BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tác nghiệp ở Trường Sa

Cập nhật ngày: 20/06/2016 - 05:19

Tác giả phỏng vấn Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Minh Tân tại đảo Trường Sa.

Trong cuộc đời làm phóng viên, có lẽ đây là kỷ niệm đẹp nhất và quý giá nhất đối với tôi khi được tháp tùng đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh đi công tác dài ngày ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Đây là lần thứ hai tỉnh tổ chức đoàn đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Vì vậy, tôi có dịp hỏi thăm, học tập kinh nghiệm từ một đàn anh đã từng tác nghiệp ở chuyến đi trước.

Chuẩn bị xong, mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày lên đường, trong lòng tôi cứ nôn nao bồi hồi khi nghĩ tới những điều mới lạ đang chờ ở phía trước mà tôi chưa hình dung ra sẽ như thế nào, việc tác nghiệp trên đảo có gì khác so với ở đất liền? Trong giấy triệu tập của đơn vị tổ chức chuyến đi có ghi: “Cá nhân đi công tác ở Trường Sa phải có sức khoẻ tốt, không mắc các bệnh mãn tính, cao huyết áp...”. Nghĩa là sẽ có rất nhiều vất vả phải đương đầu mà tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất cần phải đảm bảo đó là sức khoẻ.

Yên tâm về sức khoẻ của mình, tôi đọc đến phần lưu ý tiếp theo của đơn vị tổ chức ghi: “Ở Trường Sa điện thoại di động chỉ dùng được sóng Viettel”. Thế là tôi vội vàng sắm ngay cho mình 2 cái USB 3G loại có tốc độ đường truyền cực mạnh và một xấp thẻ cào cũng của nhà mạng này, tất cả để truyền tin, bài, hình ảnh về Đài nhanh nhất, bằng mọi cách.

Sáng tháng 5, sóng rì rào, trời xanh trong. Chiếc tàu thuỷ chở hơn 250 đại biểu nhổ neo, rời cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa.

Kể từ lúc này, tất cả sinh hoạt của các thành viên trên tàu đều theo chế độ “quân lệnh” do Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam- đơn vị thực hiện chuyến hải trình chỉ huy. Cánh phóng viên chúng tôi gồm các thành phần báo, đài các địa phương và lực lượng vũ trang được bố trí chung một phòng. Tàu vừa ra khỏi cửa biển Cần Giờ, sóng di động bắt đầu yếu dần rồi mất hẳn kéo theo niềm hăm hở ban đầu của cánh phóng viên là “sẽ truyền tin, bài, hình ảnh về đất liền nhanh nhất” cũng tan biến.

Chông chênh cùng sóng nước hơn 40 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã được tiếp cận điểm đến đầu tiên, đó là đảo Đá Lớn điểm A và điểm C. Do đã được sinh hoạt trước nên các phóng viên di chuyển lên đảo theo trật tự của Ban tổ chức sắp xếp và đương nhiên là được “ưu tiên đi trước để tác nghiệp”.

Được thoả sức “vùng vẫy” sau hàng chục tiếng đồng hồ “xếp máy”, ở đảo Đá Lớn, chúng tôi hoạt động hăng hái nhất. Máy ảnh bấm xoành xoạnh, máy quay đổi góc lia lịa, micro phỏng vấn chuyền hết người này đến người khác.

Một ngày trôi qua mau. Chiều xuống, cơm canh đã được dọn sẵn tận phòng. Thế nhưng, mấy tay phóng viên không quan tâm việc “đổ cơm vào bụng” bằng việc “đổ hình vào máy tính”. Cũng phải thôi, vì ai cũng nôn nao muốn nhìn thấy thành quả đầu tiên của lần tác nghiệp đầu tiên nơi miền hải đảo xa xôi. Mặc dù không còn máu me “truyền tin, bài, hình ảnh về báo, đài nhanh nhất” nhưng mọi người vẫn nuôi hy vọng- biết đâu đến một đảo nào đó có sóng 3G cũng nên! Cho nên các “sản phẩm” làm ra cứ để xếp hàng trong laptop chờ cơ hội nhấn “send”.

Và chúng tôi đã chờ cho đến… ngày trở về đất liền!

Thượng uý Lê Văn May, phóng viên Báo Quân Khu 5 chia sẻ: “Cũng là một người lính, nên tôi hiểu tâm tư tình cảm của các chiến sĩ, đặc biệt là các chiến sĩ nơi đảo xa. Tôi nghĩ, đây là cơ hội tốt để chia sẻ những tâm tư tình cảm với các đồng chí, đồng đội của mình và đây cũng là nguồn cảm xúc lớn để tôi có được những tác phẩm hay, những bài viết thể hiện được tình cảm của đất liền đối với lính đảo và ngược lại- tình cảm của lính đảo đối với đất liền”.

