BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tìm cách làm mới để tăng hiệu quả Chương trình 135 

Cập nhật ngày: 19/02/2017 - 17:15

BTNO - Được đầu tư nhiều nguồn lực, Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả nhất định về sản xuất, đời sống cũng như kết cấu hạ tầng giao thông ở các xã đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, tính bền vững của chương trình này vẫn còn nhiều chuyện phải đặt ra…

Từ một con bò thuộc dự án ngân hàng bò, anh Phạm Ngọc Sơn (xã Ninh Điền, Châu Thành) đã có thêm 2 con bò con.

LOAY  HOAY “TRỒNG CÂY GÌ, NUÔI CON GÌ?”

Lãnh đạo UBND xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, năm 2016, có 59 hộ nghèo và cận nghèo ở xã được hỗ trợ 270 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Nguồn vốn này được chính quyền địa phương dùng để mua cho mỗi hộ hai con heo giống, mỗi con từ 10 – 20kg. Thế nhưng, cũng theo đánh giá của lãnh đạo xã Ninh Điền, hiệu quả của Chương trình 135 (phần dành cho chăn nuôi heo) không cao. Năm 2016, có những hộ nuôi heo tương đối thành công nhưng cũng có không ít hộ heo chết.

Anh Phạm Ngọc Sơn, ngụ ấp Trà Sim, một hộ thuộc diện cận nghèo cho biết, năm vừa qua anh được xã cấp cho hai con heo, mỗi con nặng hơn 10kg. Sau 6 tháng nuôi, hai con heo nhà anh Sơn nuôi có tổng trọng lượng 120kg, bán được 4,3 triệu đồng trong khi tiền mua cám cho heo ăn hết 4,1 triệu đồng. “Nếu tính cả tiền giống, tiền công thì lỗ vốn nặng” – anh Sơn nói.

Đối với con bò, lãnh đạo xã Ninh Điền nhìn nhận: “Trước đây, dân trong xã được Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, nhưng vốn để mua một bò khá nhiều, nên phải 4- 5 hộ mới chung tiền mua được một con để nuôi theo hình thức xoay vòng. Thế là từ hộ đầu tiên cho đến hộ cuối cùng được nhận bò để nuôi nhanh lắm cũng phải mất… 5 năm. Thời gian nuôi lâu như thế nên hiệu quả đem lại không cao”. Được biết, Chương trình 135 quy định không hỗ trợ tiền mặt cho những hộ thuộc diện đầu tư mà chỉ hỗ trợ cây, con giống. Điều này đã được tính toán kỹ, vì nếu phát tiền mặt, có thể sẽ có những trường hợp hộ nghèo khó quá sẽ nhanh chóng tiêu hết tiền.

Mặt khác, việc hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ dành cho chăn nuôi, còn trồng trọt thì khó vì phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo không có đất canh tác. Nhiều cán bộ địa phương vùng thụ hưởng Chương trình 135 cho rằng, do chăn nuôi heo hiệu quả thấp nên cần tăng mức tiền hỗ trợ để những hộ được đầu tư nuôi bò. “Theo quy định hiện hành, mỗi năm hộ nghèo được hỗ trợ 5 triệu đồng, hộ cận nghèo được 4 triệu đồng. Nên chăng, Nhà nước nghiên cứu  tăng mức hỗ trợ cho mỗi hộ từ 5 – 10 triệu đồng để hai hộ có thể nuôi chung một con bò, rút ngắn thời gian chờ đợi, tăng hiệu quả của chương trình”.

Có thể tăng vốn hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo được không? Ông Phạm Thái Huyền, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Châu Thành cho rằng, đề xuất tăng nguồn vốn hỗ trợ là tốt nhưng khó thực hiện: “Quy định mức hỗ trợ thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh không quyết được.

Trước đây, các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương cũng đã từng trả lời vấn đề này rồi, nguồn vốn hỗ trợ hiện tại chỉ có thế, không tăng được nữa”. Ông Huyền cho biết, trước đây, lúc giá bò còn thấp, chừng 15 triệu đồng/con thì 3 hộ được hỗ trợ vốn có thể chung tiền mua bò nhưng nay bò giống giá khá cao, khoảng 30 triệu đồng mỗi con nên không thể mua được.

Mặt khác, chuyện “nuôi bò tập thể” cũng có những bất cập vì có hộ chăm sóc bò tốt nhưng cũng có những hộ chăm sóc kém. Đồng thời, nguyện vọng, tính toán làm ăn của mỗi hộ cũng không giống nhau, có trường hợp muốn nuôi bò nhưng cũng có nhà không muốn nuôi. Để tạo công ăn việc làm và có thu nhập trực tiếp, trước đây đã từng có mô hình tặng máy phun thuốc trừ sâu cho người nghèo để họ có việc làm. Một thời gian sau đi kiểm tra thì nhiều hộ được tặng máy phun đã bán hết.

Theo ông Huyền, huyện Châu Thành có 6 trên tổng số 20 xã thuộc Chương trình 135 của tỉnh, lãnh đạo các cấp chính quyền của huyện đã nỗ lực tìm kiếm, đề xuất nhiều sáng kiến để hộ nghèo và cận nghèo làm ăn như nuôi gia cầm, kể cả nuôi… côn trùng, các loài bò sát nhưng không ít hộ dân thuộc diện được đầu tư cũng không mặn mà gì. Ở khu vực biên giới, có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức, khát vọng vươn lên của bà con có chừng mực, thậm chí có tâm lý ỷ lại, trông chờ.

Ngoài chuyện “trồng cây gì nuôi con gì” để phát triển sản xuất, một nội dung quan trọng của Chương trình 135 là đầu tư cho giao thông. “Đường giao thông thuộc Chương trình 135 chỉ được đầu tư để làm đường sỏi đỏ, không phải đường nhựa nên tuổi thọ không cao – ông Phạm Thái Huyền nhìn nhận.

