BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:

Rất cần sự chặt chẽ, rõ ràng 

Cập nhật ngày: 03/12/2018 - 06:30

BTN - Có được hợp đồng liên kết, nông dân an tâm hơn trong sản xuất, không còn lo chuyện bị thương lái ép giá khi thu hoạch, lợi nhuận tăng. Vấn đề là hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được lập thế nào để có sự chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.

Thương lái thu mua lúa của nông dân. Ảnh: Đ.H.T

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân ngày càng được đẩy mạnh. Có được hợp đồng liên kết, nông dân an tâm hơn trong sản xuất, không còn lo chuyện bị thương lái ép giá khi thu hoạch, lợi nhuận tăng. Vấn đề là hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được lập thế nào để có sự chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Điều này chưa được nông dân, thậm chí là hợp tác xã chú trọng, đến các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp không đáng có.

Nhiều lợi ích thiết thực

Ông Nguyễn Văn Nhành- Chủ tịch HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu cho biết, vụ lúa vừa qua, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với một doanh nghiệp. Sau mùa vụ, các thành viên HTX đều có lợi nhuận cao khi doanh nghiệp và HTX thực hiện những nội dung để ký trong hợp đồng.

Theo đó, HTX đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp nhận giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về phân phối lại cho thành viên. Khi phân phối, HTX làm thêm hợp đồng cá thể về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các thành viên nhằm ràng buộc trách nhiệm. Khi đã ký kết, các thành viên phải tuân thủ đầy đủ những quy định trong hợp đồng.

Ông Nhành, điều quan trọng nhất trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chính là trách nhiệm của các bên, doanh nghiệp và HTX. Trong đó ngoài việc ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, điều mà nông dân quan tâm là giá cả khi doanh nghiệp mua sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình canh tác đạt hiệu quả.

Những năm qua, HTX và các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ thực hiện rất tốt, minh bạch- nên chưa bao giờ phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng đã được ký kết. 

Theo ông Nhành, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp thường xuyên cử cán bộ đến giám sát, hướng dẫn người dân canh tác. Đến khi thu mua, nhân viên doanh nghiệp có mặt để thoả thuận giá cả với nông dân, cũng như ấn định ngày thu hoạch. Khi thu mua lúa xong, doanh nghiệp sẽ trừ các khoản tiền giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đã ứng trước… số tiền còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản của nông dân, HTX không tham gia việc chi trả tiền thu mua lúa giữa thành viên với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp còn có những chính sách hỗ trợ cho người dân, cộng với giá thu mua cao hơn thị trường, nhìn chung khi nông dân tham gia hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản lợi hơn so với trước đây nông dân phải tự sản xuất và tự tìm thương lái để tiêu thụ.

Không chỉ đối với lúa, các mặt hàng rau sạch cũng vậy. Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX rau an toàn Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cho biết, khi ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, cái lợi đầu tiên đối với người nông dân là sản phẩm được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với thương lái, người trồng sẽ được lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Bình, do số lượng hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều nên chưa thể bán hết sản phẩm thu hoạch của HTX theo hình thức này, vẫn còn bán cho thương lái. Tuy nhiên, với những cái lợi từ việc ký kết hợp đồng liên kết, HTX vẫn đang xúc tiến tìm kiếm doanh nghiệp liên kết, và mới đây, một doanh nghiệp lớn đã đến tìm hiểu để ký kết hợp đồng với HTX trong thời gian tới.

Những tranh chấp không đáng có

Việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Thế nhưng, nếu khi các bên ký kết hợp đồng không có những điều khoản rõ ràng để ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm, dễ phát sinh những tranh chấp không đáng có.

Mới đây, doanh nghiệp P có động thái chuẩn bị các thủ tục khởi kiện một HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành về hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mà theo doanh nghiệp này, do HTX không thanh toán tiền nợ vật tư đã ứng cho HTX vào đầu vụ lúa theo hợp đồng được ký kết vào tháng 5.2018.