Chị Hoàng An, biên tập viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hoà vui vẻ cho biết: “Là phóng viên nữ tác nghiệp ở Trường Sa gặp nhiều khó khăn hơn so với đồng nghiệp nam giới do điều kiện khí hậu ở Trường Sa rất khắc nghiệt. Trong 2 ngày đầu tôi đã bị say sóng và không ăn uống được gì. Tôi cảm thấy rất lo lắng, không biết là khi lên đảo mình có thể lấy thông tin, viết bài được không. Thế nhưng qua trò chuyện, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo, tôi nhận thấy những khó khăn, vất vả trong công việc của mình chẳng thấm tháp vào đâu so với đời sống của những con người nơi đây. Thế là tự dưng những sự mệt nhọc tan biến đâu hết”.

Theo hải trình, sau đảo Đá Lớn, đoàn chúng tôi đến thăm các điểm khác như đảo Đá Lát, đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn Đông, đảo Trường Sa Đông, đảo Cô Lin, đảo Phan Vinh và cuối cùng là đảo Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1.

Cùng một đề tài tuyên truyền về biển đảo Trường Sa, mỗi người trong tổ phóng viên chúng tôi có một cách tác nghiệp riêng tuỳ theo năng khiếu và sự mẫn cảm của mình. Người thì bám sát các hoạt động của lãnh đạo đoàn, người thì quan tâm tìm hiểu việc trồng rau xanh ở vùng thiếu nước ngọt; người lại đồng cảm với tâm sự của những anh lính xa nhà vv...vv…

Riêng tôi, ngoài những đề tài đã chuẩn bị trước từ đất liền, tôi tập trung thêm vào đời sống trẻ em trên đảo vì cũng đã đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6. Bài viết đã xong, trong đó tôi cố gắng khắc hoạ sự hồn nhiên trong trẻo của các em nhỏ trên đảo. Chỉ trông cho có sóng 3G đủ mạnh để gửi về Đài nhưng thật đáng tiếc…

Trong chuyến đi, ngoài việc lao động để mang về “sản phẩm” thông tin cho cơ quan mình, nhóm phóng viên trên tàu còn phải thực hiện chương trình truyền thanh nội bộ của tàu để phát hằng đêm- vào lúc 21 giờ trong suốt hải trình. Vậy là, sáng ra chúng tôi đi tác nghiệp phục vụ cơ quan mình, chiều về lại xoay vòng với nhau theo ca để làm bản tin về các hoạt động trong ngày của đoàn, viết bài tuyên truyền về cuộc sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Căn phòng C5 của chúng tôi giống như một trung tâm báo chí thu nhỏ hơn là một phòng nghỉ tập thể. Khi đóng kín cửa, nó cách âm hoàn toàn với bên ngoài, trở thành một phòng thu khá lý tưởng. Trong tổ phóng viên có anh Phong- trước từng là phát thanh viên của Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, giờ anh kiêm luôn việc đọc chương trình phát thanh của tàu. Vậy là chiếc máy ghi âm của tổ được trưng dụng, phần mềm Edius trong máy tính của tôi được lôi ra nhưng chỉ dựng phần âm thanh.

Bên này anh Quốc- Báo Bạc Liêu biên tập các tin, bài đã tổng hợp; bên kia anh Chí- Đài Phát thanh- Truyền hình Kon Tum trích âm thanh từ các bài phát biểu đã thu ban sáng. Anh Phong đọc xong đưa file vào dựng. Cũng nhạc hiệu, nhạc cắt, nhạc nền bài bản như một chương trình phát thanh của tỉnh nhưng được sản xuất khá nhanh trong điều kiện tác nghiệp hết sức “dã chiến”. Mỗi ngày, cứ 5 giờ 30 sáng loa báo thức theo hiệu lệnh quân đội. 6 giờ ăn sáng. 7 giờ phóng viên rời tàu lên ca nô đến đảo tác nghiệp. Trưa về lại tàu ăn, nghỉ. Đầu giờ chiều lại đến tác nghiệp ở các đảo khác theo một kế hoạch đã được “lập trình” sẵn của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Cứ thế, mười ngày tác nghiệp trôi qua nhanh chóng.

Chia tay Trường Sa. Mười ngày tuy ngắn ngủi nhưng đã ghi dấu bao kỷ niệm, bao cảm xúc khó quên. Mà quên sao được những lúc thay nhau vác chân máy dưới cái nóng cháy da của xứ đảo, những lúc chia nhau từng ngụm nước ngọt trên chiếc canô chòng chành giữa cơn sóng dữ. Quên sao được hình ảnh tôi, anh Quốc và anh Chí mỗi người ôm một laptop cùng đi rà sóng 3G trên nóc tàu; 3 người tản ra 3 nơi, dặn nhau hễ máy tính của ai có tín hiệu thì phải thông báo liền để cả nhóm cùng “nhào đến” dùng ké...

Nhiều lắm. Nhớ lắm. Và giá trị lắm với chúng tôi- về một chuyến đi đầy ắp những trải nghiệm mới lạ, đầy ắp những điều thú vị trong cuộc đời làm báo.

MAI NHẬT LÂM