BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những con đường nội ô 

Cập nhật ngày: 22/07/2017 - 19:55

BTN - Tháng 7. Trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, ngoài tường rào Toà thánh người ta đang bán rất nhiều hoa phong lan cùng những rổ nấm tràm. Vào khỏi cửa Hoà Viện (nay là cửa số 11) đã thấy sực lên mùi của nhựa đường nóng vừa mới trải.

Ðường Phạm Hộ Pháp vừa cán xong mặt nhựa.

Vào ngày mùng 4, xe máy thi công đã dồn tụ lại ở cuối con đường Phạm Hộ Pháp. Ngay đầu đường vẫn còn một xe lu cặm cụi bò đi, bò lại cán nốt phần đường nối với đường vòng quanh ở trong bức tường rào.

Mùi thơm nồng nhiệt ấy vẫn theo suốt con đường dài hơn cây số đưa ta về cửa số 7 cũ (nay đã là cửa số 5). Ðây cũng là trục lộ chính, quan trọng nhất chạy hướng Bắc- Nam của khuôn viên Toà thánh.

Ðây nhé, thoạt tiên là chạy qua mặt tiền ngôi đền thánh. Phía trước đền là mênh mông quảng trường mang tên Ðại Ðồng Xã nằm giữa hai khoảng rừng thiên nhiên vẫn còn cao vợi, toả bóng thâm u. Một bên lố nhố du khách xúm lại bờ rào rừng thiên nhiên xem khỉ.

Ở đâu ra mà nhiều khỉ thế. Khỉ mẹ, khỉ con bìu ríu bên nhau, có cả những con khỉ loại đầu đàn trông già nua nhưng bệ vệ. Thích nhất là bầy khỉ nhí, vừa rời vú mẹ đã biết rủ nhau ríu rít trèo leo.

Khỉ ở đây rất quen người nên cứ vô tư nhận quà từ tay con người ban phát. Nào trái cây, nào đậu phộng...

Chúng vẫn giữ thói quen rừng xanh- vừa ăn vừa vứt bỏ lung tung. Qua khỏi rừng thiên nhiên là các công trình. Như Nữ đầu sư đường và Giáo tông đường. Rồi Hiệp thiên đài và Giảng đường.

Qua nữa là ngôi Báo Ân từ óng ả ngói đỏ, tháp cao toạ lạc một bên. Ðối diện là Bá huê viên, toàn cây kiểng đẹp nhưng vẫn còn bóng dáng cao vời của vài cây cao su có mặt thuở ban đầu, từ những năm 1926- 1927, khi đạo Cao Ðài bắt đầu sự nghiệp dựng xây thánh địa.

Bởi thế mà qua đây, còn có thêm mùi hương dịu dàng của các loài hoa. Hương thoang thoảng quanh ta từ Bá huê viên cho tới khu vườn kế bên đền thánh lúc nào cũng thấy bước chân du khách dập dìu.

Ngày 4.7, đại lộ Phạm Hộ Pháp đã cán nhựa xong. Hơn 30 mét ngang cả vỉa hè, hơn 1.000 mét chiều dài thẫm đen nuột nà như một tấm khăn lụa đũi trải dài suốt từ cửa 1 (cửa Hoà Viện cũ) tới cửa 5 (cửa 7 cũ).

Ðây còn là trục chính của tất cả các kỳ đại lễ Cao Ðài. Vào những dịp ấy đại lộ rộng rinh này chật người đua chen đi xem lễ. Con đường thơm thảo hương hoa, giờ đã thêm mùi nhựa nóng vừa mới trải.

Nó hứa hẹn sẽ làm nhẹ bước chân du khách vào những ngày rằm tháng 8 âm lịch tới đây- khi đến hẹn lại lên, chức sắc, tín đồ các họ đạo cả nước về dâng lễ Hội yến Diêu Trì.

