khan hiếm.

Trong buổi làm việc cách nay chưa lâu với các sở, ngành liên quan, tại phòng họp của HÐND tỉnh, có vị đại biểu Quốc hội thêm một lần đặt ra vấn đề này. “Tuyển lên lớp 10 hết rồi, còn đâu nguồn tuyển cho trường nghề”- vị đại biểu nêu. Từ nhiều năm qua, tuyển sinh vào lớp 10 hiếm khi dưới 90% học sinh sau khi học xong lớp 9.

Thật ra, nếu như 10% học sinh còn lại sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở đều đi học nghề thì trường nghề ít nhiều còn “vớt vát” được. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, sau khi học xong trung học cơ sở, rất nhiều em không còn tiếp tục con đường học vấn. Chuyện học sinh ít vào trường nghề, trường trung cấp còn có một nguyên nhân ở tầm “vĩ mô” hơn, đó là quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương đã chỉ ra rằng, sau khi học nghề hai năm, học viên vẫn chưa đủ 18 tuổi.

Nếu doanh nghiệp nhận nhóm đối tượng này vào làm việc thì phải có sự đồng ý, hoặc bảo lãnh của gia đình. Ðiều này khiến nhà tuyển dụng ngần ngại, đó còn chưa kể, với đặc điểm của nền công nghiệp sản xuất thô (hàm lượng chất xám thấp), doanh nghiệp không lo thiếu nguồn tuyển. Theo quy định, học sinh sau trung học cơ sở, nếu muốn học liên thông để vào đại học thì trong thời gian học nghề phải học cả các môn văn hoá, vì muốn thi đại học, phải hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Trong khi, theo phân tích, những học sinh đi học nghề thường “ngán học” các môn văn hoá.

Học viên Trường cao đẳng Nghề trong giờ thực hành tại xưởng.

Vẫn liên quan chính sách, việc hình thành quá nhiều trường đại học, cộng với chính sách tuyển sinh “thông thoáng”, hầu như học sinh nào cũng có thể vào đại học- nếu muốn. Ðiều này khiến cho không chỉ trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp mà ngay cả nhiều trường đại học “tốp dưới” cũng “đói” nguồn tuyển. Vì vậy, việc đề ra chỉ tiêu “ít nhất 45% học sinh trung học phổ thông” vào học nghề khó có thể đạt được.

Một ví dụ, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh được phép đào tạo 22 ngành nghề nhưng hiện tại chỉ có 5 ngành nghề có người theo học thường xuyên. Nhìn rộng thêm, trong khi Quyết định 522 “đẩy mạnh” dạy nghề ở cả trung cấp, cao đẳng thì trước đó, năm 2017, Nghị quyết 19 của Trung ương Ðảng chủ trương, mỗi tỉnh chỉ còn một cơ sở đào tạo nghề.

Thực hiện chủ trương này, Tây Ninh đã và đang tiến hành các bước cần thiết sáp nhập hai cơ sở đào tạo nghề làm một để cải thiện chất lượng, đồng thời tinh gọn bộ máy. Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh còn lắm gian nan. Nhưng đây là chủ trương rất đúng đắn, nên hy vọng các nhà quản lý sẽ có thêm nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

VIỆT ÐÔNG