BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” 

Cập nhật ngày: 30/12/2021 - 10:02

BTNO - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ cuối năm 2015, nhằm vận động, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường giao thông được làm từ đóng góp của nhân dân, do MTTQ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vận động

Sau 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự.

Theo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ năm 2016 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng, mô hình chỉ đạo điểm phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả ở địa bàn dân cư. Triển khai xây dựng mới mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, tuyến đường NTM kiểu mẫu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh theo thẩm quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; đặc biệt là ban hành các tiêu chí về xây dựng NTM cấp xã, ấp; việc xem xét, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; quan tâm thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia. MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền trên 62,71 tỷ đồng; giúp đỡ cho 5.646 hộ gia đình; nhân dân đóng góp 142.863 ngày công lao động, hiến trên 503.332m2 đất để tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông xóm, ấp với tổng chiều dài trên 1.000km; lắp đặt mới 43 cầu, cống qua đường; nạo vét 56,5km kênh mương nội đồng; vệ sinh làm sạch đẹp 208,2 km đường làng, ngõ xóm; gắn hơn 1.300 bóng đèn thắp sáng đường quê. Tổng trị giá các hoạt động nêu trên 203 tỷ đồng.

Hưởng ứng phong trào "Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau", 5 năm qua, quỹ Vì người nghèo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) vận động được 161,574 tỷ đồng; xây tặng 3.620 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, trị giá trên 164 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động của các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp phối hợp vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân ở ấp, khu phố đoàn kết tương trợ cho 15.286 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 73,8 tỷ đồng. Những nỗ lực trong công tác chăm lo cho người nghèo, an sinh xã hội của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, sự ủng hộ tích cực của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã giúp cho 6.252 hộ thoát nghèo và 8.859 hộ thoát cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19" của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Tây Ninh ra Lời kêu gọi các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ, kết quả tiếp nhận tiền và hàng hoá đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng trị giá 52 tỷ đồng; vận động trang bị 8 trụ ATM gạo tại các huyện, thị xã, thành phố và 134 tấn gạo cấp cho 48.781 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngoài ra, Uỷ ban MTTQ tỉnh còn phát động, quyên góp từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được trên 7,1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai.

Nông dân tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế nông thôn (ảnh chụp tháng 3 năm 2021)

Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng được người dân đồng tình hưởng ứng. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân số tiêu chí NTM đạt được trên toàn tỉnh là 17,3 tiêu chí, phân loại theo nhóm: 46 xã đạt 19 tiêu chí; 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 1 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (xã Tân Thành, huyện Tân Châu). Kết quả này tuy còn khiêm tốn so với một số địa phương khác trong cả nước, nhưng thể hiện sự đoàn kết, phấn đấu và quyết tâm lớn của hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018 được xem là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. OCOP giúp các sản phẩm từ khu vực nông thôn có bước chuyển dịch về chất lượng và số lượng, tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn phát triển. Hiện nay, Tây Ninh có 18 sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tiến độ xây dựng NTM của tỉnh còn chậm, chưa phát huy nội lực; một số vấn đề còn hạn chế trong nông thôn như tệ nạn xã hội, ô nhiễm, tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM như: tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng NTM; một số nông sản chủ lực của tỉnh như: cao su, điều, mì, cây ăn quả gặp khó khăn trong việc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, do vốn đầu tư có hạn, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, chợ, trường học, trung tâm văn hoá… chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư các xã NTM. Công tác bảo trì các công trình giao thông sau khi hoàn thành chưa được quan tâm đúng mức; công tác duy tu, bảo dưỡng chưa thực hiện thường xuyên; một số công trình đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 bị xuống cấp nhưng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng được phân bổ còn hạn chế, phát sinh các hiện tượng hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản của Nhân dân, gây mất an toàn giao thông đối với người và phương tiện tham gia lưu thông. Kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển...

Nguyên An