BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chuyển tiền nhầm” vào tài khoản ngân hàng - Thủ đoạn lừa đảo cần cảnh giác 

Cập nhật ngày: 20/07/2024 - 08:22

BTN - Hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc cố tình chuyển khoản nhầm với các chiêu thức vô cùng tinh vi, khiến cho nạn nhân dễ dàng “sập bẫy”.

Hiện nay, chuyển khoản ngân hàng đang ngày càng phổ biến, được mọi người lựa chọn làm phương thức giao dịch vì sự nhanh chóng, tiện lợi, không cần phải sử dụng đến tiền mặt. Tuy nhiên, kéo theo đó là hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc cố tình chuyển khoản nhầm với các chiêu thức vô cùng tinh vi, khiến cho nạn nhân dễ dàng “sập bẫy”.

Agribank cảnh báo đến người dân các hình thức lừa đảo.

“Cố tình” chuyển tiền nhầm

Anh N.Đ.D (ngụ thành phố Tây Ninh) cho biết, ngày 20.6 vừa qua, anh bất ngờ nhận được số tiền hơn 6 triệu đồng từ một số tài khoản lạ có tên Bùi Quang Huy chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh. Do số tiền không rõ nguồn gốc nên anh đã chuyển trả lại cho đối tượng theo đúng số tài khoản được hiện thị trên ứng dụng ngân hàng. Tuy nhiên, đối tượng này tiếp tục chuyển số tiền hơn 4 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của anh D.

“Tôi biết đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng sử dụng nhằm lừa cho vay nặng lãi hoặc đánh cắp thông tin khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản nên tôi tiếp tục chuyển trả lại cho đối tượng kèm nội dung nếu còn tiếp tục chuyển khoản sẽ báo Công an. Ngay sau đó, đối tượng này đã dừng việc chuyển tiền cho tôi”- anh D nói.

Từng nhận được số tiền hơn 5 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng kèm theo nội dung không rõ ràng, ngay sau đó, chị H.T.M.T (ngụ xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành) đã gặp không ít rắc rối từ khoản tiền “trên trời rơi xuống”.

Theo chị T, đối tượng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chị, ít nhất là 250.000 đồng, nhiều nhất là 3 triệu đồng. Sau đó, chị T liên tục nhận được những cuộc gọi lạ yêu cầu thanh toán tiền lãi từ số tiền mà đối tượng đã chuyển với thái độ doạ nạt. Không chỉ vậy, đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của chị T đăng tải trên mạng với nội dung tố giác chị T vay mượn tiền nhưng không trả nợ.

“Tôi chưa bao giờ vay tiền ở bất kỳ công ty tài chính nào. Không hiểu sao các đối tượng lại có thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của tôi. Ngay khi sự việc xảy ra, tôi đã liên hệ với ngân hàng hỗ trợ tra cứu lịch sử chuyển tiền và “phong toả” số tiền mà đối tượng chuyển nhầm; đồng thời trình báo cơ quan Công an giải quyết” - chị T kể.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản nhưng người nhận số tiền chuyển nhầm không tự giác hoàn trả, thậm chí lấy để tiêu xài hoặc chối bỏ việc đã nhận tiền.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là vi phạm pháp luật; tuỳ tính chất, mức độ, hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đơn cử, ngày 2.10.2023, chị N.T.H.N (sinh năm 1984) làm việc tại một công ty trên địa thị xã Trảng Bàng được một người quen nhờ chuyển khoản số tiền 200.000 đồng cho N.T.N.H.

Tuy nhiên, do sơ suất nên chị N đã chuyển nhầm thành 200 triệu đồng. Chị N nhờ người quen liên hệ với H thông báo số tiền chuyển nhầm nhưng không liên lạc được. Sau đó, chị N tiếp tục đến ngân hàng và Công an thị xã Trảng Bàng để được hỗ trợ, giải quyết.

Qua làm việc tại Công an thị xã Trảng Bàng, đối tượng H thừa nhận có nhận số tiền chuyển nhầm như trên và tự nguyện giao nộp số tiền 30 triệu đồng trả lại cho chị N.