Trong một văn bản ban hành ngày 2.12.2016, UBND huyện Châu Thành cho biết, tổng nguồn vốn thuộc Chương trình 135 đầu tư cho 6 xã trên địa bàn huyện để phát triển chăn nuôi là hơn 1,6 tỷ đồng. Các xã ở khu vực biên giới thực hiện 6 dự án chăn nuôi heo và hàng trăm con heo đã được cấp cho hộ nghèo, cận nghèo.

Tính đến thời điểm báo cáo, tiến độ giải ngân của nguồn vốn phát triển sản xuất đạt 100%. Về đường giao thông, năm 2016, huyện Châu Thành được hỗ trợ đầu tư 5,4 tỷ đồng, bình quân 900 triệu đồng/xã để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Toàn bộ nguồn vốn dành cho phát triển giao thông đều đã được giải ngân. “Nguồn vốn đã được ưu tiên bố trí thanh toán nợ, đầu tư những tuyến đường giao thông cấp thiết, bức xúc, phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành nhìn nhận, Chương trình 135 đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, nhiều hộ nông dân đỡ vất vả hơn vì được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế. Nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, biên giới.

Tuy vậy, Chương trình 135 cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc liên quan đến chính sách, quản lý, điều hành. Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của địa phương. Kết cấu hạ tầng giao thông vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới tuy được đầu tư nhưng phát triển chưa thật đồng bộ. Mức vốn đầu tư thấp nên các tuyến đường giao thông nông thôn chỉ mới dừng lại ở mức cấp phối sỏi đỏ, do vậy nhanh xuống cấp.

TÌM CÁCH TIẾP CẬN MỚI

Tại Tân Biên, có 3 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 là Tân Bình, Hoà Hiệp và Tân Lập. Một vị lãnh đạo UBND huyện Tân Biên cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, 3 xã vừa kể đã được hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng để phát triển sản xuất (chăn nuôi gia súc, gia cầm). Đối với dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn vừa qua, 3 xã vùng biên giới của huyện đã được hỗ trợ 10 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhìn nhận về tính hiệu quả của Chương trình 135, lãnh đạo UBND huyện Tân Biên cho rằng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (chăn nuôi gia súc, gia cầm) phù hợp với điều kiện ở địa phương được nhân dân đồng tình ủng hộ. Dự án tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân và sản phẩm phụ của nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn gia súc, cơ cấu kinh tế trên địa bàn chuyển dịch đúng hướng. Đối với dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nhiều tuyến đường được nâng cấp, sửa chữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của 3 xã biên giới.

Tuy vậy, khó khăn, bất cập vẫn còn, đa số hộ dân trong danh sách được Chương trình 135 hỗ trợ không tham gia tập huấn kiến thức chăn nuôi, chuồng trại nơi chăn nuôi không bảo đảm kỹ thuật dẫn đến tình trạng vật nuôi chết. Công tác duy tu sửa chữa, bảo trì chưa kịp thời, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng còn hạn chế dẫn đến công trình xuống cấp.

Lãnh đạo UBND huyện kiến nghị mở lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình 135; tiếp tục duy trì đầu tư Chương trình 135 cho các xã biên giới và tăng vốn đầu tư hằng năm nhằm giúp các xã biên giới giảm bớt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Để khắc phục những hạn chế của Chương trình 135, ông Trịnh Ngọc Phương, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho rằng, trong thời gian tới cần tìm hướng đi mới, cách làm mới để tăng hiệu quả của dự án đầu tư phát triển sản xuất.

Theo đó, có thể nghiên cứu, vận động những hộ nghèo và cận nghèo nhưng có đất sản xuất gom lại cho doanh nghiệp thuê để trồng sản phẩm nông nghiệp sạch, người dân vẫn bảo đảm giữ được đất và có cơ hội tìm được việc làm ngay trên mảnh đất của mình.

Đối với vấn đề giao thông, ông Trịnh Ngọc Phương nhìn nhận, đúng là đường giao thông được làm bằng sỏi đỏ nhanh xuống cấp, vì nguồn vốn dành cho giao thông Chương trình 135 có mức độ, không thể làm đường nhựa.

Tuy nhiên, ông cho biết, lãnh đạo huyện đang nghiên cứu kết hợp nhiều nguồn vốn, nguồn lực khác nhau để có thể nhựa hoá những tuyến đường giao thông thuộc diện đầu tư 135. Như vậy, việc kết hợp, tập trung nguồn vốn sẽ làm được những công trình giao thông chất lượng, bền vững hơn.

Trước ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho 20 xã vùng 135 của Tây Ninh đang có tình trạng cào bằng, xã có hạ tầng tốt cũng được đầu tư mỗi năm 1 tỷ đồng, xã kém hơn cũng được đầu tư mức đó, điều này không hợp lý, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho rằng, ý kiến đó không phải không có lý nhưng nếu cấp vốn cho xã này nhiều hơn xã kia thì cũng không ổn. Cách hợp lý nhất để khắc phục tình trạng phân bổ vốn theo kiểu cào bằng là các xã kết hợp các nguồn vốn của chương trình khác, ví dụ xây dựng nông thôn mới để đầu tư có hiệu quả hơn.

VIỆT ĐÔNG

Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức vốn đầu tư Chương trình 135 hằng năm từ 3 tỷ đồng – 5 tỷ đồng/năm/xã đối với vốn đầu tư phát triển; 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm/xã và tăng suất đầu tư từ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giảm thời gian xoay vòng trong nhóm hộ thụ hưởng của chương trình (kiến nghị của UBND huyện Châu Thành).