BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vườn trăm hoa và đền thờ Phật mẫu 

Cập nhật ngày: 19/09/2018 - 08:46

BTN - Quen thì có nhiều nhất là sứ kiểng với hàng trăm kiểu dáng thân gốc xoắn bện vào nhau. Sau nữa là bông trang tươi đỏ bốn mùa, mai vạn phúc đơm bông trắng đầy trên mâm lá.

Chỉ vài ngày nữa thôi sẽ diễn ra Hội yến Diêu Trì cung, một trong hai đại lễ quan trọng nhất của đạo Cao Đài. Đại lễ vía Đấng Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng và Hội yến sẽ vào đúng ngày 15 tháng 8 (âm lịch). Suốt những ngày diễn ra Hội yến, đường Phạm Hộ Pháp trong khu Toà thánh sẽ đông nghịt những người! Du khách muôn phương khăn áo lụa là cùng với chức sắc tín đồ nhất loạt áo dài màu trắng. 

Cổng đại lễ Hội yến Diêu Trì đã dựng ngay sau trụ cờ phướn có hình chim thanh loan giang cánh vẫy đuôi trên ngọn. Cổng kiểu tam quan chùa cổ, với cột sơn son và ba tầng mái ngói rực vàng. Đăng đối lại là ở bên kia đường có bức đại tự lớn kết toàn bằng hoa lá. Nổi bật lên dòng chữ toả hương thơm: Mừng Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm 2018.

Bá Huê viên và Báo Ân Từ.

Nếu khu Đền thánh và sân Đại Đồng Xã ở gần các cửa số 11 và 12 (cửa Hoà Viện và số 2 xưa) là cụm kiến trúc quan trọng bậc nhất thì nơi có đền thờ Phật mẫu và vườn trăm hoa này sẽ là cụm kiến trúc quan trọng thứ hai trong toàn bộ kiến trúc nội ô Toà thánh Cao Đài. Nối liền hai cụm ấy là đại lộ Phạm Hộ Pháp trải theo hướng Bắc - Nam. Còn lại trên trục này cũng là những toà dinh thự vừa mang tính đạo thiêng liêng, vừa thân thiện đời thường. Như các toà nam, nữ Đầu sư đường, Giáo tông đường, Hiệp Thiên đài, Hộ Pháp đường…

Ở cụm thứ nhất có Đại Đồng Xã làm nơi cho đoàn rước múa tứ linh- rồng nhang biểu diễn những đêm đại lễ; cũng là nơi để các họ đạo trưng bày các gian triển lãm kể chuyện xưa, tích cũ dịp tháng Giêng. Còn ở cụm kiến trúc thứ hai này, Hội yến cũng là dịp cho tín đồ muôn nơi phô diễn tài khéo trên từng gian trưng bày quả phẩm. Những trái dưa đẹp như bình gốm Bát Tràng là của gian Hà Nội, Hải Phòng. Nơi có những quầy chuối táo quạ, dài 3 tấc mỗi trái là của một tỉnh miền Tây. Mè xửng xếp đặt hình khối cầu kỳ rõ ràng là món quà xứ Huế…

Còn nơi cả xếp lẫn treo rất nhiều bánh ít, bánh ú kia thì nhất định của họ đạo Trảng Bàng. Mỗi chiếc bánh được gói trong lá chuối, lá dừa tết khéo thành hình ngọn tháp. Và cũng đừng quên gian triển lãm của khu vườn trăm hoa ở bên kia đường. Đấy là gian của “Bá Huê viên”. Dĩ nhiên, ở đấy hoa lá luôn là vật liệu chính cho tạo hình nghệ thuật. Nhớ có năm, cả gian hàng được kết lại từ hàng ngàn bông huệ trắng. Vừa mát mắt người xem, mà lại thơm lừng…

Vào ngày Hội yến, chỉ hơi tiếc một chút cho khách phương xa là sẽ không có tấm ảnh kỷ niệm nào có đầy đủ vẹn nguyên ngôi đền thờ Phật mẫu. Là bởi người ta đã dựng rạp lên bao kín phía trước và chung quanh. Để có chỗ cho hơn một trăm gian trưng bày quả phẩm đến từ cả 3 miền đất nước. Vậy nên cần kể thêm về ngôi đền thờ Phật mẫu, chính là ngôi có tên chính thức: Báo Ân Từ.

Những tài liệu của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh cho biết: vào năm 1932, lệnh bề trên cho tháo dỡ 3 căn nhà gỗ của các sở: dưỡng lão, nữ công nghệ và Trường Hoà vào nội ô, để xây dựng lại thành ngôi Báo Ân Từ. Kiến trúc này có cột gỗ, vách đắp đất và lợp ngói. Đến cuối năm 1951, ngôi thờ này bị hư mục gần hết, Hội Phước Thiện nữ phái đã xin Hội thánh cho xây mới bằng gạch đá. Tài liệu của Ban kiến trúc cho biết: ngôi Báo Ân Từ được khởi công ngày 16.1 Nhâm Thìn (11.2.1952). Hoàn thành, được làm lễ trấn thần và an vị cúng Phật mẫu ngày 4.8 Quý Tỵ (11.9.1953). Lễ khánh thành vào ngày 9.1 Ất Mùi, trong dịp đại lễ khánh thành Toà thánh Tây Ninh đầu năm 1955.