Sau đó, Công an thị xã Trảng Bàng nhiều lần yêu cầu H tiếp tục trả lại toàn bộ số tiền “chuyển nhầm” cho chị N nhưng đối tượng cố tình không trả. Do đó, Công an thị xã Trảng Bàng đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam N.T.N.H về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Ông Phạm Ngô Thanh Trang- Phó trưởng Phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tây Ninh (Agribank) cho biết, ngân hàng thường xuyên tuyên truyền và cập nhật các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng như khách hàng của Agribank thông qua nhiều hình thức truyền thông khác nhau như đăng tải bài viết trên trang website, fanpage, dán thông báo tại các điểm giao dịch…

Thực tế cho thấy, các đối tượng sử dụng các chiêu thức thao túng tâm lý rất tốt khiến không ít nạn nhân mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh Công an, điều tra viên, nhân viên Toà án, Viện Kiểm sát, vội vàng chuyển tiền trong tình trạng bất an, lo lắng hoặc bị xâm chiếm tài khoản ngân hàng.

Agribank khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo.

Theo đó, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng phổ biến trong thời gian qua như giả vờ “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân với nội dung cho vay.

Sau đó, gọi điện báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu chuyển trả (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Sau khi nạn nhân chuyển trả xong thì người chủ tài khoản chuyển nhầm ban đầu sẽ liên hệ để đòi lại số tiền cùng với tiền lãi vay, nếu người nhận không hoàn lại sẽ trình báo cơ quan Công an.

Trong một số trường hợp, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ đến nạn nhân để thông báo về việc có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản và yêu cầu họ truy cập vào đường link giả nhầm lấy thông tin tài khoản ngân hàng như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.

 Ngoài ra, các đối tượng còn mạo danh các tổ chức yêu cầu khách hành cung cấp thông tin thẻ, mật khẩu/pin/OTP để thực hiện giao dịch chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Giả mạo tin nhắn của ngân hàng gửi thông báo kèm đường link giả để lừa đảo khách hành nhập thông tin nhằm thu thập trái phép dữ liệu khách hàng. Các đối tượng còn giả mạo trang thông tin điện tử để lừa đảo thu nhập thông tin tài khoản, thẻ, đăng nhập ứng dụng của người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt…

Gần đây, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Ðể hạn chế tối đa các rủi ro, Agribank khuyến cáo khách hàng sử dụng thẻ qua internet cần đăng ký dịch vụ nhận thông báo biến động số dư; thiết lập hạn mức giao dịch internet đối với các thẻ quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tế/theo từng lần giao dịch/đưa hạn mức về 0 hoặc tạm khoá thẻ khi không có nhu cầu sử dụng. Khi thực hiện giao dịch, mọi người cần liên kết thẻ quốc tế hoặc giao dịch trên các ví điện tử, website có uy tín và có xác thực (OTP).

Trường hợp nghi ngờ tài khoản hoặc thẻ phát sinh giao dịch có dấu hiệu gian lận, mọi người cần chủ động khoá thẻ, tài khoản trong thời gian sớm nhất; tuyệt đối không cung cấp thông tin OTP dưới bất kỳ hình thức nào, cho bất kỳ ai; không ấn vào đường link lạ được gửi qua e-mail/tin nhắn.

Mọi người cần cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo và lừa đảo trên VNeID và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị gian lận, chủ thẻ liên hệ ngay với Agribank (hotline 1900558818) và cơ quan Công an để được kịp thời hỗ trợ.

“Khi nhận được một khoản tiền chuyển nhầm, mọi người nên giữ nguyên số tiền này và liên hệ ngân hàng để được hỗ trợ giải quyết. Nếu nhận thấy vụ việc có tính chất lừa đảo, mọi người nên trình báo lên cơ quan Công an để được giải quyết kịp thời” - Phó trưởng Phòng Tổng hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tây Ninh nói.

Thiên Di

Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này). Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.