Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới

Phần 2: “Không phải nơi giãi bày tâm trạng cá nhân” 

Cập nhật ngày: 23/08/2023 - 16:05

BTN - Nghị quyết 23 chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém, qua 15 năm thực hiện, những hạn chế, yếu kém này đã từng bước được khắc phục nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, có mặt còn chậm.

Biểu diễn múa trống Chhay-dăm.

Môi trường phê bình trầm lắng

Hội đồng nhận định, việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ở một số cấp uỷ, các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn chậm, một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật nói chung, Nghị quyết 23-NQ/TW nói riêng còn chậm, chưa đồng bộ. Chưa có chính sách đột phá trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ tài năng; chưa thu hút được người có năng lực vào các cơ quan tham mưu, cơ quan văn học, nghệ thuật.

Quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá (trong đó có văn học, nghệ thuật) chưa được thực hiện nghiêm túc. Đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đúng tầm, đúng mức, còn có cách hiểu chưa đúng, cho rằng đầu tư kinh phí cho hoạt động văn học, nghệ thuật là sự “bao cấp” của Nhà nước. Việc thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn học, nghệ thuât còn nhiều bất cập. Hoạt động văn nghệ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Việc thực hiện chính sách tôn vinh, trao giải thưởng, khen thưởng, hỗ trợ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Việc sáp nhập một cách máy móc các đoàn nghệ thuật ở địa phương làm xoá nhoà đặc trưng của các loại hình nghệ thuật, gây khó khăn cho hoạt động của văn nghệ sĩ, dẫn đến tình trạng “nghiệp dư hoá” nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc tuyển sinh trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các ngành nghệ thuật truyền thống và bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hoà với số lượng; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phê bình, phổ biến, lưu giữ tác phẩm.

Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, quan tâm rộng rãi của công chúng và có sức lan toả sâu rộng, mạnh mẽ. Vai trò dẫn dắt của các kênh quảng bá truyền thống, chủ lực bị thu hẹp. Thị hiếu thẩm mỹ của công chúng tiếp tục phân hoá sâu sắc, trong đó có những xu hướng mới lạ đáng lo ngại.

Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng đánh giá, hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác và định hướng tiếp nhận. Lý luận văn học, nghệ thuật chậm khắc phục tình trạng kém năng động, chưa bám sát thực tiễn sáng tác.

Nhiều vấn đề lý luận văn nghệ còn thiếu nhanh nhạy, sắc bén, nhất là ở lĩnh vực nghệ thuật. Tính thuyết phục, tính chiến đấu của phê bình văn học, nghệ thuật chưa cao. Môi trường sinh hoạt phê bình nhìn chung còn trầm lắng, thiếu tinh thần trao đổi học thuật và đối thoại cởi mở. Phê bình văn học, nghệ thuật của báo chí có lúc, có nơi lấn át phê bình hàn lâm.

Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển thiếu đồng bộ, chưa bền vững; việc phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng đặt ra yêu cầu mới, ngày càng cao cho công tác quản lý nhà nước.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Ít địa phương xây dựng được đề án hoàn chỉnh về triển khai công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy, giảng dạy, trao truyền các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số. Chưa rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức thụ hưởng văn học, nghệ thuật giữa thành thị với nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các Hội Văn học - Nghệ thuật tuy có đổi mới nhưng chưa nhiều, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tài năng trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức; thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín, có chuyên môn, kiến thức chuyên ngành.

Cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật ở các tổ chức hội chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng “nhập siêu” văn học, nghệ thuật nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Công tác giao lưu, hợp tác quốc tế, giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài chưa có tính hệ thống, thiếu tầm chiến lược.

Bên cạnh những thành tựu, thời cơ và thuận lợi, văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự tác động của quá trình toàn cầu hoá, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số phát triển rất nhanh, tiếp tục làm thay đổi phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Sự giao lưu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài đồng thời có sự xâm nhập, thẩm thấu thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, độc hại của sản phẩm văn học, nghệ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một số văn nghệ sĩ và những mâu thuẫn xã hội tác động đến việc giữ vững định hướng phát triển văn học, nghệ thuật và tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Nguy cơ thiếu hụt đội ngũ kế cận; nguy cơ đứt gãy dòng mạch truyền thống và xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc trong sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn và thụ hưởng giá trị văn học, nghệ thuật ngày càng gia tăng.

Lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối

Ngày 25.7.2023, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu rất hay về văn học, nghệ thuật. Theo Tổng Bí thư, nền văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, khẳng định những cái tốt đẹp, cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, "lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối".

“Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới, gìn giữ các giá trị văn hoá, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”- Tổng Bí thư khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ sáng tác.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ ra thực tế: một số người phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái "tôi" để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật.

Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam hôm nay.

“Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.

Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việt Đông

Tin liên quan
  • Phần I: Chủ nghĩa yêu nước là dòng chảy chính 

    Phần I: Chủ nghĩa yêu nước là dòng chảy chính

    Một trong những nội dung cốt lõi, chính yếu liên quan đến đời sống văn học, nghệ thuật của nước ta trong 15 năm qua là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.