Sau 65 năm, đến nay, Báo Ân Từ vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu, vừa vững chãi hiên ngang, vừa dịu dàng thanh thoát. Khối nhà lầu trước mặt tiền với hai lớp mái chồng diêm, lượn cong ở 4 góc đầu đao. Ở chính giữa lại nhô lên một toà tháp mặt bằng vuông, có tới 4 tầng, một tầng lan can và 3 tầng mái ngói đỏ au có đầu đao cong màu xanh lá. Mỗi tầng lên là một lần thu nhỏ lại, để cho người qua đường nhận thấy một dáng hình thanh thoát vút cao. Ngọn tháp đỡ một bông sen đỏ cùng ngọn thu lôi rất dài như muốn tiếp nối với trời xanh mây trắng. Toà kiến trúc này có bề dài 61 mét, bề ngang mặt tiền tới 18 mét. Sau hai bước gian tiền sảnh thì thu mình lại chỉ còn 16 mét mà thôi. Bốn phía có hành lang bao bọc. Các mảng tường nội và ngoại thất được trang trí, vẽ hoặc phù điêu rất mực cầu kỳ.

Bên kia đường, đối diện với Đền thờ Phật mẫu chính là vườn trăm hoa, mà bà con có đạo quen gọi tên là Bá Huê viên. Cũng có thể coi Bá Huê viên là gian trưng bày quả phẩm lớn nhất của chức sắc tín đồ dâng lên đức Diêu trì Kim mẫu. Mà dâng quanh năm suốt tháng, không đợi đến ngày rằm tháng 8.

Vườn ấy rộng 1 ha, chia thành 55 ô cũng được cấu trúc mặt bằng theo hình bát quái, bám quanh ô tròn trung tâm là Bát Quái đài. Con số 55, nghe nói tượng trưng cho long mã, một linh vật có hình trên nóc ngôi đền thánh Tây Ninh. Các vị nữ cai quản hiện nay cũng không còn nhớ vườn trăm hoa được thiết lập từ năm nào nữa. Chỉ nhớ nó đã có từ trước năm 1975. Nhưng sau khi đất nước thống nhất thì Hội thánh mới quan tâm xây dựng trở thành một công viên hoa kiểng lớn nhất trong nội ô Toà thánh. Năm 1976, vườn mang tên là vườn hoa Đoàn Kết. Đến khi đạo - đời tương đắc ổn định rồi mới trở lại tên ban đầu là Bá Huê viên.

Đúng như cái tên, chỉ 1 ha vườn mà có đủ kiểng, hoa của cả trăm miền. Đã thành cổ thụ là vài cây cao su có từ trước năm 1927, khi Toà thánh bắt đầu xây dựng. Những tàu lá chuối châu Phi, bề thế vẫn giương những tấm lá như cây quạt ba tiêu trong Tây Du Ký. Nhưng, những cây phượng tưng bừng hoa đỏ suốt xuân, hè đã không còn nữa. Đáng tiếc nhất là vườn đã mất cây bạch mai sum suê lớn cao hơn 7 mét (từng hiện diện trong thơ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh khi viếng núi Bà đầu thế kỷ 20). Cách nay 10 năm, vườn có tới 2 cây bạch mai, còn có tên riêng là cây Phước, Lộc, Thọ xuân nào cũng tràn đầy bông trắng. Cây rất khó chăm nên đã chết rồi.

Cây kiểng thì vô cùng! Có những cái tên lạ nhưng đẹp hoặc cao sang như công chúa ngàn thương, kim môn đông, tuyết tùng lá bạc... Quen thì có nhiều nhất là sứ kiểng với hàng trăm kiểu dáng thân gốc xoắn bện vào nhau. Sau nữa là bông trang tươi đỏ bốn mùa, mai vạn phúc đơm bông trắng đầy trên mâm lá. Thỉnh thoảng ta lại gặp những tuyệt tác cây xanh do con người chăm chút mà thành. Như những cụm si, sanh tạo hình tứ linh; hoặc những mái nhà rợp mát luôn xanh ngời sắc lá. Đây đó còn là những hồ nước nhỏ trong veo, trong dáng hình thù chim, thú. Vài búp sen ở góc hồ mới nhô lên hương thoảng nhẹ thanh tao. Nhưng thương nhất có lẽ là những cái cổng giàn leo bông giấy. Cột bê tông tròn, vuông xây tự thuở nào đã sàm sạm màu rêu. Những gốc dây bông giấy đã bám chặt vào, cũng cũ kỹ và xù xì rêu mốc. Chúng đã tự động hoà nhập vào nhau như cây một gốc, để xoè lên trời những tầng hoa lá um tùm. Rủ bóng mát cho người đi trên lối sỏi lao xao.

Giữa ngày Hội yến đông đúc đua chen này nếu ta tạt vào vườn trăm hoa, bỗng thấy mọi mệt mỏi bỗng tiêu tán hết. Bước chậm và nhẹ thôi, bởi tiếng sỏi khua có thể làm kinh động các nàng tiên.

TRẦN VŨ