Ngày 7.7, xe máy thi công đã chuyển sang, bắt đầu thi công con đường Cao Thượng Phẩm kéo dài từ cửa 2 cũ (nay là cổng 12) đến cổng số 6 cũ (nay là cổng 4). Ðường hẹp hơn, chỉ khoảng 20 mét nhưng bù lại là những hàng me tây tuyệt đẹp.

Cây ngả tán lá vào trong tận sân Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành, THCS Lý Tự Trọng. Cây lại ngả ra lòng đường che bóng mát người đi ở đoạn có rừng thiên nhiên, nơi trước kia còn là Nhà Văn hoá thiếu nhi.

Toàn những dáng cây đẹp dị kỳ. Vỏ cây thẫm đen phủ đầy những mảng xanh rì của tầm gửi, địa y. Hai cây phượng già trước cổng trường Lý Tự Trọng mới gãy đổ năm ngoái thì năm nay cây phượng trẻ đã kịp bung hoa rừng rực sắc hè.

Những cỗ máy đang rầm rì, chầm chậm lăn qua dưới những tán lá và màu hoa ấy. Cái thùng ben chổng ngược trút bê tông nhựa vào cỗ máy trải và cán nhựa. Khi chúng lầm lì đi qua, dưới gầm xe đã hiện ra một làn đường đen thẫm, dày dặn.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Ðiều hành công thợ của Toà thánh, mới biết lần này Hội thánh đã thuê hẳn một công ty có “số má” hẳn hoi ở Tây Ninh, chứ không còn hoàn toàn công quả tự làm như những lần xây dựng hay tu sửa công trình trước đó.

Ðấy là công ty Hải Ðăng, một doanh nghiệp khá nổi bật của tỉnh nhà. Ông Hùng nói thêm, cái này còn có sự ủng hộ của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang. Bí thư đã vận động để Hải Ðăng hỗ trợ cho dự án tới hơn 3 tỷ đồng.

Thêm rất nhiều tấm lòng của các mạnh thường quân và vô số kể công sức của những người làm công quả mới có thể thực hiện thành công dự án.

Sau đường, còn là điện với lưới điện ngầm hoá trên tất cả các con đường nội ô. Dự án sẽ hoàn thành trước lễ Hội yến Diêu Trì cung năm Kỷ Dậu 2017.

Thơm thảo những con đường nội ô! Mùi nhựa, mùi hoa và cả những tấm lòng. Ðường nào thi công thì cổng chính đi vào sẽ tạm thời bị đóng để thi công an toàn và cũng là để bảo vệ thành quả mới đã và đang hiện hình.

Người Cao Ðài yêu những con đường này lắm! Công quả quét dọn sạch lòng lề đường mỗi chiều mỗi sớm. Vét từng lớp cát mỏng đọng trên từng nắp hố ga thoát nước sau mưa. Rồi trước khi cán lớp nhựa mới, họ cẩn thận đem nước rửa sạch mặt đường cũ. Và không chỉ ở những dịp này đâu mà là quanh năm suốt tháng.

Như Hội yến Diêu Trì năm ngoái trời mưa, có từng tốp người đứng dọc lề đường, múc tát từng vũng nước đọng, sợ làm lấm chân du khách. Hỏi có tình người nào thơm thảo hơn thế này không?

Ðến hôm nay, con đường vành đai phía trong bờ rào đã xong, thoải mái cho tất cả mọi người về hưởng thụ. Thanh niên và các bác trung niên đem bóng đá vô chơi ở đoạn cuối đường Cao Thượng Sanh, gần cổng số 7 mới. Nơi ấy còn là nơi trẻ em đến tập xe đạp, các cụ cao tuổi thì đạp xe rong ruổi cả chục vòng mỗi buổi ban chiều.

Nếu trước kia, người quanh khu Toà thánh thường hay đem cả gia đình đến chơi trên bãi cỏ Ðại Ðồng Xã, thì nay gần như cả khu 100 ha này đã như một đại công viên. Trong đó có đoạn rất thú vị là hơn 4km đường vành đai trong tường rào Toà thánh.

