Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Truông Mít: Nhiều hộ dân trồng nhãn trên đất lúa 

Cập nhật ngày: 23/07/2018 - 15:29

BTNO - Trên địa bàn xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) hiện nay có khoảng 1.200 ha diện tích đất trồng nhãn. Việc chuyển đổi cây trồng đã giúp cho người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định hơn so với các loại cây canh tác trước đây.

Trồng nhãn cho thu nhập khá

Ông Nguyễn Bình An, ngụ ở ấp Thuận An, xã Truông Mít cho biết, gia đình ông có 8 công đất, trước đây, ông trồng lúa và đậu phộng nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Gia đình ông quyết định chuyển sang trồng nhãn. Cây nhãn 1 năm cho 2 vụ trái, năm đầu thu hoạch với sản lượng khoảng 7 tấn/ha, năm thứ 2 khoảng 14 tấn/ha… nếu tính giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí đầu tư thì nông dân thu về lợi nhuận gấp khoảng 5 lần so với trồng lúa.

Ông Lê Văn Liễu bên vườn nhãn.

Còn theo ông Lê Văn Liễu cùng ngụ tại ấp Thuận An, xã Truông Mít, lúc trước, đây là vùng đất trồng 2 vụ lúa, 1 vụ đậu. Nhưng những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi, làm năng suất cây đậu phộng giảm, nên người dân chuyển sang trồng cây nhãn, nhờ đó mà thoát nghèo, khấm khá hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề người dân nơi đây quan tâm, đó là đầu ra cho sản phẩm. Cũng như các loại nông sản khác, giá nhãn cũng thường lên xuống thất thường.

Ông Liễu cho biết, khi được giá có thể lên đến 25.000 đồng/kg, nhưng có khi rớt xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg, nếu giá cả có thể ổn định được thì nông dân rất yên tâm.

Một nông dân khác cho biết thêm, hiện nay, đối với cây nhãn, nông dân rất cần được quan tâm và hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, hệ thống tưới tiêu, vốn và đầu ra.

Khu vực này còn một số diện tích vẫn trồng lúa, người dân mong muốn chuyển đổi sang trồng cây nhãn nhưng không có hệ thống thoát nước. Hàng năm, khoảng vào tháng 8 âm lịch, vùng đất ở đây thường bị ngập nước, nên việc chuyển đổi sang trồng nhãn gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

Theo UBND xã Truông Mít, giai đoạn trước năm 2005, trên địa bàn xã Truông Mít, phần lớn người dân trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, đậu phộng, mía, mì, hoa màu; chỉ một bộ phận nhỏ trồng cây lâu năm (cao su) và cây ăn quả (sầu riêng, bưởi…) tại những mãnh đất mà trồng lúa kém hiệu quả.

Sau giai đoạn trên, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, tuy vậy, một số khâu vẫn cần lao động chân tay, nhưng do người lao động địa phương đi làm công nhân tại các xí nghiệp, nên không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất, và giá thuê lao động trong sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Từ những nguyên nhân trên, người dân địa phương đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chủ yếu sang trồng cây ăn trái và cao su.

Qua điều tra sơ bộ của UBND xã, đến thời điểm hiện tại, xã Truông Mít có diện tích đất trồng cây ăn trái, cây công nghiệp khoảng 2.500 ha trên đất lúa; trong đó có 1.200 ha đất trồng cây nhãn, còn lại là cao su và một số ít cây ăn trái khác.

Do việc trồng lúa và đậu phộng có hiệu quả kinh tế thấp, nên hiện nay, người dân đang có xu hướng và nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây ăn trái như nhãn, sầu riêng, bưởi, quýt… trong đó, chủ yếu là nhãn tiêu da bò với chi phí chăm sóc thấp nhưng có lợi nhuận ổn định.

Qua khảo sát thực tế của UBND xã Truông Mít, người dân đã tự ý chuyển đổi cây trồng trên đất lúa gần 1.000 ha và nhu cầu chuyển đổi cây trồng trong thời gian tới thêm khoảng 700 ha từ đất lúa.

Cũng theo UBND xã này, việc người dân tự ý chuyển đổi cây trồng hàng loạt trên đất lúa là do nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý khi chưa có văn bản của cấp trên hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Hơn nữa, các vị trí đất lúa người dân chuyển đổi sang cây trồng khác chủ yếu nằm trong vùng ranh giới diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn xã Truông Mít đã được UBND huyện phê duyệt nhưng chưa cắm mốc.

Về vấn đề này, UBND xã cũng đã có kiến nghị UBND huyện, đề nghị cơ quan quản lý cấp trên sớm có văn bản hướng dẫn để người dân có thể chuyển đổi theo quy định, từ đó ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp.

Băn khoăn đầu ra cho nông sản

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đến làm việc tại Tây Ninh và đã đi khảo sát thực tế một số nơi, trong đó có vùng trồng nhãn của xã Truông Mít.

Ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến rằng, khu vực này trước đây trồng lúa, là vùng trũng, bây giờ chuyển sang trồng cây trồng cạn thì vấn đề đặt ra là thủy lợi, nhưng muốn làm thủy lợi thì phải có quy hoạch vùng, cho nên phải bàn bạc về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần phải tính từ sớm việc hình thành và xây dựng một vùng sản xuất theo quy trình, có nền tảng, được chứng nhận là an toàn và chất lượng, sau đó kết nối với các doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với tiêu thoát úng, cũng như điều tiết nước ở khu vực này, hiện nay ngành nông nghiệp đã chỉ đạo công ty thủy nông nghiên cứu, điều tiết nước theo cây ăn trái chứ không điều tiết theo cây lúa nước nữa.

Còn về việc tiêu nước thì ở vùng này đã có dự án, ngành thống nhất với huyện trong giải quyết bài toán tiêu nước ở vùng này, sẽ được triển khai trong năm 2019.

Ông Trong cho biết thêm, 90% diện tích trồng nhãn của huyện Dương Minh Châu là giống nhãn tiêu da bò, loại nhãn này hiện nay chỉ xuất sang Campuchia, do đó phải né thời vụ trùng với các cây ăn trái khác; thứ 2 là trúng vào dịp người dân Campuchia ăn tết thì nhãn mới có giá hơn, như vậy, rủi ro cho người trồng rất lớn.

Ngành Nông nghiệp đang hướng tới các thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật… nhưng đối với các thị trường này thì phải trồng nhãn Ido, do vậy, ông cũng đề nghị bà con nông dân nên chuyển đổi giống nhãn.

Trúc Ly