Thế nhưng theo Giám đốc HTX, trong vụ việc này HTX không có lỗi, mà do doanh nghiệp không thu mua sản phẩm theo giá thị trường như đã ký kết. Theo hợp đồng, đến khi thu hoạch, doanh nghiệp P phải thu mua lúa cho các thành viên tham gia hợp đồng theo giá thị trường, nhưng lại đưa ra mức giá thấp hơn, nên nông dân không thể bán sản phẩm cho doanh nghiệp.

Thậm chí có trường hợp, doanh nghiệp cử nhân viên đến ruộng thoả thuận giá với nông dân và ấn định ngày thu hoạch, nhưng sau đó doanh nghiệp không đến, buộc HTX phải đứng ra thu mua để tạo niềm tin cho thành viên về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không thường xuyên cử nhân viên đến đồng ruộng để hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân.

Do đó, phần diện tích lúa còn lại trong hợp đồng được ký kết, vì doanh nghiệp thu mua thấp hơn giá thị trường nên buộc lòng HTX phải chấp nhận cho các thành viên bán cho thương lái.

Giám đốc HTX cho rằng, trước khi ký kết với doanh nghiệp này, HTX đã từng ký nhiều hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp khác và thực hiện suôn sẻ. Trong trường hợp này, do doanh nghiệp P không thực hiện đúng hợp đồng, HTX đề nghị doanh nghiệp cho “neo” lại số tiền nợ doanh nghiệp để mua giống, vật tư duy trì liên kết sản xuất với các thành viên nhưng doanh nghiệp không đồng ý.

Ngược lại, doanh nghiệp P thừa nhận trong hợp đồng ký kết có thoả thuận khi thu mua lúa của các thành viên hợp đồng sẽ mua theo giá thị trường. Thế nhưng, đến thời điểm thu hoạch, do giá cả biến động thất thường, nên doanh nghiệp đưa ra giá thu mua không được người nông dân đồng thuận. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn để cho người dân bán cho thương lái vì đây là lợi ích của người nông dân.

Vấn đề mấu chốt ở đây là doanh nghiệp khởi kiện yêu cầu HTX phải thanh toán tiền vật tư còn nợ. Bởi, dù không thu mua sản phẩm của HTX theo hợp đồng ký kết, nhưng các thành viên đã bán sản phẩm cho thương lái, có lợi nhuận. Họ cũng đã thanh toán tiền giống, tiền vật tư… cho HTX nên HTX phải có trách nhiệm trả lại cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tiền bán giống, vật tư doanh nghiệp không hề tính lãi nên doanh nghiệp không thể chấp nhận việc “neo” lại số tiền trên.

Có thể nhận thấy sự lỏng lẻo, thiếu ràng buộc trong hợp đồng mà HTX và doanh nghiệp P đã ký kết. Hợp đồng không hề có số, trong đó chỉ riêng điều khoản về mua theo giá thị trường không ghi cụ thể giá tham khảo ở để làm cơ sở ấn định. Rồi trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào nếu không thực hiện việc thu mua theo giá thị trường; khi doanh nghiệp không thu mua theo thoả thuận, HTX có quyền lợi để bảo vệ mình, trách nhiệm của doanh nghiệp khi không thực hiện đúng hợp đồng…

Nông dân thu hoạch lúa (ảnh minh hoạ).

Liên hệ với chính quyền địa phương nơi HTX đang hoạt hoạt động, Chủ tịch UBND xã cho biết, hợp đồng liên kết mà HTX ký với doanh nghiệp P do hai bên thoả thuận, HTX cũng không tham vấn UBND xã nên hiện nay chưa nắm cụ thể hợp đồng được ký kết như thế nào, chỉ nghe HTX báo là doanh nghiệp thực hiện không đúng hợp đồng.

Hy vọng tranh chấp không đáng có giữa HTX và doanh nghiệp P sẽ sớm được các chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan hoà giải để bảo đảm quyền lợi cho các bên.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề đặt ra với những hợp đồng liên kết giữa HTX với doanh nghiệp hay doanh nghiệp với nông dân rất cần được sự hỗ trợ, tư vấn của chính quyền địa phương, Hội Nông dân… để các bên có những ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ nhằm thực hiện đầy đủ hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp không đáng có.

NGHĨA NHÂN