Tất cả đã nuột nà như tấm lụa căng phơi, mịn màng đen thẫm. Theo đó ta sẽ lần lượt ngắm 12 cái cổng. Giờ Hội thánh mới sửa lại tên gọi cho có thứ tự lớp lang, sau trước. Bắt đầu từ cổng Chính môn lớn nhất, có chiều cao bằng toà nhà 4-5 tầng và trải ra trên 190 mét chiều rộng.

Ðấy là cổng số 1. Rồi cứ theo ngược chiều kim đồng hồ mà ta tới cổng số 2 (cổng 3 cũ), cổng số 3 (cổng 4 cũ) kế bên đường Lý Thường Kiệt. Theo hẻm 19, An Dương Vương ở mặt phía nam sẽ là các cổng số từ 4 đến 6. Theo đường hẻm 71, đường 781 là 3 cổng 7, 8, 9.

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ là 3 cổng còn lại là 10, 11 (cửa Hoà Viện cũ) và 12 (cửa số 2 cũ). Cái cổng cuối cùng có tuổi đời cao nhất, vì được xây dựng đầu tiên từ năm 1926 (theo số khắc ghi trên cổng).

Bởi thế mà cổng này trông khúc chiết và còn bình dị lắm! Ðâu có được như những cổng xây sau, cũng tam quan nhưng hai tầng mái ngói đỏ au uy nghi, bề thế. Bù lại, nhìn cổng 12 bao giờ cũng đẹp. Ðấy là nhờ cái phông nền của cổng, luôn luôn là một khu rừng thiên nhiên lộng lẫy, quắc thước phía đằng sau.

Ði một vòng quanh đường vành đai trong, đếm đồng hồ cây số xe máy là khoảng 4,2km. Giờ giấc thì vô chừng, bởi ta có thể phải ngừng bất kể, do những cảnh quan tươi mới luôn mở ra đột ngột bên đường.

Khi là những cây cổ thụ xoè cành và tán lá thênh thang, cặp kè với cụm cây dừa thanh mảnh; lúc lại là những hàng cây sao cao vợi góc đường gần cua Lý Bơ, đăng đối với hàng dầu trên đường Lý Thường Kiệt.

Ðôi lúc lại gặp những đường lô thăm thẳm cao su. Vòng sang cửa 6, 7, 8 vào lúc trời trong mây trắng sẽ thấy bật trên nền trời hình dáng núi Bà xanh thẫm. Nhớ Bệnh viện Y học dân tộc ngày nào thì rẽ trục lộ Phạm Hộ Pháp đi vào từ cổng 4.

Hàng sao ở đấy đã như một dải rừng thiên nhiên, cây cao lừng lững đến chừng 30 mét, toả bóng sẫm trên khu nhà nay đã là Y viện của Hội thánh Cao Ðài.

Một cái mới nữa đây. Là cũng vào tháng 7 này tất cả cổng đã có ngôi nhà gác mới xây, nổi bật tường vàng ngói đỏ. Có cả sảnh, phòng trực và phòng ngủ; xinh xinh như một tiểu cảnh kiến trúc công viên, với cái tum sảnh nhô lên, điểm trang những gờ chỉ viền trắng và những ô cửa sổ.

Xin kể thêm một chi tiết nhỏ. Là tất cả các cổng- được xây dựng vài chục năm về trước đã có độ lùi nhất định với lề đường ở bên ngoài. Nên, mỗi cửa cong lõm vào như một vành trăng khuyết, tránh được những ùn ứ do đông người vào ra mỗi kỳ lễ hội.

Thật thú vị làm sao! Khi lướt xe êm nhẹ trên những con đường nội ô thơm thảo. Dù là đoạn rợp bóng cây cao hay những nơi ánh nắng chan hoà. Mùa thi công, có lúc gặp một cổng đóng. Thì cũng chớ ngại ngần, hãy đi sang cổng khác vẫn mở toang mời gọi khách ra vào.

N.Q.V